7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1.2. …đến đào sâu vào thế giới bên trong phức tạp, bí ẩn
Những tập truyện sau Cánh đồng bất tận tiếp tục khai thác những đổ vỡ trong các mối quan hệ của con người. Nổi lên trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư ở chặng đường này là những con người cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình. Ấu thơ tươi đẹp là truyện ngắn có cái tên thật mỉa mai, khi nó kể về ấu thơ bất hạnh của những đứa trẻ sống trong những gia đình không trọn vẹn. Cha mẹ Sói không sống cùng nhau, em được luân phiên chuyển đến gia đình của cha hoặc gia đình của mẹ, nhưng không nơi nào là gia đình của em, những nơi đó em chưa kịp làm quen thì đã phải tiếp tục chuyển đi. Ông Hai trong Bâng quơ khói nắng cũng có cảm giác “tàng hình” trong chính ngôi nhà của mình khi bị những đứa em gạt ra khỏi gia đình. Ngày giỗ má, các anh em tụ tập cúng riêng nhưng ông vẫn chuẩn bị năm, sáu mâm cơm với hi vọng gia đình sum họp. Mối liên kết giữa những người trong gia đình đã không còn nữa, họ như những người xa lạ. Vợ chồng Tam trong Cơn nước ngang qua sống biệt lập trong căn nhà tiều tụy như hai tiểu hành tinh xa lạ trong vũ trụ mênh mông yên lặng. Người với người luôn có một vách ngăn vô
hình mà vững chắc. Khi những mối quan hệ bên ngoài ngày càng xa cách, lỏng lẻo, con người thường hướng vào thế giới bên trong. Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư ngày càng đào sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, bí ẩn. Chị trở thành một người thư kí có khả năng nắm bắt, thấu hiểu và diễn tả những biến chuyển tinh tế trong thế giới tinh thần của con người.
Khi đi vào thế giới tinh thần của các nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư thường tập trung khai thác nỗi cô đơn của họ. Kiểu nhân vật cô đơn đã xuất hiện nhiều trong tập truyện Cánh đồng bất tận. Họ cô đơn vì cất giữ những tình cảm thầm lặng. Ba nhân vật chính trong Dòng nhớ ai cũng quắt queo, tàn héo vì cô đơn. Cha sống mãi trong dày vò vì những lỗi lầm với mối tình xưa. Mẹ bị nỗi cô đơn nhấn chìm vì sống cạnh một người chồng “đang ở đây nhưng trái tim ông, tâm hồn ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi”. Và cả mối tình cũ của ba, vì sự phản đối của bà nội mà phải xa chồng, mất con, sống một đời cô đơn trên chiếc ghe ngày ngày neo trước nhà chồng để ngóng trông. Tình cảm mà Tứ Phương dành cho chị Thể hay tình cảm của Út Nhỏ dành cho Tứ Phương trong Nhà cổ cũng là những mối tình câm, tình thầm, mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, nên sống mãi trong cô đơn. Họ còn cô đơn vì lạc lõng giữa biển người mênh mông. Phi và ông Sáu Đèo trong
Biển người mênh mông đều thấm thía cảm giác “Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu”. Chính nỗi cô đơn giữa cuộc sống con người đã khiến các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có xu hướng làm bạn với loài vật. Trong Biển người mênh mông, con bìm bịp là người đồng hành duy nhất của ông Sáu Đèo. Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận giao tiếp với bầy vịt như đồng loại. Người đàn ông trong Cái nhìn khắc khoảicũng chỉ có con vịt cộc bầu bạn. Tất cả họ đều khát khao sẻ chia, nhưng sau cùng, họ vẫn cô đơn.
Những tưởng đó là tận cùng của sự cô đơn, nhưng trong những tập truyện ngắn sau Cánh đồng bất tận, ngòi bút tinh tế của Nguyễn Ngọc Tư lại càng đào sâu hơn vào nỗi cô đơn của con người. Đó là cái cô đơn vô phương cứu chữa khi người ta đã quen “sống lẻ trên một hòn đảo cũng lẻ giữa biển trời” (Đảo). Sự xuất hiện của Quà không khiến Sáng có mong muốn trở lại đất liền mà còn khiến anh “cảm thấy cái bóng tối mình đang náu, rốt cuộc cũng bị chọc vào”. Nổi lên trong tập truyện ngắn Đảo là hòn đảo tâm trạng của những con người cô độc, khát khao được nhìn thấy. Đó là cảm xúc tuyệt vọng vì không được người yêu chú ý của thằng con trai mới lớn. Nỗi cô đơn ấy “cất tiếng kêu không âm thanh nhưng cổ họng bể nát: “Hảo ơi nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi” (Biến mất ở Thư Viên). Nỗi cô đơn có khi đi dẫn dắt người ta đi vào những ngõ ngách xa lạ của tâm hồn, cảm nhận được cả hương vị của những lời không nói. Có vị “nhân nhẩn”, có vị “đắng nhẹ kiểu như khói”, có khi “tê mê một vị ngọt tội lỗi” (Vị của lời câm). Nguyễn Ngọc Tư phát hiện rằng sự cô đơn tột cùng không phải là lạc lõng giữa mọi người xung quanh mà là xa lạ với chính mình. Nhân vật chính trong Vào ngày linh ái nởđã thay Nguyễn Ngọc Tư triết lý: “Ai mà chẳng dung dưỡng trong người họ một vài kẻ xa lạ khác” và tất cả những nhân vật trong truyện đều là sự chứng minh cho triết lý ấy. Bên trong người đàn bà bốn mươi tuổi mập phì ngồi trong bốt thu phí mười một năm liền không được ai nhìn ngó, chọc ghẹo là một cô Đắng duyên dáng sẵn sàng chia sẻ cùng người khác những giấc mơ kỳ lạ, cô Đắng tìm cách thoát ra khỏi chị mỗi lần tan ca. Và cả những điều tra viên trong căn phòng giam, chắc chắn “họ cũng có thân phận, một đời sống đâu đó ở bên ngoài căn phòng này, ở một bề mặt khác mà chỉ khi nào chiêm bao hóa lập thể mình mới được chạm vào” (Vào ngày linh ái nở). Truyện ngắn này đã trả lời câu hỏi : “Nếu ai cũng đều che mặt lại, thì làm sao để nhận ra nhau?”
không liên quan đến mắt”(Vào ngày linh ái nở). Mắt chỉ nhìn thấy con người bên ngoài, để thấu hiểu con người bên trong, phải nhìn bằng tấm lòng. Chỉ có tình người mới giúp con người thoát khỏi nỗi cô đơn. Ngòi bút của tác giả dường như đã đi đến tận cùng nỗi cô đơn của con người.
Khi tìm sâu vào thế giới bên trong của con người, không chỉ nỗi cô đơn, Nguyễn Ngọc Tư còn xót xa nhận ra những vết thương lòng, những nỗi mất mát không cách gì vá víu. Trong tập truyện Ngọn đèn không tắt, những nỗi buồn đau trong những truyện ngắn như Cỏ xanh, Nỗi buồn rất lạ, Chuyện của Điệp đến cuối cùng đều được chữa lành, hoặc hóa giải bằng sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia. Đến tập truyện Cánh đồng bất tận, ta bắt gặp nhiều hơn những vết thương lòng khó có thể chữa lành. Những nỗi đau chất chứa trong lòng được ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư làm cho hiển hiện thật rõ ràng: “Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi” (Hiu hiu gió bấc); “Với nỗi đau sâu hoắm sẵn trong lòng, thì những biến cố khác chẳng qua như một vết xước nhỏ ngoài da, nhằm nhò gì” (Cánh đồng bất tận). Tuy nhiên, đó chưa phải là những tầng vỉa sâu kín nhất trong tâm hồn con người mà nhà văn đã đào xới đến. Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đã dám đương đầu với những thách thức mới để tiếp tục khám phá để thấu hiểu cho những vết thương lòng của con người.
Trong Vết chim trời, Vĩnh, một đứa trẻ lanh lợi, tinh nghịch đã trở nên lầm lì, cọc cằn, khóa kía tuổi thơ của mình trong nỗi đau chết lặng khi biết tin người bác ruột đã giết chết cha mình trong chiến tranh. Nhân vật “tôi” đã mãi mất Vĩnh như thế, nằm cạnh nó mà thấy nhớ nó tơi bời. Nỗi thất vọng não nề của Vĩnh hay cơn bế tắc đến tuyệt vọng của nhân vật “tôi” đã khiến người đọc nghẹn ngào khi những đứa bé hồn nhiên lại đang phải chịu đựng những vết thương do một cuộc chiến tranh nào đó không hề liên quan đến chúng. Dù đã
làm mọi cách để chữa lành vết thương ấy, nhưng “tôi thất vọng, tôi không biết tránh va chạm là tránh xây xước, tránh khui miệng một vết thương. Cũng là cách che chở tôi khỏi những thương tổn” (Vết chim trời). Của ngày đã mất
lại là những dòng tâm trạng, suy nghĩ, những khát vọng, kìm nén của một giáo sư khi nghĩ về cô học trò trẻ trung. Qua những dòng độc thoại nội tâm, những trăn trở day dứt của “tôi”, ta thấy được sự bất lực của con người trong việc níu giữ thời gian, tuổi trẻ và tình yêu. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy
làm rõ “cảm giác mất mát” của một cô gái dành cả cuộc đời để lưu giữ những vẻ đẹp. Cô yêu thiên nhiên nhưng thiên nhiên đang bị con người hủy hoại. Cô cô sống hết mình trong tình yêu nhưng tình yêu cũng vô cùng mong manh “chỗ chúng tôi ở, nơi chúng tôi tới hay vừa rời khỏi, mọi thứ đang đứng bên bờ vực diệt vong”. Và trong tất cả những vẻ đẹp của cuộc đời, tâm hồn trong trẻo của trẻ em chính là thứ cần bảo vệ nhất, đó là lý do một người chị đã bắt cóc đứa em mang đến một nơi hiền hòa và đầy ắp yêu thương như Xóm Cồn. Nhưng tại cái nơi mà sự phức tạp của thế giới hiện đại không thể len tới, cảm giác mất mát vẫn luôn thường trực trong cô: “Nhưng hơn ai hết, tôi biết không có gì là vĩnh viễn. Sự biết này làm tôi hơi buồn, khi ta ngồi cạnh nó, ta ở trong nó, cùng với nó, nghe thấy, chạm được nó, nhưng ta cũng đang mất nó, từ từ”. Từng con người của Xóm Cồn cũng dần biến mất, rồi đến lượt đứa em trai mà cô đã nỗ lực để giữ gìn vẻ đẹp trong veo của nó cũng phải bước ra khỏi thế giới cổ tích với tất cả sự uất giận. Đó cũng là lúc cô cảm nhận thấm thía nhất cảm giác mất mát: “Tôi đứng trong khói và tự hỏi, làm sao giữ được vẻ đẹp lộng lẫy này của khói…khi nắm chúng lại, tôi chỉ nghe những ngón tay mình xỏ vào lòng tay của chính mình”. Đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi ngậm ngùi, tiếc nuối trước sự trôi tuột không gì níu giữ của những vẻ đẹp trong cuộc đời này.
Tập truyện Cố định một đám mây, đúng như cái tên của nó, các nhân vật không chỉ vô định về thân phận, mà đến cả nội tâm cũng rất khó nắm bắt. Nhiều khi họ rơi vào mê lộ của những giấc mơ, của ảo giác, không làm chủ được cảm xúc, tâm lí của chính mình. Những biển là tâm trạng của một người vợ chơi vơi trên bãi biển với những dấu hỏi mơ hồ sau khi chồng mình bơi đi không thấy quay lại. Chớp mắt mịt mù là chuỗi suy tư bất định của một cô dâu trong chớp mắt đã từ bỏ đám cưới của mình để dấn thân vào những ngã rẽ mịt mù trên đường. Sâu thẳm bên trong tâm hồn cô, luôn có điều gì đó hối thúc mà chính cô “cũng không nhận thấy được thứ gì đó bên trong mình, thứ đã khiến em rẽ phải vào một trưa nắng trắng, mở đầu cho những cú rẽ phải miệt mài”. Vào ngày linh ái nở lại là những cảm nhận kì lạ, những giấc mơ hoảng loạn, những ảo giác mơ hồ của anh lính gác trên một hòn đảo. Cơn thèm tiếng động trong một buổi trưa câm của họ được lột tả rất rõ ràng: “…thứ âm thanh tù nhân nghe được chính là nội tạng của chính mình đang khoa trương hết cỡ, đến mức họ không tự sát thì cũng phát điên”. Thực tại ngột ngạt, bí bách càng khiến anh mê mẩn những giấc mơ, những “giấc mơ còn thực hơn khi tỉnh thức”, nơi anh được nằm chơi với đứa em trai, được chia sẻ với cô gái tên Đắng. Nhưng tất cả biến mất bằng một cái chớp mắt, trở lại cái thực tại yên tĩnh ghê người, và anh là đứa trẻ song thai còn sống sót sau khi gặm nhấm đứa em cùng chung cuống nhau. Tác giả đã dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, về những điều tưởng như vô lý nhưng vẫn luôn tồn tại. Người đọc như bị cuốn theo những đường bay vô định của đám mây đến vùng đất mới mẻ trong tâm hồn của con người. Vùng đất ấy, tưởng xa xôi nhưng hóa ra lại là một phần tâm hồn con người trong xã hội hiện đại, càng đào sâu càng mong manh, càng muốn làm chủ càng khó nắm bắt.