Từ cái nhìn trong trẻo, lạc quan

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 48 - 49)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.1. Từ cái nhìn trong trẻo, lạc quan

Vừa ra mắt làng văn, Nguyễn Ngọc Tư với tập truyện Ngọn đèn không tắt đã gây ấn tượng với người đọc bằng một thứ ánh sáng riêng. Thứ ánh sáng ấm áp, dịu dàng ấy tỏa ra từ cái nhìn đôn hậu, trong trẻo của chị, cái nhìn tuổi 20, cái nhìn Nam Bộ bình dị, chất phác. Cái nhìn ấy giúp Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra những vẻ đẹp đáng trân trọng của cuộc sống. Trong bức tranh hiện thực Nam Bộ, ta có thể bắt gặp những nhân vật sa ngã trước hoàn cảnh. Nguyễn Ngọc Tư không nhìn thực tại đó bằng cái nhìn lên án, phê phán, mà khơi gợi ở người đọc một cái nhìn nhẹ nhàng hơn. Trong truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ, khi nghe tin người bạn cũ trong chiến tranh đã dũng cảm vào sinh ra tử nhưng trong thời bình lại ăn chặn của công, nhân vật “ba tôi” không tin vào lời đồn đãi, báo đài mà chỉ muốn nghe một lời thẳng thắn, thật thà của người trong cuộc. Ông buồn vì những thay đổi của cuộc sống làm cho con người không giữ được mình, nhưng hơn hết, ông vẫn luôn giữ một niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Nỗi buồn của ông đã khơi dậy một nỗi buồn khác ở người con trai những tưởng đã bị guồng quay cuộc sống làm cho trơ lì, vô cảm: “Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ còn trẻ trai mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời thế này”. Tập truyện đầy ắp những cảm xúc buồn buồn nhưng đèm đẹp như thế.

Ở chặng đầu sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư nhìn cuộc sống lạc quan và nhẹ nhàng. Dù cuộc sống có xô đẩy con người vào những tình cảnh éo le, Nguyễn Ngọc Tư vẫn khơi dậy hi vọng lạc quan, đến cây cỏ cũng có một cuộc đời tốt tươi, con người cũng có thể sống đẹp hơn nữa: “…cỏ nó bị chặt rồi mà bữa nay tốt thấy đẹp luôn, cỏ còn muốn sống đẹp hơn, tốt hơn nữa, huống chi mình...” (Cỏ xanh). Kể cả khi hiện thực cuộc sống Nam Bộ có khốc liệt như

trong Cánh đồng bất tận, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn không chọn hận thù mà chọn thứ tha. Bị người ta đánh ghen đến bầm dập, Sương vẫn nhẹ nhàng chấp nhận vì ý thức được đó là cái giá mình phải trả khi ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta. Trong hoàn cảnh tưởng như không thể cười, chị vẫn cười và thấy trong cái rủi có cái may: “Mà hên nghen, nhờ vậy mà gặp được mấy cưng, được ở chung vầy, vui thiệt vui…”. Bị người cha đày đọa, chịu biết bao thiệt thòi, thậm chí vì cha mà bị người ta cưỡng hiếp, Nương chấp nhận sự việc phũ phàng ấy không phải bằng sự hận thù, mà bằng sự thứ tha thanh thản. Đứa con của Nương, tuy hình thành trong dữ dội, khi ra đời, nó vẫn sẽ được mang một cái tên thật dịu dàng, “đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và sống đến hết đời”. Như vậy, ngay cả trong đói nghèo, bất hạnh, các nhân vật đều thắp lên hi vọng lạc quan về tương lai.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 48 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)