Từ vấn đề thân phận của người nông dân, người nghệ sĩ

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 74 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3.1. Từ vấn đề thân phận của người nông dân, người nghệ sĩ

Lên tiếng cho thân phận con người luôn là yêu cầu và sứ mệnh của văn học muôn đời. Là một nhà văn Nam Bộ, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư trước hết là sự lên tiếng cho số phận của người Nam Bộ. Xuất hiện đông đảo trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là người nông dân, người nghệ sĩ Nam Bộ. Khảo sát tập truyện Cánh đồng bất tận, chúng tôi thấy các nhân vật chính

trong tác phẩm là người nông dân chiếm tỉ lệ 6/14 (43%). Số phận của người nông dân gắn liền với sự nghèo khổ, bấp bênh. Những người làm nghề chăn vịt chạy đồng đều có cuộc sống tạm bợ, lênh đênh sông nước như ông già chăn vịt trong Cái nhìn khắc khoải hay cha con Út Vũ trong Cánh đồng bất tận. Họ còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những vụ mùa thất bát. Thậm chí có những người nghèo không có miếng đất cắm dùi, gia tài chỉ có chiếc ghe nhỏ vừa là nơi che mưa che nắng, vừa là phương tiện để sinh nhai. Trên những chiếc ghe phiêu bạt ấy, những con người lam lũ hiện lên với số phận lênh đênh, chìm nổi. Họ không chỉ nghèo khổ mà còn gặp nhiều éo le ngang trái, khiến cho cuộc sống vốn đã vất vả lại càng thêm buồn bã. Những trang văn của chị khi đọc lên cứ thấy ám ảnh hoài những nỗi niềm sâu thẳm từ những cuộc đời lấm lem bùn đất. Biết bao con người vẫn băn khoăn một câu hỏi về số phận: “Bao giờ con người ta hết khổ?” (Cánh đồng bất tận).

Thân phận của những người nghệ sĩ cũng là vấn đề Nguyễn Ngọc Tư rất quan tâm. Qua khảo sát cho thấy, những câu những câu chuyện nói về số phận, cuộc đời những người nghệ sĩ bình dân chiếm 5/20 truyện, tức là 25% số lượng các tác phẩm trong hai tập Ngọn đèn không tắtCánh đồng bất tận. Người nghệ sĩ trong truyện của chị thường rất yêu nghề, say mê với nghề nghiệp. Họ sẵn sàng hi sinh mọi thứ, bất chấp những bất hạnh của đời tư để được sống trọn với sân khấu. Trong Cuối mùa nhan sắc, Đào Hồng và những người nghệ sĩ tập hợp với nhau trong “ngôi nhà buổi chiều” vì lòng yêu nghề, say mê nghiệp hát. “Sân khấu là cái hàng ba trông ra sân rồng, luống nào trồng bông sao nhái, bông mười giờ thì trồng, chỗ trống dành cho bà con ngồi. Dàn đờn gồm ghi ta thùng, cây nhị cũ mèm. Không micro, nghệ sĩ ca bằng giọng của trời cho, nghiệp đãi”. Đào Hồng dù ốm đến đâu cũng muốn được ra hát. Hát như là hơi thở, như là cuộc sống để bà tìm thấy nghị lực, ý nghĩa cuộc đời. Qua số phận bi ai của những người nghệ sĩ, ta thấy nghề hát

thật bạc bẽo, lúc còn trẻ thì cực khổ rày đây mai đó, dãi nắng dầm sương với, về già thì bệnh tật, cô đơn, không nơi nương tựa. Nghề hát tuy có nhiều bạc bẽo nhưng cái tình nghệ sĩ thì thật cao đẹp và đáng trân trọng. Họ sống rất tình nghĩa, nhân ái, khao khát được cống hiến lời ca tiếng hát của mình, như lời dạy của một nhân vật trong truyện ngắn Chuyện của Điệp: “Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ con à!”. Đằng sau vẻ rực rỡ và hào nhoáng, Nguyễn Ngọc Tư đã cho chúng ta thấy những khoảng tối trong tâm hồn họ mà ánh đèn sân khấu không soi rọi tới được, để ta cảm thông với những nhọc nhằn, những nỗi niềm thầm kín của những người suốt đời đem lời ca tiếng hát, nước mắt nụ cười mua vui cho thiên hạ. Đó là khao khát được sống trong tình yêu, khao khát được làm vợ, làm mẹ,...bên cạnh niềm say mê nghệ thuật.

Trong tập truyện Cánh đồng bất tận, 14/14 câu chuyện có những nhân vật rơi vào hoàn cảnh éo le, ngang trái. Tuy cuộc sống vất vả, thân phận hẩm hiu, nhưng cả người nông dân và người nghệ sĩ Nam Bộ rất nhân hậu, vị tha, cao thượng. “Đó là những con người hiền lành, chất phác, thật thà, nhưng tình yêu và tình người thì dạt dào như biển nước Cà Mau” [9,1]. Ông Hai trong Cái nhìn khắc khoải có tình cảm với cô Út, nhưng cũng chính ông đi hỏi thăm tin tức người chồng mà cô luôn tìm kiếm. Ông Chín trong Cuối mùa

nhan sắc cũng sẵn sàng giang rộng vòng tay che chở cho Đào Hồng dù biết trái tim bà đặt nơi khác. Thậm chí khi Đào Hồng nhan sắc đã cuối mùa, ông vẫn “muốn đỡ đần cho bà một đoạn đời”. Người Nam Bộ sẵn sàng chở che người khác, dù bản thân họ cũng không có cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc. Đến cả hai đứa trẻ như Nương và Điền, dù không được học hành, nhưng cũng biết sống bằng cái tấm lòng vị tha. Hai đứa trẻ đã cứu Sương khỏi một trận đánh ghen khủng khiếp và tận tình chăm sóc cho một người lạ.

2.2.3.2. …đến những vấn đề nhân sinh sâu sắc của con người nói chung

Nếu ở chặng đầu sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư tập trung vào hai đối chính là người nông dân và người nghệ sĩ, thì trong những truyện ngắn ở chặng đường sau, Nguyễn Ngọc Tư đã phát triển những chủ đề lớn hơn. Đó là những vấn đề nhân sinh sâu sắc của con nói chung, không chỉ của riêng người Nam Bộ. Tác phẩm của chị đặt ra những vấn đề về hạnh phúc, về lẽ tồn tại của con người trong đời sống đương đại.

Nguyễn Ngọc Tư trong những truyện ngắn sau Cánh đồng bất tận

thường viết về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người, nhưng hầu hết những hành trình ấy không có kết quả trọn vẹn. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của Di (Khói trời lộng lẫy) đầy những mất mát. Đem em trai đến xóm cồn với mong muốn giữ lại vẻ đẹp thiên thần của nó nhưng rồi Di hiểu mình đã tước đoạt, đánh cắp của em rất nhiều. Di, sau mọi ảo tưởng, thất vọng đã quyết định để mình tan biến trong khói trời lộng lẫy. Hạnh phúc đối với con người trong cái nhìn của Nguyễn Ngọc Tư là điều gì đó rất đẹp đẽ mà cũng rất mong manh. Đây là nỗi mất mát được dự báo trước nhưng lại không có cách nào ngăn cản. Con người đành bất lực nhìn những thứ mình yêu thương dần tan biến. Không chỉ tìm tình thương hay tình người mà còn là cuộc tìm kiếm chính mình. Họ mong ước được nhìn thấy, khát khao được tỏa sáng. Những người vợ, người mẹ cũng luôn thèm khát được người đàn ông, người con trai của họ nhìn một cái âu yếm, trọn vẹn. Họ mong hạnh phúc của mình không chỉ kéo dài “độ vài ba tháng, cùng lắm vài ba năm” (Tro tàn rực rỡ) đầy chua chát. Cái nhìn ngây ngất và bừng cháy mà “chồng” dành cho “em” trong Tro tàn rực rỡ chỉ xuất hiện đúng một lần duy nhất trong một tối chồng vùi em vào đống rơm, nhưng cái nhìn đó vốn không dành cho em mà chỉ là một sự nhầm lẫn. Cái nhìn ấy mãi mãi biến mất, chỉ có đôi mắt “tối, lạnh,

sâu”. “Chồng” không nhìn thấy “em” cũng như Tam đã không nhìn thấy Nhàn. Quà trong Đảocũng chua chát giữa những cuộc nổi trôi, lượn lờ ở mấy cửa sông làm vợ thiên hạ, côtự vẽ ra những thân phận mình và làm chủ nó, dẫu đôi khi chỉ là những cay đắng, bẽ bàng. Hình ảnh “quà” - người phụ nữ không tên trong truyện làm ta xót xa. Con người chứ nào phải đồ vật mà người ta đem tặng, đem biếu. Nổi lên trong những câu chuyện ấy là những nhân vật bị bỏ rơi, mất mát, bẽ bàng luôn mưu cầu những hạnh phúc đơn sơ nhưng không đạt được.

Trước thực tại bộn bề, con người cũng thường cảm thấy hoài nghi về chính sự tồn tại, về vị trí của mình trong cuộc đời. Vì thế, họ khát khao truy tìm bản thể cá nhân, họ bất an trước tình trạng mờ nhòe về bản thể, họ vùng vẫy chống lại sự lãng quên của cuộc đời. Di (Khói trời lộng lẫy) cũng cả đời đau đáu về thân phận. Là một đứa con vô thừa nhận: “mẹ, ngoại tôi đã chết, cậu mợ thì lườm nguýt cái hoang thai từ khi nó còn nằm trong bụng. Họ hàng, làng xóm xiêu lạc từ khi xóm nhỏ ngoại ô trở thành phố xá”, trong kí ức của cha “không còn hình ảnh nào của tôi, đứt bằn bặt”, Di chua chát nghĩ rằng mình đã trôi đi không tăm tích giữa cuộc đời. Nhân vật “anh” trong

Bâng quơ khói nắng khát khao có được sự xác định về thân phận. Một lời nói chưa rõ thực hư của tía “thằng trời đánh này, mày không phải con tao” đã biến anh thành kẻ lạc loài trong gia đình. Anh mãi bị dày vò trong nỗi băn khoăn vì sao vành tai anh hơi méo và tóc anh lại hơi ngả nâu, không giống ai trong nhà. Anh xót xa khi bị các em coi như người dưng, đến cả một cái ghé mắt nhìn cũng dè xẻn. Nhưng tía má không còn, không ai có thể giải đáp cho anh câu hỏi về thân phận. Cô gái trong Gió lẻ cũng hoài nghi về thân phận mình: “ở rẫy bắp trong Mai Lâm, người ta gọi em là Lạc; trên những nẻo đường em đã đi qua, trẻ con gọi Câm ơi còn người lớn hỏi, “Em Cưng đi đâu

anh chở?”... trong một nhà chờ xe buýt bên đường, tên em là Lam... Mĩ Ái dường như chỉ là cái tên bất chợt”. Vậy “em” là ai?

Khi sự tồn tại của con người trở nên nhạt nhòa và thừa thãi, không ít nhân vật buộc phải gây chú ý bằng cách biến mất. Trong Biến mất ở Thư Viên, việc biến mất lại là cách để khẳng định sự hiện diện đối với người ở lại. Bảy năm Sinh biến mất là bảy năm Hảo ngóng trông, tìm kiếm và lãng quên hạnh phúc hiện tại. Hình ảnh Sinh không chỉ chế ngự mọi cảm xúc, hành động, ngôn ngữ của Hảo mà còn khiến cậu sinh viên yêu Hảo bị tổn thương. Khi lời cầu khẩn “nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi” không được nghe thấy, cậu đã chọn cách biến mất giống Sinh, để mình được nhớ thương. Thấu vẻ tê mê, rạo rực của chồng khi nhìn lửa, Nhàn đã dâng tặng chồng một khung cảnh rực rỡ nhất: Nhàn đứng giữa biển lửa. Đó là cách để hình ảnh Nhàn còn mãi trong đôi mắt của chồng. Khi đặt ra câu hỏi về bản thể, về ý nghĩa của sự tồn tại, con người ắt hẳn phải cảm nhận thấm thía sự lạc lõng, vô định của kiếp người. Lạc lõng, vô định thực chất là cảm thức thống nhất xuyên suốt trong hệ thống nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng biểu hiện ở giai đoạn này là sự lạc lõng đến tận cùng, mất phương hướng và mất cả căn cước của bản thân. Những con người ấy mang mặc cảm của một nhân vật phụ, một sự tồn tại mờ nhạt và vô nghĩa: “Nhân vật đó bà nhà văn không muốn tạo ra, hoặc bà bận quá với nỗi đau của những sinh vật, ngay từ lúc khởi sinh đã chính. Tằn tiện đến từng chữ, từng câu, có lúc người viết lại làm thừa ra một người chẳng biết làm gì, ngoài đi hoài, rẽ hoài vào những con đường xa lạ”. Những con đường xa lạ ấy chính là con đường đi tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại. Một sự thôi thúc bí ẩn, một lời thì thầm nào đó từ sâu thẳm bên trong đã lôi họ lên những con đường vô định không biết đích đến. Nhưng sự lên đường ấy cho thấy khát vọng tìm kiếm bản thể không gì ngăn nổi ngay trong những con người mất phương hướng ấy. Kiếm tìm bản thể và ý nghĩa của sự tồn tại là

hành trình không dễ dàng, tuy vậy, các nhân vật đã không bỏ cuộc. Khát khao khẳng định bản thể, được sống đúng nghĩa là Người là khát kháo thật đáng trân trọng. Đây là vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc mà Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm đến bạn đọc.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Với quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người độc đáo và sâu sắc, nội dung những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vừa có giá trị hiện thực, vừa mang chiều sâu nhân bản. Quan niệm nghệ thuật ấy luôn vận động trong suốt hành trình sáng tác. Qua hai chặng đường sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, ta bắt gặp hai thế giới nghệ thuật có những đặc điểm khác nhau. Trong những sáng tác ở chặng đường đầu, Nguyễn Ngọc Tư đã rất thành công khi viết về hiện thực và con người Nam Bộ. Chất Nam Bộ rất riêng đã làm nên phong cách của Nguyễn Ngọc Tư. Khi đã gặt hái được nhiều thành công, Nguyễn Ngọc Tư vẫn từng bước mở rộng đường biên hiện thực và chạm đến vấn đề cốt lõi của cuộc sống, ngòi bút của chị cũng ngày càng thâm nhập và khám phá được nhiều tầng vỉa sâu kín bên trong con người. Tuy nhiên, sự phân chia ở đây cũng chỉ mang tính chất tương đối và sự vận động cũng không phải là sự thay đổi đột ngột và toàn diện mà là một quá trình vừa tiếp biến vừa đan xen trong một phong cách thống nhất. Người đọc vẫn nhận ra một Nguyễn Ngọc Tư, vừa mới lạ vừa quen thuộc. Cái nhìn đa chiều đầy tinh tế và sắc sảo nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn chính là điểm thống nhất trong phong cách của Nguyễn Ngọc Tư. Trang văn của chị, có khi trần trụi và khốc liệt khiến người đọc không nén được tiếng thở dài nhưng đó không phải là tiếng thở dài buông xuôi mà là một nhịp nghỉ, một sự dừng lại suy ngẫm về cuộc đời về con người, để rồi tiếp tục cố gắng để níu giữ những gì tốt đẹp vốn có trong con người.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 74 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)