7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Sự thay đổi trong ngôn ngữ
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ không chỉ là chất liệu để tạo ra tác phẩm mà còn là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện phong cách của nhà văn. Tất cả các nhà văn đều có một vốn ngôn ngữ chung, nhưng lựa chọn và sử dụng như thế nào lại là chỗ thể hiện nét riêng, cái tài của nhà văn. Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn trẻ nhưng đã tạo được một diện mạo độc đáo cho riêng mình. Chính ngôn ngữ Nam Bộ đậm đặc trong truyện ngắn đã tạo nên phong cách riêng của chị. Và cũng chính Nguyễn Ngọc Tư bằng tài năng của mình đã nâng tầm giá trị của ngôn ngữ Nam Bộ. Trong tác phẩm của chị, người ta thấy phương ngữ này hoàn toàn có khả năng tạo thành một nhánh văn chương đặc biệt với sức hấp dẫn riêng. Trần Hữu Dũng đã đưa ra một định danh hết sức xác đáng cho Nguyễn Ngọc Tư: “Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền Nam”. Ở thời điểm mới ra mắt, ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư giống như một làn gió mới mẻ và mát lành thổi vào văn đàn. Cho đến thời điểm hiện tại, chị vẫn trung thành với ngôn ngữ Nam Bộ. Sự lột xác về ngôn ngữ chưa bao giờ là dễ dàng, khi những lời ăn tiếng nói của những con người quê hương như đã thấm vào da thịt chị. Là một nhà văn, cây bút này vẫn không ngừng nỗ lực, để một mặt giữ được chất Nam Bộ đã làm nên phong cách, mặt
khác phát huy tiềm lực của ngôn ngữ này. Khảo sát hành trình sáng tác của chị, chúng ta thấy khả năng khai thác, vận dụng hệ thống vốn từ Nam Bộ của chị ngày càng nhuần nhị, mang đến những hiệu quả nghệ thuật mới. Từ ngôn ngữ tự nhiên, bộc trực, ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư ngày càng đậm màu sắc triết lí, khái quát.