7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. …đến những nỗ lực cách tân
Sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật đã kéo theo sự xuất hiện của con người với nhiều kiểu dạng khác nhau. Kể từ sau tập truyện Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư không tập trung vào những người nông dân, những người nghệ sĩ có cuộc đời nổi trôi, cơ cực, đáng thương, nhân vật trong truyện ngắn của chị là những con người lạc lõng với thực tại, đánh mất tình thương, đánh mất những giá trị đạo đức và thậm chí đánh mất chính mình. Miêu tả những nhân vật trong cảm quan hoài nghi, bất an về sự tồn tại, người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không chứng tỏ khả năng biết
tuốt và lý giải cho những đọc tất cả những những ngõ ngách bí ẩn trong thế giới tinh thần hỗn độn của nhân vật.
Trong một số truyện ngắn ở chặng đường này, Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng kĩ thuật đa điểm nhìn. Nhân vật không chỉ được đánh giá bởi một người mà còn được nhìn dưới con mắt của nhiều nhân vật khác. Cách làm này tạo ra cái nhìn đa chiều về nhân vật. Chân dung con người, tính cách, nội tâm nhân vật…được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn. Đây chính là một nỗ lực cách tân về nghệ thuật kể chuyện đáng ghi nhận của Nguyễn Ngọc Tư. Truyện ngắn Gió lẻ tiêu biểu cho lối đổi mới này. Các nhân vật không hiện lên qua sự miêu tả một chiều của tác giả mà có những chân dung sinh động từ điểm nhìn của các nhân vật khác. Qua sự tự bộc lộ của nhân vật, người đọc có ấn tượng về “em” là một cô gái cô đơn cùng cực, mang nhiều nỗi ám ảnh, ghê sợ thế giới loài người, sống như một con ma lầm lũi không hi vọng. Với Dự, đó là một cô gái yếu ớt và đáng thương, nhưng cũng là người thắp lên hi vọng sống cho cuộc đời buồn bã của Dự: “Nhìn cô gái sống, Dự có cảm giác mình cũng sống với những hi vọng ngập ngụa trong lòng”. Nhân vật “gã” thì lại thấu hiểu những góc khuất trong “em”, thấy “em” gần gũi, thậm chí nghe được những tiếng nói kì cục của “em” với một sự thông cảm: “Cuối dãy phòng là cô gái, cô đang nôn, cái vách phòng trọ ghép bằng ván ép mỏng tang làm cô quá gần với con người. Gã hình dung vẻ mặt xanh lướt và bất động của cô.”
Ở giai đoạn này, chúng ta còn nhận thấy trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư sự tồn tại cùng lúc nhiều ngôi kể. Điều này có nghĩa là truyện của chị không có một người kể chuyện duy nhất, bao quát, quán xuyến, thống trị toàn bộ truyện. Một chuyện hẹn hò là tác phẩm được kể từ nhiều ngôi kể. Phần đầu là câu chuyện một người phụ nữ lén lút đi hẹn hò trong cơn giông bão được kể từ ngôi thứ ba theo điểm nhìn của một nhân vật đặt biệt –
con Cóc. Khi câu chuyện đang diễn biến, Cóc bỗng nhiên dừng lại vì “nó phải lấy tay che mắt. Không thể kể, bởi kể ra người ta sẽ phát hiện ra nó đang dòm lén qua kẽ tay, sẽ phát hiện ra Cóc cũng giống như những kẻ tầm thường, miệng nói đạo đức, chê mấy chuyện trai gái là hạ tiện, tục tĩu nhưng với bạn tình vẫn háo hức”. Câu chuyện được tiếp tục với sự kiện xuồng trôi, do Cóc dòm lén phát hiện. Cóc chứng kiến những hoang mang, thấp thỏm, cô đơn của chị trong một cuộc hẹn hò mà tình yêu vừa giãy chết với một người đàn ông không hề thấu hiểu. Câu chuyện Cóc kể kết thúc khi chị nhảy ào xuống nước và nôn nả bơi về phía bờ, đến khi tầm nhìn của Cóc bị khuất lấp trong một câu hỏi đầy lo âu “Không biết chị có đủ sức để chạm tay vào bờ đất?”. Cóc hết vai trò trần thuật, trong phần còn lại, ngôi kể được trao cho nhân vật “tôi” – đứa con bất hạnh bị mẹ bỏ rơi trong đêm bão ấy. Những dòng cuối cùng của câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, không hề biết về những gì đã xảy ra trong đêm bão: “Những ngày sau bão, tôi thường một mình ra Đầm Sầu, tôi tự hỏi cơn gió nào đã hắt mẹ tôi khỏi xuồng, và nơi nào mẹ ngã xuống, nơi nào mẹ bị bão lấp vùi? Không đánh dấu được vào nước, tôi khắc lên be xuồng, gần lái, chỗ mẹ hay ngồi bơi. Một lần, ghé lại căn chòi hoang, tôi thấy con Cóc đang nhìn mình, như khóc. Hay vì tôi đang khóc, nên nghĩ vậy…”. Như vậy, truyện ngắn này không có một người kể chuyện duy nhất bao quát tất cả câu chuyện mà tồn tại cùng lúc hai ngôi kể.
Trong truyện ngắn Nước như nước mắt, phần lớn câu chuyện được kể từ ngôi thứ ba, nhưng đây không phải là một người kể chuyện biết tuốt. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba đã kể về hành trình trả thù cho chồng cùng những đấu tranh nội tâm của Sáo trước kẻ thù, nhưng không lý giải nguyên nhân vì sao Sáo quyết định đi trốn cùng kẻ thù (cũng là người yêu cũ) của Sáo ở cuối truyện, và cũng không kể tiếp về hành trình sau đó của Sáo. Không hành lý, không lấy ghe, Sáo bơi đến kiệt sức và trống rỗng. Người kể chuyện
không kể tiếp vì chính nhân vật cũng không biết đích đến của sự ra đi này, “Sáo biết đi đâu với người đã vô tình làm chồng nó chết”. Đến ba dòng cuối truyện, người kể xưng “tôi” ở ngôi thứ nhất xuất hiện nhưng cũng không hé lộ thêm chi tiết nào về số phận nhân vật: “… Đoạn, có người hỏi rồi hai đứa đó ra sao. Tôi không biết, tôi đâu có lội theo chi. Thấy đi thì biết đã đi, vậy thôi”. Như vậy, hai người kể chuyện ở hai ngôi kể đã kết thúc vai trò ở đó để người đọc bắt đầu vai trò đồng sáng tạo của mình, điền vào những khoảng trống mà người kể chuyện không trình bày.
Ta còn nhận thấy trong một số truyện ngắn gần đây của Nguyễn Ngọc Tư, người trần thuật có khi tự hạn chế vai trò của mình, không bình luận, lý giải, không kiểm soát nội tâm nhân vật, cũng không chỉ đường, mách bảo cho người đọc mà để cho mọi thứ phát triển tự nhiên, đúng như thế giới nội tâm phức tạp và khó nắm bắt của con người đương đại. Trong truyện ngắn Chớp mắt mịt mù, những lý lẽ thông thường để tạo ra những nhân vật bi kịch dường như bị phủ nhận. Nhân vật chính trong truyện đã bỏ nhà đi ngày trong chính ngày cưới của mình, rẽ mãi về phía tay phải của những con đường không có điểm đích, đắm chìm trong những suy nghĩ vẩn vơ không đầu không đuôi. Không có một sự lý giải nào trong quá trình trần thuật, nhân vật hiện lên trong sự hoài nghi, băn khoăn về chính bản thân mình: “Vậy thì biết đâu em cũng không nhận thấy được thứ gì đó bên trong mình…Phải có một đổ vỡ nào đó, với cơn dư chấn nơi sâu thẳm, em nghĩ vậy, trong lúc lục lạo. Nhưng làm gì có vết thương nào, em không phải con tư sinh, chẳng bị lạm dụng, bạo hành, phản bội, cũng chưa từng hụt chết…”. Tất cả những thứ không thể giải thích được ấy lại phản ánh rất đúng sự mất phương hướng của con người hậu hiện đại, luôn mang mặc cảm của một nhân vật phụ đứng ở ngoài rìa, bị cuộc sống bỏ quên, thân phận mịt mờ, đến tên còn không có.
Như vậy, trong giai đoạn này, dù vẫn có những câu chuyện được kể theo lối trần thuật truyền thống, dù những cách tân không quá nhiều và chưa giúp tác giả có một sự lột xác rõ rệt từ một nhà văn kể chuyện như lời nói đến một nhà văn với những bút pháp hiện đại, nhưng những nỗ lực của Nguyễn Ngọc Tư trong cách kể chuyện là rất đáng trân trọng. Những nỗ lực này cho thấy ở tác giả ý thức tự làm mới mình, ý thức vượt lên những giới hạn của lối viết truyền thống, những định kiến của người đọc về một nhà văn nông dân.