Tổ Giám định cho rằng Công ty Nông sản đã điều chỉnh giá thu mua Nông sản xuất khẩu từng tháng một cho phù hợp với giá thị trường để cho Trần Tỷ hưởng chênh lệch quá cao.
Ở đây chúng ta cần nhớ lại tình hình kinh tế của thành phố trong những năm 1979 - 1984. Nếu trong kháng chiến chống Mỹ trước đây chúng ta có các thời kỳ đen tối là các năm 1959 - 1960 trước Đồng Khởi và cuối 1969 đầu 1970 sau Mậu Thân thì trong xây dựng kinh tế sau ngày giải phóng thời kỳ đen tối đó là những năm 1979 - 1980.
Tại thành phố trong thời điểm này có đến 21 công ty và liên hiệp xí nghiệp và 50 xí nghiệp khác thiếu vật tư nguyên liệu, có những xí nghiệp công nhân nghỉ ăn lương 70% kéo dài 9, 10 tháng, có khi 15.000 công nhân không có việc làm.
Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố cũng lâm vào chỗ bế tắc, cả năm 1980 toàn thành phố chỉ xuất khẩu trực tiếp được 0.5 triệu đô la.
Do tình hình trên đây Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban đã bắt đầu tập trung và đi sâu vào lãnh vực xuất nhập khẩu. Các ban lãnh đạo nhận thấy cần phải chuyển từ
phương thức giao nộp hàng xuất khẩu theo chỉ tiêu kế hoạch không còn phù hợp nữa sang phương thức mới xuất nhập khẩu trực tiếp tự cân đối.
Từ đó mà thành phố cho ra đời một số công ty công tư hợp doanh xuất nhập khẩu như Direximco, Cholimex, Ficonimex, Fidimex. Những đơn vị này được phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng không bị bắt buộc phải tuân thủ những quy định hiện hành của ngành Ngoại thương đã lỗi thời, do đó mà doanh số của các đơn vị này tương đối lớn như Direximco, Cholimex.
Trong khi đó Công ty Nông sản Thực Phẩm Xuất Khẩu thành phố là một đơn vị quốc doanh bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật hiện hành.
Chúng ta có thể hình dung Công ty Nông sản và các công ty hợp doanh xuất nhập khẩu lúc đó giống như 2 người đang đứng trên bờ sông, một người thì được tự do (các công ty hợp doanh xuất nhập khẩu) còn một người thì bị trói tay, trói chân (Công ty Nông sản), được lệnh phải nhảy xuống sông để bơi thì chắc chắn chỉ người không bị trói mới bơi được, còn người kia chỉ có chịu chết thôi.
Trong khi đó chỉ tiêu thành phố giao cho Công ty Nông sản năm 1981 về doanh số tăng gấp 20 lần, riêng kim ngạch xuất khẩu khu vực Tư Bản Chủ Nghĩa phải đạt 7,5 triệu đô la, gấp hơn 143 lần so với năm 1980 (cả năm 1980 chỉ có 0.5 triệu đô la).
Do đó khi sử dụng Trần Tỷ, Công ty Nông sản buộc phải thường xuyên điều chỉnh giá thu mua nông sản xuất khẩu cho
phù hợp với giá thị trường, mới thu mua được hàng nông sản xuất khẩu, mới bảo đảm thực hiện được kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó nhiều công ty xuất nhập khẩu khác cũng thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Nếu không làm như thế thì Nguyễn Đắc Phú lúc đó chỉ có một con đường là không làm gì cả và từ chức Giám đốc Công ty Nông sản mà thôi.
Tuy vậy giá thu mua hàng nông sản xuất khẩu mà Công ty Nông sản cho phép Trần Tỷ thực hiện bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường từ 15 - 20%.