Việc khai thác rừng không chỉ nhằm mục đích lợi dụng lâm sản, mà chính nó là một giải pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, tái sinh và cải thiện kết cấu của rừng, nhằm phát huy đầy đủ và đồng thời các chức năng có lợi của rừng cả kinh tế lẫn sinh thái[11]. Vì vậy việc khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng cũng không bỏ quên hay không nên ngăn cấm. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ chỉ là kết hợp nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động tại chỗ gắn bó với rừng, tham gia tích cực vào bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ. Khai thác tận thu lâm sản trong rừng phòng hộ tuân thủ theo quy chế khai thác gỗ và lâm sản ban hành theo quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 7/7/2005 của Bộ NN&PTNT và theo quy chế quản lý rừng ban hành theo quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
- Được thu hái hạt giống, tận thu lâm đặc sản, củi nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến tác dụng phòng hộ của rừng.
- Khi rừng đạt tiêu chuẩn phòng hộ được khai thác chọn, độ tàn che sau khi khai thác chọn phải lớn hơn 0,6.
- Đối với cây rừng đã thành thục tự nhiên, cây khô chết, sâu bệnh, già cỗi, cụt ngọn... được phép khai thác lâm sản theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo tái sinh sau khai thác.
- Rừng tre nứa khi đã đạt yêu cầu phòng hộ (có độ tàn che trên 80%) được phép khai thác với cường độ tối đa 30% và được khai thác măng.
- Không được khai thác các loài cây quý hiếm quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
- Song song với việc khai thác tận thu, tận dụng gỗ, tre nứa, lâm sản, chủ rừng phải quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng các biện pháp như trồng rừng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giầu rừng.
- Đối với rừng trồng do Nhà nước đầu tư được phép khai thác cây phù trợ, tỉa thưa khi rừng có mật độ dày. Cường độ khai thác không quá 20% và đảm bảo độ tàn che sau khai thác tỉa thưa lớn hơn hoặc bằng 0,6. Khi cây trồng chính đạt tiêu chuẩn khai thác, được phép khai thác chọn với cường độ không quá 20% hoặc chặt trắng theo băng hoặc theo đám nhỏ dưới 1 ha ở vùng xung yếu và dưới 0,5 ha ở vùng rất xung yếu; diện tích chặt trắng hàng năm không vượt quá 1/10 diện tích đã trồng thành rừng.
- Rừng trồng do Ban quản lý hay chủ hộ nhận khoán tự đầu tư gây trồng, khi rừng đạt tuổi khai thác, mỗi năm được phép khai thác tối đa 1/10 diện tích do chủ rừng đã gây trồng thành rừng theo phương thức chặt theo băng hoặc theo đám nhỏ dưới 2 ha ở vùng xung yếu, dưới 1 ha ở vùng rất xung yếu thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn.
- Sau khi khai thác chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ[4].