Đánh giá tình hình thực hiện các tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam tạ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất nội dung cơ bản trong quy hoạch rừng thuộc ban quản lý rừng phòng hộ thanh chương tỉnh nghệ an theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững​ (Trang 59 - 64)

Nam tại BQL

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Lâm nghiệp nói chung đã hướng tới việc quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên

rừng một cách ổn định lâu dài, mà trong đó việc khai thác lợi dụng tài nguyên rừng không mâu thuẫn với việc đảm bảo vốn rừng, đảm bảo khả năng tái sản xuất của rừng, đồng thời phát huy được vai trò chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái bền vững của rừng đối với con người và thiên nhiên.

Với BQL rừng phòng hộ Thanh Chương trong những năm gần đây đã sử dụng tài nguyên rừng một cách hiệu quả, tuy chưa tham gia thực hiện quy trình QLRBV nhưng các tiêu chuẩn Việt Nam về QLRBV đã được thực hiện như sau:

- Tiêu chuẩn 1: Tuân theo pháp luật và FSC Việt Nam: Chủ rừng tuân theo pháp luật, những quy định hiện hành khác của Nhà nước và những Hiệp định quốc tế mà Nhà nước đã ký kết đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn và tiêu chí của FSC Việt Nam.

Thực hiện tại đơn vị: Đơn vị có lưu giữ các văn bản pháp luật, những quy định của chính quyền địa phương có liên quan đến quản lý rừng, nộp đầy đủ các khoản phí, thuế và các khoản thu hợp pháp khác như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế sử dụng vốn, tiền thuê đất...; những diện tích rừng quản lý đã được bảo vệ chống khai thác bất hợp pháp, lấn chiếm và những hoạt động trái phép khác. Tuy nhiên đơn vị chưa cam kết thực hiện lâu dài P&C&I Việt Nam do đó chủ rừng chưa nắm vững, CBCNV chưa được phổ biến.

- Tiêu chuẩn 2: Quyền và trách nhiệm sử dụng đất: Quyền và trách nhiệm sử dụng lâu dài đất và tài nguyên rừng được xác lập rõ ràng, tài liệu hoá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực hiện tại đơn vị: đơn vị đã được UBND Tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ranh giới đã được xác định rõ trên bản đồ và đóng mốc ngoài thực địa. Không có tranh chấp lớn xẩy ra về quyền sở hữu, sử dụng đất và rừng với cộng đồng địa phương.

- Tiêu chuẩn 3: Những quyền của nhân dân địa phương: Những quyền hợp pháp và theo phong tục của nhân dân sở tại về QLSDR và đất của họ được công nhận và tôn trọng.

Thực hiện tại đơn vị: Quản lý rừng tại đơn vị không lấn chiếm, xâm lấn hoặc làm giảm tài nguyên rừng ở những nơi đất rừng được giao cho nhân dân sở tại. Tuy nhiên đơn vị chưa thảo luận với người dân sở tại để xây dựng và thực hiện quy ước hợp tác trong quản lý bảo vệ rừng.

- Tiêu chuẩn 4: Mối quan hệ cộng đồng và quyền của công nhân: Những hoạt động kinh doanh rừng có tác động duy trì hoặc tăng cường phúc lợi kinh tế xã hội lâu dài của người lao động lâm nghiệp và các cộng đồng địa phương.

Thực hiện tại đơn vị: Đơn vị đã khoán rừng cho những người dân ở gần rừng để tạo cơ hội việc làm đồng thời việc quản lý bảo vệ rừng của đơn vị cũng được tốt hơn, hàng năm thu hút 900 lao động địa phương trong sản xuất lâm nghiệp, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân trong vùng…đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động là CBCNV của BQL, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Tuy nhiên người lao động vẫn còn chưa được trang bị các kiến thức và trang thiết bị về an toàn lao động, nhất là đối với lao động hợp đồng thời vụ, chưa thực hiện đánh giá tác động xã hội định kỳ.

- Tiêu chuẩn 5: Những lợi ích từ rừng: Những hoạt động quản lý rừng, kinh doanh rừng có tác dụng khuyến khích sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ từ rừng để đảm bảo tính bền vững, tính đa dạng của những lợi ích môi trường và xã hội.

Thực hiện tại đơn vị: Đơn vị đã xây dựng xưởng chế biến gỗ và băm dăm để nâng cao giá trị của lâm sản, sử dụng voi để vận xuất gỗ và bố trí đường vận xuất giảm thiểu tác động xấu của khai thác đến môi trường. Có bản đồ quy hoạch và phân chia ranh giới đóng mốc rõ ràng trên thực địa các loại

rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Các khu rừng khai thác đúng với địa điểm và chu kỳ trong phương án điều chế rừng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong giai đoạn vừa qua, đơn vị đã hướng tới mục tiêu QLRBV về kinh tế cũng như môi trường, xã hội. Nhưng do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên trong quá trình khai thác, chế biến còn gây ra nhiều tổn hại cho những nguồn sản phẩm khác của rừng.

- Tiêu chuẩn 6: Tác động môi trường: Chủ rừng thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học và những giá trị của đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, những hệ sinh thái, sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương duy trì các chức năng sinh thái và vẹn toàn của rừng.

Thực hiện tại đơn vị: Danh mục các loài động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP được thông báo đến tất cả CBCNV trong đơn vị. Lưu giữ danh mục hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm sử dụng theo quyết định số 23/2007/QĐ-BNN, các hoá chất được sử dụng trong đơn vị đều có quy trình quy phạm sử dụng; các CBCNV tham gia sử dụng hoá chất như phòng quản lý bảo vệ, tổ vườn ươm, xưởng chế biến... đều được đào tạo về kỹ thuật sử dụng hoá chất và an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên chưa có kế hoạch đánh giá tác động môi trường, chưa điều tra mô tả và lập sơ đồ phân bố các loài cây, con quý hiếm cần bảo vệ trong phạm vi rừng quản lý, chưa có các bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống xói mòn, giảm tác hại do khai thác và bảo vệ nguồn nước.

- Tiêu chuẩn 7: Kế hoạch quản lý: Có kế hoạch quản lý phù hợp với phạm vi và cường độ hoạt động lâm nghiệp, với những mục tiêu rõ ràng và những biện pháp thực thi cụ thể, và được thường xuyên cập nhật.

Thực hiện tại đơn vị: Đã xây dựng được các mục tiêu, nhiệm vụ các giải pháp trong từng giai đoạn, trong phương án điều chế rừng, trong đó thể hiện đầy đủ các hoạt động về khai thác, tái sinh, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng rừng. Hàng năm thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, có

báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Hầu hết các công nhân đều được đào tạo và đào tạo lại phù hợp với nhiệm vụ của mình tại đơn vị. Mặc dù vậy, đơn vị vẫn chưa thường xuyên cập nhật áp dụng những công nghệ mới trong quản lý kinh doanh rừng.

- Tiêu chuẩn 8: Kiểm tra đánh giá: Thực hiện kiểm tra và đánh giá định kỳ tương ứng với cường độ sản xuất kinh doanh để nắm được tình hình rừng, sản lượng các sản phẩm, chuỗi hành trình, các hoạt động quản lý rừng và những tác động môi trường, xã hội của những hoạt động ấy.

Thực hiện tại đơn vị: Việc thu thập những thông tin cần thiết cho việc kiểm tra còn sơ sài nên công tác kiểm tra đánh giá chưa được sát thực. Đặc biệt các thông tin về thành phần và thay đổi của thực vật động vật rừng, do hạn chế về mặt chuyên môn nên việc đánh giá tác động đến môi trường và xã hội chưa được đầy đủ, chính xác.

- Tiêu chuẩn 9: Duy trì các khu rừng có giá trị bảo tồn cao: Những hoạt động quản lý rừng ở những rừng có giá trị bảo tồn cao có tác dụng duy trì hoặc tăng cường các thuộc tính của những rừng đó. Những quyết định liên quan đến rừng có giá trị bảo tồn cao luôn được cân nhắc cẩn thận trên cơ sở một giải pháp phòng ngừa.

Thực hiện tại đơn vị: Những khu rừng có giá trị bảo tồn cao được đơn vị quy hoạch, tổ chức quản lý bảo vệ như khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy nhiên chưa có kế hoạch quản lý phù hợp nhằm nâng cao giá trị bảo tồn mà chỉ mang tính chất bảo vệ và duy trì.

- Tiêu chuẩn 10: Rừng trồng: Rừng trồng để đáp ứng các lợi ích về kinh tế, xã hội và các nhu cầu về sản phẩm rừng của thị trường, những rừng trồng đó cũng phải góp phần tạo điều kiện cho việc quản lý tốt các rừng tự nhiên, giúp phục hồi và bảo tồn rừng tự nhiên.

Thực hiện tại đơn vị: Có quy hoạch sử dụng đất cho trồng rừng, không khai phá rừng tự nhiên để trồng rừng mà chỉ trồng ở các loại đất trống IA, IB.

Xác định được các loại cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa cũng như phù hợp với chức năng các loại rừng. Đối với rừng phòng hộ chọn các loại cây trồng bản địa như: Vạng trứng, Muồng đen, Trám,… đối với rừng sản xuất chọn các loại cây trồng phù hợp các vùng quy hoạch của địa phương như: trồng rừng nguyên liệu chọn các loại cây Bồ đề, Keo, Bạch đàn... trong nhiều năm qua, đơn vị đã tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ phòng chống sâu bệnh hại có đủ các phương tiện trang thiết bị cần thiết, có tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, có hệ thống phòng chống cháy rừng như chòi canh, các biển báo, nội quy, các đường băng cản lửa... trong 3 năm gần đây không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Tuy nhiên rừng trồng chủ yếu là rừng thuần loài; chưa có tài liệu hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ cấu trúc, độ phì và hoạt động sinh học của đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất nội dung cơ bản trong quy hoạch rừng thuộc ban quản lý rừng phòng hộ thanh chương tỉnh nghệ an theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững​ (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)