1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ
1.4.1 Nhân tố chính sách của Nhà nước
Các chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước là căn cứ để các đơn vị xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo tính độc lập và tự chủ. Khi các văn bản này thay đổi có tác động làm thay đổi cơ chế tài chính của đơn vị tự chủ. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước nguồn kinh phí hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ NSNN cấp theo định mức phân bổ ngân sách. Vì vậy nguồn thu của đơn vị phụ thuộc rất lớn vào định mức phân bổ này và từ đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tự chủ tài chính.
Ngoài ra, mối quan hệ và phân cấp quản lý giữa đơn vị tự chủ và các cơ quan quản lý quyết định trực tiếp cơ chế quản lý tài chính và quyền tự chủ của đơn vị. Việc xác định mối quan hệ và phân cấp rõ ràng, cụ thể giữa trung ương và địa phương, giữa đơn vị tự chủ và cơ quan quản lý, giảm sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự chủ của các đơn vị. * Cam kết của người đứng đầu các cấp
Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là một chính sách cải cách mạnh mẽ của nhà nước đối với cơ quan hành chính trong bộ máy HCNN, do đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát thực hiện từ trung ương tới cơ sở. Chính phủ chỉ đạo các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện cơ chế trên góc độ thực hiện chính sách, các Bộ chỉ đạo việc thực hiện theo ngành dọc tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các tỉnh trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở cấp địa phương trực thuộc quản lý. Sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp là trực tiếp và toàn diện, do đó các cấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn phải giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện ở các đơn vị trực thuộc. Những khó khăn đó đòi hỏi phải linh hoạt đồng thời quyết tâm cao mới có thể khắc phục được trong thời gian sớm nhất, đảm bảo duy trì tốc độ và chất lượng thực hiện
chính sách, do vậy sự cam kết của người đứng đầu các cấp là một trong những điều kiện đảm bảo cho sự thành công của chính sách.
Mặt khác, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cũng như thực hiện cải cách hành chính nói chung không thể tiến hành một cách riêng lẻ ở từng cơ quan mà cần có sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan HCNN trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau giữa chức năng, nhiệm vụ của các ngành và nhiệm vụ tổng thể của địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan cần được điều hành, chỉ đạo, giám sát bởi một người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất, đó là người đứng đầu, để đảm bảo sự phối hợp là thông suốt và hiệu quả. Cam kết của người đứng đầu thể hiện sự quyết tâm và khẳng định sự đảm bảo cho việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc triển khai cơ chế tự chủ được thực hiện tốt.
* Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan
Thực hiện cơ chế tự chủ rất cần phải có sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ với cơ quan thực hiện tự chủ. Bộ Nội vụ theo dõi và hướng dẫn cơ quan thực hiện tự chủ xác định đúng số biên chế sẽ đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt chức năng quản lý ngành, cung cấp các dịch vụ hành chính công tốt nhất cho xã hội. Sự giám sát của cơ quan Bộ Nội vụ là quan trọng, đảm bảo cho một phần sự thành công của chính sách. Các cơ quan hành chính khi thực hiện tự chủ luôn có xu hướng xác định số biên chế nhiều lên để mong muốn được cấp nhiều kinh phí hơn, mặt khác các cơ quan tự chủ cũng ôm đồm nhiều việc hơn để có nhiều quyền lực và kinh phí hơn. Đứng trước thực tế đó, Bộ Nội vụ phải làm tốt việc xác định chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện tự chủ và mức biên chế hợp lý làm cơ sở để xác định mức kinh phí khoán hợp lý. Làm được như vậy mới thực hiện được mục tiêu cải cách hành chính là tinh gọn bộ máy, phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thực hành tiết kiệm trong chi ngân sách.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ quan hành chính trong việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và xác định biên chế hợp lý. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ Bộ, ngành chủ quản và đặc điểm của địa phương, Bộ Nội vụ hướng dẫn các cơ quan hành chính rà soát lại chức năng, nhiệm
vụ, loại bỏ những phần chức năng, nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền của mình, tổ chức lại bộ máy hợp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy đó tiến hành xác định và phân bổ số biên chế hợp lý cho các cơ quan hành chính. Bộ Nội vụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan là hợp lý, không thiếu, không thừa, hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ là hướng dẫn các đơn vị thực hiện tự chủ xác định mức kinh phí hợp lý, xây dựng tốt Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý và sử dụng tài sản công. Khi các cơ quan nhà nước xác định mức kinh phí khoán cần có sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan tài chính để đảm bảo mức kinh phí nhận tự chủ là hợp lý, đủ để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao, thực hiện tiết kiệm NSNN chi cho quản lý hành chính đồng thời vẫn phải đảm bảo để có thể tiết kiệm tăng thu nhập cho công chức cơ quan nhà nước, tạo động lực vật chất khuyến khích cơ quan nhà nước thực hiện cải cách.
Trong việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ cũng cần có sự hướng dẫn của Bộ Tài chính để đảm bảo các định mức chi tiêu là đúng quy định, hợp lý, đảm bảo khả năng tiết kiệm. Sự phối hợp của Bộ Tài chính là hết sức quan trọng, đảm bảo sự hỗ trợ về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính đối với cơ quan hành chính trong việc sử dụng NSNN, sử dụng kinh phí tiết kiệm và sử dụng tài sản công. Bội Tài chính tham mưu cho Chính phủ trong việc quyết định mức kinh phí giao tự chủ cho đơn vị, đảm bảo mức kinh phí đó là hợp lý, giúp cho cơ quan hành chính hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Kho bạc nhà nước các cấp được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/05/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định 130/2005/NĐ-CP là: tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ rút dự toán kinh phí được nhanh chóng và thuận tiện, kiểm soát chi theo quy định hiện hành, được quyền từ chối chấp nhận thanh toán các khoản chi vượt định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trái với Quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng; cuối năm thực hiện chuyển số kinh phí thực hiện cơ chế tự chủ, kinh phí tiết kiệm được của các cơ quan chưa sử dụng hết sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Kho bạc nhà nước là cơ quan quản lý quỹ NSNN ở các cấp, thực hiện chức năng quản lý và cấp ngân sách từ quỹ ngân sách nhà nước ở các cấp cho các đối tượng thụ hưởng, sự phối hợp của Kho bạc nhà nước sẽ đảm bảo ngân sách kịp thời cho các cơ quan hành chính khi có nhu cầu sử dụng. Cơ chế tự chủ đã trao quyền chủ động cho các thủ trưởng các cơ quan hành chính trong việc bố trí và sử dụng ngân sách trong phạm vi được giao, tuy nhiên để sử dụng ngân sách đó phải thông qua kho bạc với chức năng là người giám sát và cấp phát ngân sách. Thủ trưởng cơ quan chủ động bố trí ngân sách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao tuy nhiên nếu không có sự phối hợp tốt của Kho bạc nhà nước, không bố trí đủ kinh phí sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan. Sự phối hợp giám sát của kho bạc cũng đảm bảo cho việc thực hiện chi của cơ quan hành chính đúng quy định, định mức, việc sử dụng các quỹ và kinh phí tiết kiệm đúng mục đích, phục vụ tăng thu nhập và nâng cao đời sống công chức trong các cơ quan hành chính. Sự giám sát của kho bạc đảm bảo ngân sách của nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.