1.5 Kinh nghiệm quản lý tài chính của một số đơn vị trong nước và nước ngoài,
1.5.3 Bài học kinh nghiệm rút ra cho các cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế
Trong những năm cuối Thế kỷ 20 đã xuất hiện những khái niệm mới về quản lý tài chính công ở các nước phát triển, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện cải cách tài chính công mạnh mẽ với trọng tâm là quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra và áp dụng khuôn khổ tài chính, ngân sách trung hạn nhằm giúp Chính phủ quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực công cho những ưu tiên chiến lược.
Kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi mô hình quản lý ngân sách ở các quốc gia như Singapore, Hoa Kỳ đã nêu trên cho thấy việc lập dự toán, quản lý, phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra và cơ chế công khai, trách nhiệm giải trình cá nhân cao cho phép thực hiện mô hình ngân sách độc lập là phương thức quản lý tiên tiến, hiệu quả và phù hợp, đáp ứng yêu cầu cải cách tài chính công ở Việt Nam.
Quản lý tài chính công ở Việt Nam đã từng bước được cải cách và đổi mới trên nhiều phương diện. Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu, định hướng phát triển tài chính Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước đã phát huy hiệu quả, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã góp phần thúc đẩy các cơ quan chủ động, sáng tạo trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị cũng như tiết kiệm kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất và thu nhập cho cán bộ, công
chức. Các cơ quan trung ương hầu hết đã xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công nên có điều kiện để quản lý, sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm.
Từ kinh ngiệm quản lý tài chính của các cơ quan trong và ngoài nước nêu trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ như sau:
Thứ nhất: Để chủ động sử dụng kinh phí tự chủ được giao, tiết kiệm và có hiệu quả, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có trách nhiệm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ cho cán bộ, công chức trong cơ quan thực hiện, Kho bạc nhà nước kiểm soát chi. Khi xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tình hình thực hiện của các Vụ, Cục, Phòng, Ban trong thời gian qua, khả năng nguồn kinh phí được giao để quy định. Mức chi, chế độ chi, tiêu chuẩn định mức trong Quy chế chi tiêu nội bộ không được vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Thứ hai: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Đẩy mạnh sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc trong ngành; thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp các cuộc họp với nhau một cách hợp lý bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ ba: các nước trên đều đã áp dụng quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Công tác lập dự toán được phân chia chi tiết theo từng chương trình, từng Bộ, nguồn vốn và khoản chi, kèm theo bản thuyết minh chi tiết đến từng hạng mục chi cụ thể, kèm theo kế hoạch cung cấp dịch vụ công cộng (số lượng, mức độ cung cấp, đối tượng thụ hưởng,..), quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, bất cứ khoản chi nào muốn chi đều phải có giải trình cụ thể chi vào mục đích gì và hiệu quả sử dụng đến đâu. Bên cạnh
đó, trong quá trình thẩm tra dự toán, có một cơ quan ngân sách độc lập để làm một bản dự toán đối chiếu với bản dự toán ban đầu. Đây là một phương thức quản lý tiên tiến đã được nhiều nước trên thế giới tiếp cận, cả những quốc gia phát triển và những quốc gia đang phát triển. Phương thức này cho phép các nhà quản lý tại các cơ quan HCNN chủ động hơn trong điều hành ngân sách, đồng thời phải chịu trách nhiệm về đầu ra và kết quả. Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Tài chính chính là đơn vị trực tiếp thẩm tra, phân bổ dự toán cho các đơn vị cùng cấp, tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính, không có đơn vị độc lập nào thẩm tra dự toán, quyết toán theo kết quả đầu ra của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tư: qua phân tích cách thức quản lý tài chính tại Singapore và Hoa Kỳ nhận thấy các nước đó đều rất coi trọng công tác kiểm toán, kiểm tra, giám sát và xây dựng chế tài xử lý vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN tại các cơ quan nhà nước. Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, các nước còn thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý vi phạm nghiêm khắc đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng NSNN đúng mục đích, có hiệu quả, đúng pháp luật. Ngoài việc kiểm toán tài chính về việc tuân thủ quy định, chế độ kế toán chặt chẽ, chế độ báo cáo tài chính, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ còn có một bước rất quan trọng đó là kiểm toán hoạt động đánh giá hiệu năng và hiệu quả chi tiêu ngân sách, phát hiện các khoản chi tiêu không hiệu quả và nguyên nhân của các khoản chi tiêu này, đánh giá việc thực hiện các quy định có liên quan về kiểm soát hiệu quả, hiệu năng của các Bộ cũng như hiệu quả của các chương trình của Chính phủ. Đây là một bước rất quan trọng mà hiện nay Việt Nam chưa làm được, ngân sách chi ra nhưng chưa đánh giá được chất lượng sử dụng ngân sách hiệu quả hay không, công khai, minh bạch trong quá trính sử dụng ngân sách đồng thời là trách nhiệm giải trình thuộc về cá nhân sẽ giúp ích cho các cơ quan HCNN sử dụng ngân sách có hiệu quả hơn.
Từ một đất nước có nền kinh tế chậm phát triển, xã hội lạc hậu, trình độ quản lý còn nhiều bất cập, Việt Nam tham gia phát triển kinh tế thị trường, tiến lên là quốc gia đang phát triển. Trong khi yêu cầu về đầu tư từ NSNN để phát triển kinh tế xã hội của đất nước là vô cùng lớn, khả năng huy động từ GDP còn thấp. Vì vậy, việc chi tiêu từ nguồn NSNN gắn với kết quả là một đòi hỏi cấp thiết, yêu cầu Nhà nước ta cần tiếp tục đổi mới phương thức
lập, phân bổ dự toán NSNN đối với cơ quan nhà nước theo hướng dựa trên kết quả đầu ra, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ CBCC, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy HCNN. Tuy nhiên, để thực hiện theo phương thức này, Việt Nam cần chuẩn bị rất chu đáo. Trước hết, cần thống nhất nhận thức chung của các cơ quan chức năng về phương pháp quản lý mới; đồng thời phải xây dựng được hệ thống các chỉ số đánh giá kết quả đầu ra và nâng cao năng lực cung cấp thông tin về tài chính ngân sách của các cơ quan.
Kết luận chương 1
Trong chương này tác giả đã hệ thống hóa một cách khái quát chung về cơ quan HCNN và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý tài chính tại cơ quan HCNN, đặc biệt đã đi sâu nghiên cứu cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; quy trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách, các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, tác giả cũng tìm hiểu nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tài chính của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông [39] và Singapore, Hoa Kỳ trong luận văn của tác giả Nguyễn Thị Hạnh [23], Nguyễn Thị Thanh Hoa [24]. Đây là những cơ sở khoa học để làm nền tảng cho những tìm hiểu thực tế trong chương tiếp theo của tác giả trong luận văn.
CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH THEO CƠ CHẾ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM TẠI KTNN