Quy chế chi tiêu nội bộ là văn bản pháp lý để triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, quá trình thực hiện tự chủ có thực sự tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào các quy chế này. Vì vậy, để chủ động sử dụng kinh phí tự chủ được giao, tiết kiệm và có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ có trách nhiệm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV của liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước làm căn cứ cho cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan thực hiện.
* Căn cứ đề xuất giải pháp
- Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/ 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; - Căn cứ thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/05/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;
- Căn cứ thực tế Quy chế chi tiêu nội bộ của KTNN và các đơn vị trực thuộc.
* Nội dung giải pháp
- Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ của KTNN tập trung hướng đến chế độ khoán chi hoạt động thường xuyên trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Quy định chi tiết các nội dung khoán chi trong Quy chế chi tiêu nội bộ như: khoán kinh phí văn phòng phẩm (bút, giấy, sổ, bìa tài liệu... ), công tác phí, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ, chi phí xe ô tô phục vụ công tác, cước sử dụng điện thoại công vụ tại cơ quan cho từng đầu máy điện thoại hoặc từng bộ phận trong cơ quan….;
- Tổ chức thảo luận dân chủ, thống nhất trong cơ quan và gửi đến cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, giám sát, Kho bạc nhà nước nơi cơ quan mở tài khoản giao dịch để kiểm soát chi theo quy định.
* Điều kiện thực hiện các giải pháp
Để thực hiện được giải pháp trên cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp cho các đơn vị xây dựng dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ gửi cho các bộ phận liên quan và công chức tham gia góp ý thống nhất trước khi trình lãnh đạo ký ban hành.
* Dự kiến kết quả đạt được
- Giúp cho các đơn vị dự toán thuộc KTNN giảm khối lượng hồ sơ thanh toán. Cụ thể, trước kia, khi thanh toán tiền công tác phí, cán bộ phải có đầy đủ 4 chứng từ, bao gồm giấy đi đường, hóa đơn thuê phòng nghỉ, hóa đơn thuê xe, giấy đề nghị thanh toán thì mới thanh toán được. Nếu sử dụng hình thức khoán, cán bộ đi công tác chỉ cần 2 chứng từ là giấy đi đường và giấy đề nghị thanh toán. Khối lượng hồ sơ thanh toán theo hình thức khoán ít và đơn giản đã giúp cho quy trình thanh toán được rút ngắn. Việc thẩm định hồ sơ và thực hiện thanh toán được rút ngắn hơn rất nhiều so với thanh toán theo hóa đơn thực tế;
- Ngoài ra, khoán chi giúp các đơn vị xây dựng dự toán sát với thực tế tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm, tránh bị động trong việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, khoán chi còn tạo được sự minh bạch, công khai trong tổ chức chi tiêu tại đơn vị; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí để dành nguồn chi thu nhập tăng thêm, khen thưởng phúc lợi, nâng cao đời sống người lao động;
- Kịp thời điều chỉnh các nội dung, định mức chi liên quan đến các khoản chi hành chính theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo quản lý chặt, đúng dự toán được duyệt; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản pháp luật có liên quan; - Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ, cán bộ, công chức được tham gia góp ý, vì vậy, mọi khoản chi tiêu, sử dụng kinh phí, tài sản đều được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn và cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan được tham gia thực hiện và giám sát thực hiện phương án sử dụng biên chế, kinh phí theo quy định của Nhà nước.
Triển khai áp dụng giải pháp này kết quả thu được là rất lớn không những về giá trị kinh tế mà còn giá trị về tinh thần. Đây có thể coi là bước phù hợp với tiến trình đổi mới, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và quản lý tài chính, cũng như tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.