Truyền máu và xét nghiệm đường máu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và hiệu quả của thông khí nhân tạo điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ở bệnh nhân bỏng nặng (Trang 108 - 111)

- Máy đếm tế bào tự động KX – SYSMEX (Nhật Bản)

4.4.6. Truyền máu và xét nghiệm đường máu

Trong những năm gần đây, truyền máu trở nên khá phổ biến tại các đơn vị điều trị tích cực. Hàng năm, ở Mỹ có 14 triệu đơn vị máu được cho và 12 triệu đơn vị máu được truyền, tỷ lệ tử vong liên quan đến truyền máu 5 – 8%. Bên cạnh những lợi ích mà truyền máu mang lại, thì một vấn đề liên quan đến

truyền máu cũng rất được quan tâm đó là: tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến truyền máu, máu nhiễm virus, bệnh lây truyền qua đường máu [72],[54].

Truyền máu và các chế phẩm máu làm tăng nguy cơ tổn thương phổi, được giải thích theo hai cơ chế. Thứ nhất là do: kháng thể kháng bạch cầu trong huyết tương người cho kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt của bạch cầu trong máu người nhận tạo nên đáp ứng viêm trong mao mạch phổi. Thứ hai là do lipid, cytokines trong máu người cho hoạt hóa bạch cầu hạt trong mạch phổi làm tăng tính thấm mao mạch [72],[54].

Higgin S. (2007) đề cập đến tình trạng ALI/ARDS liên quan đến truyền máu và chế phẩm máu ở BN bỏng. Tác giả thấy tổn thương phổi cấp xuất hiện trong vòng 6 giờ sau truyền 4 đơn vị máu [58]. Gong M.N. (2005) kết luận, truyền khối hồng cầu làm tăng nguy cơ xuất hiện ARDS (OR: 2,19, 95%CI, 1,42 – 3,36, p < 0,001) và làm tăng tỷ lệ tử vong ở BNARDS (OR: 1,10 cho mỗi đơn vị máu, 95%CI, 1,04 – 1,17, p < 0,001)[51].

Silverboard H. (2005) công bố tỷ lệ ARDS ở nhóm truyền dưới 5 đơn vị khối hồng cầu trong vòng 24 giờ(21%)thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm truyền 6 – 10 đơn vị khối hồng cầu (31%) và nhóm truyền trên 10 đơn vị khối hồng cầu trong vòng 24 giờ (57%), với p = 0,007. Phân tích đa biến: truyền một khối lượng lớn hồng cầu trong vòng 24 giờ liên quan với sự xuất hiện ARDS (OR: 14,4; 95%CI, 3,2 – 78,7, p = 0,002), tỷ lệ tử vong ở nhóm truyền nhiều khối hồng cầu trong vòng 24 giờ cao hơn rõ rệt (p = 0,03) [101].

Khối hồng cầu và huyết tương được truyền trong nghiên cứu của chúng tôi được tính từ thời điểm vào viện cho tới trước thời điểm chẩn đoán ARDS.

Do tính chất nặng của bệnh bỏng, cũng như mức độ nặng của ARDS bỏng thường kèm theo tình trạng thiếu máu, protein và albumin máu giảm (được giải thích trong phần 4.3.2) khác với ARDS không bỏng. Do vậy, việc truyền máu và huyết tương ở BNARDS bỏng sẽ cao hơn so với nhóm bỏng không ARDS.

Chính vì vậy, kết quả bảng 3.11 cho thấy khối hồng cầu và huyết tương được truyền ở BNARDS trong nghiên cứu cao hơn có ý nghĩa so với nhóm không ARDS, p < 0,01. Phần nào phản ánh được mức độ nặng của BNARDS bỏng, chứ chưa đủ sức thuyết phục có mối liên quan giữa truyền máu và sự xuất hiện ARDS trong bỏng. Được giải thích do khối hồng cầu và huyết tương được truyền là rải rác trong quá trình điều trị BNbỏng. Chúng tôi thường truyền 1 - 2 đơn vị huyết tương hoặc máu trong vòng 24 giờ, việc truyền không xảy ra liên tục.

Tăng đường máu là tình trạng khá phổ biến sau bỏng. Đường máu tăng có liên quan đến rối loạn chuyển hóa sau bỏng, nồng độ đường máu có thể tăng rất cao do tăng glucagon huyết thanh, tăng catecholamine và cortisone trong máu, kèm theo đó là tăng tổng hợp alanin và glutamine (các acid – amin sinh đường) [95].

Đường máu tăng cao có liên quan với tình trạng nhiễm khuẩn và tử vong trong bỏng. Chình vì vậy, kiểm soát tốt đường máu giúp làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn và giảm tỷ lệ tử vong [95].

Trong những năm gần đây, nhiều tài liệu đã đề cập đến vấn đề này. Điển hình như nghiên cứu của Pidcoke H.F. (2007), Sen S. (2010) khẳng định đường máu tăng cao trên 150mg% (8,3mmol/l)liên quan tới tăng tỷ lệ tử vong ở BNbỏng. Đồng thời, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể ở nhóm được kiểm soát đường máu tốt (22%) so với nhóm chứng (nhóm không được kiểm soát đường máu) 50% [95]. Bên cạnh đó, kiểm soát đường máu chặt là một trong các mục tiêu điều trị BNnặng tại khoa điều trị tích cực.

Trong nghiên cứu của chúng tôi nồng độ đường máu tăng cao đáng kể ở nhóm bỏng có ARDS (8,82 ± 3,30mmol/l) so với nhóm không ARDS (7,87 ± 3,16 mmol/l), p < 0,05).Đường máu tăng cao ở nhóm bỏng có ARDS phần nào phản ánh mức độ rối loạn chuyển hóa nặng sau ARDS bỏng.

Đồng thời, phân tích riêng biệt mối quan hệ của đường máu và sự xuất hiện ARDS. Chúng tôi thấy đường máu tăng cao liên quan đến sự xuất hiện ARDS (OR: 1,09, 95%CI, 1,00 – 1,19, p = 0,048).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và hiệu quả của thông khí nhân tạo điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ở bệnh nhân bỏng nặng (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(190 trang)
w