1.2. PHÁT TRIỂN DỊCHVỤ BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2.3.1 Yếu tố khách quan
- Hệ thống luật pháp
Luật pháp là nền tảng cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bán lẻ của ngân hàng nói riêng. Nếu những quy định của pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ, có nhiều kẽ hở thì sẽ rất khó khăn cho ngân hàng trong các hoạt động nói chung và hoạt động cho vay nói riêng. Với những văn bản pháp luật đầy đủ rõ ràng, đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng yên tâm hoạt động kinh doanh, cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, chính sách xuất nhập khẩu một cách đột ngột gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không tiêu thụ hết được sản phẩm hay chưa có phương án kinh doanh mới
dẫn đến nợ quá hạn, nợ khó đòi, ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Đồng thời, NHTM nằm trong hệ thống ngân hàng, chịu tác động của chính sách tiền tệ, chịu quản lý của NHNN và tuân thủ các quy định của pháp luật ngân hàng. Do đó, việc mở rộng thị trường bán lẻ của NHTM cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những quy định như về việc mở rộng mạng lưới, hoặc những quy định về các dịch vụ mà ngân hàng được phép cung cấp,...
- Nhu cầu khách hàng
Có thể nói, khách hàng là trung tâm của hoạt động ngân hàng bán lẻ. Do đó, các quyết định liên quan đến việc mở rộng thị trường bán lẻ đều phải dựa trên nhu cầu và xu hướng của khách hàng. Giữa khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có sự khác nhau về nhu cầu sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm cho nên việc thoả mãn nhu cầu của khách hàng là điều rất quan trọng. Nếu yếu tố tâm lý, phong tục, trình độ dân trí có ảnh hưởng đến khách hàng cá nhân thì đối tượng khách hàng tổ chức lại chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chiến lược kinh doanh và tác động từ nền kinh tế. Do đó, ngoài việc đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng, ngân hàng còn cần dự đoán các nhu cầu tương lai để đi tắt đón đầu, mở rộng các sản phẩm kênh phân phối trước nhằm giành ưu thế trong thị trường bán lẻ.
- Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn việc mở rộng thị trường bán lẻ của các ngân hàng. Khi tốc độ tăng trưởng GDP thấp, nền kinh tế chậm phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân hạn chế do tiết giảm các khoản chi tiêu, và ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng, đời sống của người dân tốt hơn, nhu cầu được phục vụ cũng vì thế mà tăng. Trong điều kiện này, các ngân hàng cũng không ngần ngại chớp lấy thời cơ phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm mở rộng thị trường bán lẻ, gia tăng nguồn thu nhập.
- Đối thủ cạnh tranh
Chiến lược của đối thủ cạnh tranh là một trong những nguồn thông tin quan trọng đối với nhà quản trị trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh nói chung và
hoạt động bán lẻ nói riêng. Bởi quan sát hành động của đối thủ cạnh tranh giúp bản thân ngân hàng nhận thức được xu hướng của họ trên thị trường từ đó có những chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, chiến lược được đưa ra cần hoạch định có hiệu quả tránh tình trạng “bắt chước”.