Chỉ tiêu này dùng để đánh giá hiệu quả của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thông qua việc tính toán số phí thu được từ việc cung ứng dịch vụ là bao nhiêu, tăng hay giảm qua các năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu như thế nào, có tăng trưởng mạnh hay không… Tốc độ tăng trưởng càng cao thể hiện tính hiệu quả của các dịch vụ càng cao. Chỉ tiêu này được tính bằng cách so sánh tổng doanh thu từ phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kỳ. Công thức tính như sau:
𝐺𝑁𝐼𝐶 =Doanh thu phí dịch vụ cuối kỳ − Doanh thu phí dịch vụ đầu kỳ
Doanh thu phí dịch vụ đầu kỳ × 100%
1.3.3. Các yếu tố tác động đến phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mặt
Môi trường kinh tế
Một nền kinh tế ổn định và phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đồng thời tác động mạnh mẽ đến nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… được đẩy mạnh. Nhu cầu lưu thông, trao đổi hàng hóa tăng lên sẽ làm quá trình mua – bán diễn ra nhộn nhịp, thường xuyên, và do vậy, nhu cầu thanh toán cũng theo đó tăng cao. Mặt khác, nhờ có tích lũy nên đời sống vật chất, tinh thần đều được nâng cao, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cũng tạo cơ hội tốt cho việc đẩy mạnh các hoạt động thanh toán.
Môi trường văn hoá - xã hội
Sự phát triển của hệ thống thanh toán bắt nguồn từ các giao dịch thương mại, dựa trên các quy ước, tập quán, thói quen trong mua bán và thanh toán. Trong khi
đó mặt bằng chung về trình độ, bản sắc văn hóa, mức sống, phong tục của một đất nước có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, lối sống của người dân. Người ta nói rằng thanh toán không dùng tiền mặt là biểu hiện của một xã hội văn minh. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ít nhiều đều ẩn chứa yếu tố hiện đại, đòi hỏi người sử dụng phải có một trình độ kiến thức, hiểu biết nhất định. Mặt khác, sử dụng và cất trữ tiền mặt là thói quen cố hữu đối với phần lớn bộ phận dân chúng. Nếu vẫn chưa có sự nhận thức đúng về các lợi ích, chưa thấy được các tiện nghi của dịch vụ thanh toán, chưa có lòng tin vào ngân hàng thì họ sẽ không từ bỏ thói quen này. Xã hội phát triển, đời sống dân trí được nâng cao sẽ là điều kiện để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có cơ hội được sử dụng rộng rãi.
Phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ thanh toán
Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, đã tạo ra một bước đột phá trong lãnh vực thanh toán, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của hệ thống thanh toán qua ngân hàng. Không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của công nghệ thông tin trong xã hội hiện đại nói chung và hệ thống thanh toán của ngân hàng nói riêng. Hầu như các ngân hàng thương mại hiện nay đều đã tiến hành hiện đại hóa công nghệ, xây dựng phần mềm lõi với cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này cho phép phát triển, cung ứng thêm nhiều dịch vụ tiện ích dựa trên nền tảng kỹ thuật hiện đại như chuyển tiền nhanh, máy gửi - rút tiền tự động (ATM), Mobile banking, Internet banking... về mặt lý thuyết có thể đáp ứng một cách nhanh chóng, an toàn và chính xác các nhu cầu thanh toán của khách hàng trên phạm vi toàn cầu.Sự phát triển của công nghệ tin không chỉ giúp cho các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, mà việc thay thế các chứng từ giấy bằng các chứng từ điện tử đã mang lại những cải thiện rõ rệt về thời gian, khối lượng và chất lượng thanh toán, tạo ra một bước nhảy vọt trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đây chính là điểm nhấn để thu hút các tầng lớp dân cư và các tổ chức kinh tế tích cực tham gia hoạt động thanh toán qua ngân hàng.
Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ thanh toán
Để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài việc đảm bảo an toàn, dễ sử dụng và nhiều tiện ích thì một môi trường tiện nghi, luôn sẵn sàng phục vụ sẽ giúp thúc đẩy ý định sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Mạng lưới rộng khắp của các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đến giao dịch thanh toán. Với một hệ thống các trạm ATM, các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) dày đặc thì ngay cả những khoản tiêu vặt nhỏ, lẻ cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng không thua kém gì tiền mặt. Lúc đó, chắc chắn rằng người sử dụng sẽ so sánh và chú ý nhiều hơn đến những ưu điểm của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động thanh toán
Khác với thanh toán sử dụng tiền mặt, người trả có thể nhìn thấy trực tiếp tiền của mình đã được trả cho đối tác, còn trong thanh toán không dùng tiền mặt do có sự tham gia của tố chức cung ứng dịch vụ và các phương tiện thanh toán nên giá trị của tiền được chuyển đi một cách vô hình. Điều này không chỉ gây ra tâm lý e ngại về các rủi ro có thể xảy ra đối với tiền mà xác suất về các sự cố, sai sót có thể sẽ tăng lên. Đây là một trong những lý do dẫn đến kinh doanh ngân hàng là một trong những ngành kinh tế chịu sự giám sát chặt chẽ của pháp luật và sự quản lý của Ngân hàng Nhà Nước. Một cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hệ thống thanh toán là nền tảng đảm bảo để các chủ thể có thể yên tâm tham gia vào quá trình thanh toán vì quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ. Hay nói cách khác sự hoàn thiện về cơ sở pháp lý là điều kiện để thúc đẩy cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Năng lực của đội ngũ nhân viên ngân hàng
Để cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là những dịch vụ dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ cao ra thị trường, ngân hàng cần phải có đội ngũ nhân viên đủ năng lực. Họ vừa phải tư vấn lựa chọn dịch vụ phù hợp, vừa phải hướng dẫn cách thức sử dụng cho khách hàng. Không chỉ vậy, họ còn làm marketing, thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ, đôi lúc phải hỗ trợ để xử lý các
sự cố phát sinh… Do đó, hơn ai hết họ phải là người am hiểu nhất trong lãnh vực này. Ngoài việc thông hiểu kiến thức, thành thạo nghiệp vụ ngân hàng còn phải có trình độ ngoại ngữ, tin học…đủ để thực hiện tốt công việc, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.