VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH LÂM ĐỒNG 5.5.1. Kiến nghị đối với Chính phủ
- Xây dựng môi trường pháp lý hoàn chỉnh tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại điện tử phát triển phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử quan trọng, các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao để đối phó với tình trạng gia tăng của tội phạm thanh toán hiện nay.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, phổ biến, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính để tạo sự chuyển biến căn bản của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt và giảm thói quen sử dụng tiền mặt.
- Chênh lệch về hạ tầng công nghệ giữa khu đô thị và khu vực nông thôn còn cao cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tăng khả năng thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng điện tử. Do vậy Chính phủ cần có chiến lược đầu tư phát triển công nghệ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Mạng viễn thông là một trong những điều kiện để có thể tham gia các giao dịch điện tử, do đó chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi về phí sử dụng để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tiếp cận với các giao dịch này. Hiện nay, phí sử dụng các mạng viễn thông như Internet, 3G ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Triển khai phát triển các Chương trình tài chính toàn diện gắn với việc đẩy mạnh phát triển các hệ thống thanh toán, chuyển tiền ở khu vực nông thôn; tập trung phát triển, mở rộng các mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Sửa đổi, ban hành quy định, chế tài chặt chẽ hơn về các giao dịch sử dụng tiền mặt, phạm vi áp dụng không chỉ là các đơn vị sử dụng vốn, ngân sách Nhà Nước mà cần mở rộng đối với các thành phần trong nền kinh tế, nhất là các giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) bắt buộc phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
- Có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được.
- Có chính sách khuyến khích phù hợp khi nộp thuế qua ngân hàng, việc này sẽ động viên và khuyến khích các đơn vị kinh doanh tích cực hơn trong việc làm nghĩa vụ thuế.
5.5.2. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước
- Giữ vai trò chủ chốt trong triển khai thực thi các đề án không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà Nước cần quan tâm hơn nữa đến chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại địa phương. Thông qua công tác quản lý, Ngân hàng Nhà Nước nắm bắt tình hình chung và định hướng hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ cho các ngân hàng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhiệm vụ được giao bằng các chỉ thị, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ của toàn Ngành ngân hàng. Là trưởng cụm thi đua khối tài chính – ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cần xem xét đưa chỉ tiêu tăng trưởng về dịch vụ ngân hàng nói chung và chỉ số phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng vào danh mục xếp hạng thi đua bên cạnh những chỉ tiêu cơ bản khác như tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ, chất lượng tín dụng…
- Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cũng cần có những biện pháp chỉ đạo, ban hành quy chế thưởng – phạt phân minh nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; khuyến khích các ngân hàng thương mại cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, không sử dụng giá, phí và các hình thức không lành mạnh khác như một công cụ để giành giật thị phần; có biện pháp chế tài cụ thể đối với những biểu hiện tiêu cực trong lãnh vực này.
- Mở rộng phạm vi thanh toán điện tử liên ngân hàng để tất cả các chi nhánh ngân hàng đủ điều kiện đều được tham gia thanh toán, đồng thời kéo dài thời gian ngừng chuyển lệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
- Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, bảo đảm tính tuân thủ các quy định và duy trì kỷ luật thanh toán; tổ chức việc giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả.
5.5.3. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nam
- Mẫu biểu, chế độ chứng từ, hồ sơ, thủ tục đối với các nghiệp vụ của Agribank hiện nay còn rườm rà, chưa khoa học, gây khó khăn cho khách hàng. Do vậy Agribank cần nghiên cứu cải thiện thủ tục, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các nghiệp vụ ngân hàng nhằm giảm thời gian xử lý nghiệp vụ và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng.
- Để cho việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt an toàn tuyệt đối, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đặc biệt là đối với các đối tượng khách hàng lớn tuổi, khách hàng nông dân, những người có chữ ký không chuẩn xác,... ngoài việc dùng chữ ký để nhận dạng chủ tài khoản trong thanh toán như hiện nay, Agribank cần nghiêm cứu thêm việc nhận dạng bằng vân tay.
- Sớm thành lập Trung tâm chăm sóc khách hàng tại Trụ sở chính để có thể giải quyết các vướng mắc cũng như tiếp thu, đánh giá, tổng hợp phản hồi của khách hàng về sản phẩm dịch vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. - Công nghệ sản xuất thẻ hiện nay của Agribank là công nghệ thẻ từ, do vậy tính an toàn, bảo mật của sản phẩm thẻ Agribank còn rất hạn chế, dễ phát sinh rủi ro trong thanh toán và sử dụng thẻ, gây thiệt hại không chỉ cho khách hàng mà còn cho ngân hàng. Để hạn chế những rủi ro trên, Agribank cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang công nghệ sản xuất hiện đại hơn, tiên tiến hơn, đó là công nghệ sản xuất thẻ Chip.
- So với các ngân hàng thương mại khác thì các chức năng, tiện ích đối với một số dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank là chưa phong phú, đa dạng đặc biệt là với các kênh phân phối hiện đại. Do vậy Agribank cần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển thêm nhiều chức năng, tiện ích mới để tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ có tính khác biệt, tận dụng được lợi thế của Agribank và phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Hiện nay, một số ngân hàng
thương mại đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ nổi trội, góp phần rất lớn trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như: OceanBank cung cấp gói dịch vụ ngân hàng toàn diện cho các hãng taxi; Sản phẩm Auto Banking của DongA Bank là mô hình ngân hàng 100% tự động, hoạt động 24/7, cho phép khách hàng chủ động thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng,…
- Triển khai mở rộng thanh toán đối với kênh bán hàng qua mạng Internet, Mobile banking, mạng xã hội nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Việc nghẽn mạng, mất kết nối vẫn thường xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên tục và ổn định của các dịch vụ thanh toán, vì vậy cần đầu tư và nâng cao chất lượng các thiết bị công nghệ nhằm đảm bảo cho hệ thống được hoạt động thông suốt.
- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về chuyên đề cho cán bộ, nhân viên đặc biệt là kỹ năng phát triển quan hệ khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng chăm sóc khách hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 5
Trên cơ sở lý luận của Chương 1, nghiên cứu thực trạng của Chương 2, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của chương 3 và đánh giá kết quả hoạt động của chương 4, nội dung chính trong Chương 5 được người viết tập trung vào việc đưa ra các giải pháp để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng. Sau khi trình bày định hướng chung của Chính phủ cũng như chiến lược của Agribank và Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, người viết đã phân tích về cơ hội của việc phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với Agribank. Tiếp đó, các giải pháp để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được nghiên cứu và đề xuất. Cuối cùng, người viết mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ, Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và Agribank nhằm tạo thêm điều kiện, môi trường giúp cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đạt hiệu quả cao hơn.
KẾT LUẬN CHUNG
“Tiền” là một khái niệm rất thú vị không chỉ đối với các nhà kinh tế, tài chính mà hầu như với tất cả mọi người. Kể từ khi xuất hiện, tiền – mà hình thái biểu hiện chủ yếu là tiền mặt – đã đồng hành suốt chặng đường dài phát triển của lịch sử nhân loại, là nguyên nhân của không biết bao nhiêu vấn đề nảy sinh trong xã hội, từ phân chia giai cấp, tranh giành quyền lực, mâu thuẫn quyền lợi, những mối quan hệ phức tạp cho đến những cuộc chiến tranh quy mô lớn… Nói như vậy để thấy rằng tiền mặt có một sức hút mãnh liệt và đã ăn sâu vào tiềm thức của con người. Chuyển từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt, thực chất bản chất của tiền vẫn không thay đổi, vẫn là thước đo giá trị của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ nhưng lại vấp phải rào cản về thói quen, về quyền lợi và những mối quan hệ xã hội phức tạp khác. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là hướng đi tất yếu, trong đó ngân hàng có vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan. Với mục tiêu cụ thể là nghiên cứu, tìm cơ sở để xây dựng và đề xuất được các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng, luận văn đã hoàn thành được các nội dung sau:
Nghiên cứu các vấn đề lý thuyết liên quan đến dịch vụ ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, nhận diện một số yếu tố có ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Phân tích, đánh giá thực trạng về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; kết hợp với việc xây dựng mô hình định lượng để tiến hành khảo sát thực tế, phân tích và kiểm định mô hình để rút ra các điểm mạnh, điểm yếu cùng nguyên nhân cần khắc phục tại Agribank – Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn cùng với chiến lược phát triển của Agribank, người viết làm rõ những cơ hội, đồng thời đưa ra hệ thống các giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác phát triển dịch vụ ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng.
Những điểm mới của luận văn bao gồm:
Một là, đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại một đơn vị cụ thể, là nơi trực tiếp cung ứng ra thị trường các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Trọng tâm nghiên cứu là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, trong đó đã đề cập và dành nhiều sự quan tâm đến các dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Hai là, đã ứng dụng các mô hình lý thuyết nghiên cứu định lượng vào việc điều tra, khảo sát và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và quyết định về hành vi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trên địa bàn.
Mặt hạn chế của luận văn là chưa nghiên cứu về mảng dịch vụ thanh toán quốc tế, tuy nhiên đây không phải thế mạnh của đơn vị nghiên cứu và địa phương Lâm Đồng. Ngoài ra, phạm vi khảo sát mẫu mới chỉ dừng ở địa bàn TP. Đà Lạt - là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng, nên có thể kết quả thực nghiệm chưa thể hiện hết được đặc trưng của cả Tỉnh.
Về hướng phát triển của luận văn, ngoài việc bổ sung đầy đủ những hạn chế đã nêu còn có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ra tất cả các hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hoặc cả khu vực Tây Nguyên. Nội dung luận văn có thể đánh giá, phân tích sâu hơn ảnh hưởng của các yếu tố định tính đến công tác phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do trình độ và kiến thức còn nhiều hạn chế, nội dung luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý Thầy, Cô, cơ quan chủ quản và các bạn đồng nghiệp để tiếp tục hoàn thiện đề tài, đem lại tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, Niên giám thống kê Lâm Đồng năm 2012, 2013, 2014.
2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
3. Chính phủ 2012, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
4. Lê Văn Huy và Trương Thị Vân Anh 2008, “Mô hình nghiên cứu chấp nhận E-Banking tại Việt Nam”, nghiên cứu kinh tế, số 362 (Tháng 7/2008).
5. Lý Hoàng Ánh và Lê Thị Mận 2013, Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, NXB Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
6. Mai Linh 2015, “10 nền kinh tế ít sử dụng tiền mặt nhất trên thế giới”, Thời báo tài chính ngày 08/05/2015, truy cập tại <http://thoibaotaichinhvietnam.vn>, [Truy cập ngày 30/06/2015].
7. Ngân hàng Nhà Nước 1999, Quyết định số 371/1999/QĐ-NHNN Ban hành quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ Ngân hàng.
8. Ngân hàng Nhà Nước 2007, Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN Ban hành Quy chế về phát hành, sử dụng, thanh toán và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thẻ ngân hàng.
9. Ngân hàng Nhà Nước 2014, Thông tư 46/2014/TT-NHNN Hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
10. Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh Lâm Đồng, Báo cáo tình hình lợi nhuận các NHTM trên địa bàn năm 2014.
11. Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh Lâm Đồng, Báo cáo tình hình phát triển dịch vụ thẻ tại các NHTM trên địa bàn năm 2014
12. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Báo cáo tổng kết chuyên đề sản phẩm, dịch vụ các năm 2012, 2013, 2014.
13. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Báo cáo tổng kết