- Mặc dù rất quan tâm đến công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ nhưng Agribank nói chung và Agribank Lâm Đồng nói riêng lại chưa chú ý nhiều đến lãnh vực phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các chủ trương, định hướng, văn bản chỉ đạo của Agribank đều mới chỉ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nói chung mà chưa có mục tiêu cụ thể, chiến lược phát triển riêng đối với thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này khó có thể tạo ra cơ chế, sự nhận thức - thống nhất xuyên suốt trong toàn hệ thống Agribank để tạo ra sức mạnh, tận dụng các nguồn lực trong phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hay nói cách khác, kết quả đạt được của các dịch vụ này phụ thuộc một cách ngẫu nhiên vào kết quả hoạt động sản phẩm, dịch vụ chung.
- Công tác triển khai các dự án công nghệ thông tin có liên quan đến các loại hình dịch vụ hiện đại như Mobile banking, Internet banking, ATM… nhằm bổ sung, tăng cường thêm các chức năng, tiện ích cho dịch vụ thực hiện chậm và kéo dài đã
làm giảm khả năng cạnh tranh của Agribank trong lãnh vực này. Các dự án khác như nâng cấp, tăng cường năng lực xử lý cho hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về số lượng giao dịch; chấp nhận thẻ chíp (thẻ thông minh) tại các thiết bị chấp nhận thẻ của Agribank nhằm nâng cao mức độ an toàn, bảo mật… cũng không theo kịp xu thế và nhu cầu thực tiễn.
- Hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị liên quan đến sản phẩm, dịch vụ nói chung và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hình thức tuyên truyền, quảng cáo chưa ấn tượng, chưa phong phú đa dạng, chưa làm nổi bật những sản phẩm, dịch vụ cũng như hình ảnh của Agribank Lâm Đồng; hoạt động marketing còn thiếu chiều sâu, chưa tạo điểm nhấn nên chưa thu hút, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Có thể thấy đối tượng mở tài khoản, sử dụng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, cán bộ công chức, sinh viên... còn đối với tầng lớp dân cư khác thì vấn đề này vẫn còn xa lạ. Do vậy, Chi nhánh chưa thu hút được tối đa lượng khách hàng trên địa bàn.
- Còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các giải pháp kỹ thuật, các quy định, quy trình nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Một số trường hợp cụ thể như:
+ Số lượng chi nhánh trực thuộc được Agribank cho tham gia Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà Nước chủ trì còn ít (đến năm 2014 mới chỉ có 6/11 chi nhánh trực thuộc của Agribank Lâm Đồng tham gia) dẫn đến tình trạng các giao dịch chuyển tiền khác hệ thống phải thực hiện thông qua các ngân hàng trung gian, chi nhánh chuyển tiền không thể chủ động trong việc xử lý các sai sót, dẫn đến tình trạng chậm trễ, phiền hà cho khách hàng.
+ Quy định giới hạn về thời gian ngừng chuyển lệnh đối với các hệ thống thanh toán ra bên ngoài như điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương (thường kết thúc sớm) cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng nhóm các dịch vụ chuyển tiền.
+ Quy trình, thủ tục nghiệp vụ của Agribank đối với một số sản phẩm, dịch vụ còn khá rườm rà, phức tạp. Khách hàng khi đến Agribank để thực hiện các giao dịch buộc phải tuân thủ các quy định về chế độ chứng từ của Agribank, ngoài việc phải điền vào các mẫu ấn chỉ in sẵn do Agribank cung cấp, khách hàng còn phải tuân thủ cách viết số tiền bằng số, bằng chữ... trong khi các ngân hàng thương mại trên địa bàn chỉ cần căn cứ vào thông tin khách hàng cung cấp, giao dịch viên nhập vào hệ thống và in chứng từ cho khách hàng kiểm tra, ký tên, khách hàng không phải viết bất cứ chứng từ nào. Đây thực sự là một vấn đề bất lợi đối với Agribank, ảnh hưởng rất lớn đến lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank đồng thời không thể hiện được tính hiện đại trong quy trình giao dịch.
+ Thủ tục phát hành thẻ của Agribank cũng rất rườm rà, sử dụng quá nhiều mẫu biểu trong khi đó một số ngân hàng thương mại khác khi phát hành thẻ, khách hàng có thể đăng ký trực tuyến thông qua mạng Internet mà không cần phải đến ngân hàng, sau đó ngân hàng sẽ chuyển thẻ đến cho khách hàng bằng đường bưu điện.
- Kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của đa số nhân viên Agribank về các dịch vụ truyền thống khá chuyên sâu và dày dạn nhưng về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán hiện đại còn nhiều hạn chế, am hiểu chưa sâu, chưa tư vấn tốt được cho khách hàng. Trình độ, kỹ năng khai thác dịch vụ của cán bộ còn yếu. Thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên chưa chuyên nghiệp trong tiếp cận và phục vụ khách hàng, nhất là ở các địa bàn có ít cạnh tranh. Điều này có liên quan đến công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ giao dịch viên. Mặc dù đây là lãnh vực được quan tâm nhiều nhưng chất lượng đào tạo thật sự chưa hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là do: nội dung cần đào tạo nhiều nhưng thời gian đào tạo ngắn; giảng viên chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có kiến thức sư phạm nên khả năng truyền đạt cũng bị hạn chế; số lượng giao dịch viên tham gia mỗi đợt tập huấn rất lớn làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong chương 4, người viết đã tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động và phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng về các nội dung sau:
- Một là phân tích tình hình chung và đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian 3 năm 2012 – 2014.
- Hai là phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế đó.
Trong chương cuối của luận văn, trên cơ sở kết hợp, phân tích các thông tin đã thu thập được từ 4 chương đầu, xuất phát từ định hướng chung của Chính phủ và định hướng của Agribank, người viết sẽ phân tích các cơ hội và đề xuất các giải pháp để mở rộng và phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng. Đồng thời, người viết cũng sẽ đề xuất một số kiến nghị với cơ quan hữu quan và ngân hàng cấp trên để tạo thêm điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc thực thi hệ thống giải pháp này.
CHƯƠNG 5
GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH LÂM ĐỒNG