Cơ hội phát triển khách hàng tiềm năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 96 - 99)

Nhóm khách hàng tiềm năng theo tình trạng quan hệ với Chi nhánh

Như đã phân tích ở mục 4.2, Agribank Lâm Đồng hiện đang có một lượng khách hàng khá lớn (hơn 209 ngàn) nhưng cũng mới chỉ chiếm 29.94% dân số lao động có độ tuổi từ 15 trở lên tại tỉnh Lâm Đồng, cũng có nghĩa là còn hơn 489 ngàn khách hàng tiềm năng mà Chi nhánh chưa khai thác.

Trong tổng số 209,193 khách hàng đã thiết lập quan hệ có đến 83% đã mở và sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán. Đây là nhóm khách hàng rất thuận lợi để Agribank Lâm Đồng mở rộng cung ứng thêm các dịch vụ trên nền tài khoản thanh toán cũng như các loại hình dịch vụ khác. Đối với 34,274 khách hàng còn lại cũng khá thuận lợi, bởi đây là nhóm khách hàng đã có quan hệ giao dịch với Chi nhánh nên dễ thuyết phục họ tham gia mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng.

Nhóm tiềm năng theo phân khúc

- Nhóm cán bộ hưu trí: hiện nay số cán bộ hưu trí đang lĩnh lương hưu bằng tiền mặt vẫn còn rất nhiều, một phần do mức lương hưu thấp, một phần do ngại tiếp xúc, giao dịch với ngân hàng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để họ thấy được sự thuận tiện trong việc lãnh lương hưu thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.

- Nhóm khách hàng tiểu thương đang buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại: số tiền mà họ thu được qua giao dịch mua bán hàng ngày rất nhiều nhưng đa số đều cất giữ bằng tiền mặt. Đối với nhóm khách hàng này thì việc vận động họ sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán cũng dễ dàng hơn vì một phần trong số đó cũng đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền vãng lai tại Chi nhánh.

- Nhóm học sinh chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học: ở năm cuối cấp các bạn học sinh đã có đủ điều kiện năng lực hành vi dân sự để tự mình thực hiện các giao dịch. Đây là nhóm đối tượng có khả năng mở tài khoản tiền gửi thanh toán kèm theo phát hành thẻ ghi nợ. Trong tương lai khi trở thành sinh viên và đi học ở xa, gia đình hoặc người thân có thể gửi tiền vào tài khoản để các bạn này chi tiêu, sinh

hoạt mà không mất phí hoặc chỉ tốn một khoản phí chuyển tiền rất nhỏ. Họ cũng có thể kiểm soát được tiến độ chi tiêu của con em mình một cách dễ dàng.

5.3.2. Cơ hội phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

- Nhu cầu sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đang có xu hướng tăng lên: do kinh tế phát triển, đời sống văn hóa – xã hội đang ngày càng được cải thiện, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao kéo theo nhu cầu trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày, trong công việc, trong các mối quan hệ ngày càng nhiều và đa dạng.

- Điều kiện và cơ hội để ngân hàng phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp các chức năng, tiện ích của ngân hàng cho các đối tượng khách hàng ngày càng nhiều: trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, Kho bạc Nhà Nước, Cục Thuế và Chi cục Hải quan Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hệ thống ngân hàng để thực hiện nghiệp vụ thu hộ ngân sách Nhà Nước. Xu hướng ngày càng nhiều các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên kết với ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán cho người dân, trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu như Điện lực Lâm Đồng, công ty cấp thoát nước, các công ty viễn thông; các doanh nghiệp, cửa hàng bán các sản phẩm, dịch vụ khác như bảo hiểm, máy móc phục vụ sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, truyền hình cáp… Ngoài ra, các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà Nước cũng đã ký kết thỏa thuận với hệ thống ngân hàng để trả lương qua tài khoản.

- Lợi thế về quy mô, mạng lưới hoạt động: Agribank là ngân hàng thương mại có hệ thống mạng lưới lớn nhất Việt Nam. Agribank Lâm Đồng hiện đang có 27 điểm giao dịch trên địa bàn, kết nối với hơn 2,300 điểm giao dịch khác trên cả nước tạo thành hệ thống trải rộng khắp nơi tới từng vùng, miền xa xôi. Đây là lợi thế cạnh tranh mà không một hệ thống ngân hàng nào có được, tạo nên điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tại Agribank Lâm Đồng, lượng khách hàng chủ yếu là nông dân và đa số đều có quan hệ vay vốn với ngân hàng. Các khoản thu nhập của họ ngoài việc ưu tiên trả nợ cho ngân hàng thì vẫn luôn phải có những khoản chi tiêu để duy trì, đảm bảo những điều kiện cần thiết trong sinh hoạt, trong các mối quan hệ thanh toán, vẫn phải đầu tư cho con cái… từ số tiền còn lại. Do đó, họ vẫn cần sử dụng những chức năng, tiện ích hiện đại để thuận tiện, hiệu quả hơn trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Đến khi trả hết nợ, họ có thể trở thành những khách hàng đã có mối quan hệ giao dịch với ngân hàng.

Có thể nói, cơ hội để phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Lâm Đồng là không nhỏ. Tuy nhiên, để có thể tận dụng, khai thác được những cơ hội, tiềm năng đang có cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Điều này đòi hỏi Agribank Lâm Đồng phải có chiến lược cụ thể, hợp lý để có thể khơi tăng và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)