Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của sinh viên trường đại học nông lâm bắc giang​ (Trang 29 - 33)

8. Cấu trúc luận văn

1.3.3. Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu

của sinh viên trường đại học

Đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong trường đại học có một số phương pháp đánh giá cơ bản thường được sử dụng như sau:

1.3.3.1. Về phương pháp đánh giá

- Phương pháp vấn đáp, đây là phương pháp nhằm kiểm tra những tri thức đã học, đã được củng cố, khái quát, hệ thống hoá. Qua câu trả lời của sinh viên mà giảng viên có thể đánh giá và họ tự kiểm tra, tự đánh giá những tri thức đã được lĩnh hội một cách kịp thời, nhanh gọn. Kiểm tra đánh giá bằng phương pháp vấn đáp (thi vấn đáp) thường là hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên dưới hình thức sinh viên bốc thăm câu hỏi hoặc giảng viên đặt câu hỏi, sau đó sinh viên trả lời trực tiếp bằng lời.

- Phương pháp trắc nghiệm khách quan. Trắc nghiệm khách quan là phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan (gọi là khách quan vì cách cho điểm (đánh giá) hoàn toàn không phụ thuộc vào người chấm).

- Phương pháp tự luận. Tự luận là phương pháp thi truyền thống nhất cho tất cả các môn thi, sinh viên làm bài thi trên giấy và các giảng viên sẽ chấm bài thi sau khi bài thi đã được rọc phách để đảm bảo tính khách quan.

- Phương pháp thực hành. Đây là phương pháp giảng viên tổ chức cho sinh viên tiến hành các hoạt động thực tiễn, từ đó thu được những thông tin về kĩ năng thực hành của sinh viên. Trong thực tiễn nhiều yếu tố của bài kiểm tra không thể kiểm tra trên giấy bút được nhưng có thể đo lường bằng công cụ và kĩ thuật quan sát. Việc xây dựng các bài kiểm tra thực hành và quan sát việc thực hành của sinh viên sẽ cho biết những thao tác và sản phẩm mà sinh viên thực hiện được.

Các bài tập thực hành sẽ thể hiện những gì mà người học phải làm và làm được. Thông qua các bài tập thực hành mà sinh viên thực hiện, giảng viên sẽ đánh giá được khả năng của sinh viên trong việc vận dụng lý thuyết vào những tình huống cụ thể.

1.3.3.2. Về hình thức đánh giá

Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ hiện nay, các hình thức kiểm tra đánh giá của mỗi học phần cũng như đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo, kết quả học tập của sinh viên được đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp (chuyên cần, thái độ, ý thức học tập,...); tự học ở nhà (qua nội dung phát biểu, thảo luận trên lớp; thời gian và chất lượng hoàn thành bài tập ở nhà do giảng viên giao); làm việc trong phòng thí nghiệm, đi thực tế; bài thi quá trình; bài thi kết thúc học phần.

- Đánh giá thường xuyên

Đánh giá thường xuyên được giảng viên tiến hành hàng ngày, nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học của cả giảng viên và sinh viên, thúc đẩy người học cố gắng, tích cực học tập một cách hệ thống và liên tục nhằm đạt được các chuẩn đầu ra của môn học. Đồng thời tạo điều kiện để quá trình dạy học chuyển sang bước phát triển cao hơn.

Kiểm tra hàng ngày được thực hiện qua quan sát, phát vấn, kiểm tra viết …một cách có hệ thống hoạt động học tập của sinh viên, qua việc nắm kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên theo các yêu cầu năng lực chuẩn đầu ra đã xác định. Thông qua phát vấn trong giảng dạy, giảng viên có thể theo dõi được mức độ hiểu bài của sinh viên, đánh giá được mức độ tiến bộ của người học khi họ trả lời câu hỏi, khi tham gia thảo luận nhóm, khi thực hiện các nhiệm vụ dạy học.

Đánh giá thường xuyên được giảng viên tiến hành một cách linh hoạt, cung cấp thông tin phản hồi cho giảng viên và sinh viên thấy được hiệu quả của quá trình dạy học. Hình thức đánh giá này thực hiện tốt chức năng hỗ trợ, điều chỉnh của đánh giá và hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của quá trình dạy học.

- Đánh giá giữa kỳ

Việc đánh giá định kì kết quả học tập của sinh viên được tiến hành sau từng giai đoạn học tập, thường được thực hiện sau khi học một phần, một chương hoặc giữa kì, để xác định và điều chỉnh lực học của sinh viên theo chuẩn. Đánh giá định kì cho phép cả giảng viên lẫn sinh viên nhìn lại kết quả làm việc sau một giai đoạn, một thời gian nhất định, thu thập sự phản hồi nhanh của sinh viên để giáo giảng viên có thể kịp thời bổ sung những phần kiến thức còn thiếu hụt của họ. Đồng thời giảng viên bổ sung thêm phần tài liệu còn thiếu và điều chỉnh nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với sinh viên ở các giai đoạn khác nhau. Hình thức đánh giá này cũng cung cấp thông tin cho các cấp quản lý chỉ đạo để quản lý quá trình học tập của sinh viên và giảng dạy của giảng viên. Đánh giá định kì thường sử dụng các phương pháp như: kiểm tra vấn đáp, bài tập thực hành, kiểm tra tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan.

- Đánh giá tổng kết môn học

Đánh giá tổng kết được thực hiện vào cuối môn học nhằm so sánh kết quả học tập của sinh viên với chuẩn đầu ra yêu cầu đặt ra trong môn học về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên cần đạt được.

Hình thức đánh giá này thường được tổ chức nghiêm ngặt theo quy trình thi hết môn, hết kỳ để xác định mức độ mà người học đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra hay xếp loại theo mục đích nào đó. Các kết quả đánh giá này rất quan trọng đối với sinh viên vì nó tác động trực tiếp tới việc xếp loại, khen thưởng, công nhận đạt hay không đạt sau một quá trình học…

- Đánh giá thực tập

Đánh giá thực tập là một hình thức đặc biệt của đánh giá tổng kết, thường diễn ra vào cuối khóa đào tạo, là hoạt động áp dụng lý thuyết, kiến thức đã học vào thực tiễn, qua đó củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng, thái độ của sinh viên trước khi tốt nghiệp.

Mỗi sinh viên trước khi tốt nghiệp phải được tham gia thực tập tại cơ sở thực tập cụ thể phù hợp với ngành và chương trình đào tạo.

Thời gian và các giai đoạn thực tập: Thời gian thực tập thường là 16 tuần, trong đó có 01 tuần chuẩn bị (đăng ký thực tập, phân công hướng dẫn, báo cáo chuyên đề mới...) và 15 tuần thực tập chính. 15 tuần thực tập chính được chia thành 02 giai đoạn: (1) Thực tập giai đoạn 1 (không ít hơn 4 tuần) và (2) Thực tập giai đoạn 2 chuyên sâu (không ít hơn 8 tuần); hai giai đoạn có thể liên tục hoặc tách rời nhau.

Thực tập giai đoạn 1: sinh viên phải đến, thực tập theo phân công, hướng dẫn của cơ sở thực tập; kết thúc thực tập tổng hợp, sinh viên phải có nhận xét của cơ sở thực tập, viết “Báo cáo thực tập tổng hợp” và thu thập, tổng hợp tài liệu, dự kiến tên đề tài “Chuyên đề thực tập tốt nghiệp”.

Thực tập giai đoạn 2: theo hướng dẫn của giảng viên, sinh viên hoàn thành đề cương chi tiết đề tài lựa chọn và viết “Chuyên đề thực tập tốt nghiệp”.

Quá trình thực tập sinh viên cần thực hiện đầy đủ kế hoạch và nhật ký thực tập, nghiêm túc chấp hành quy định của cơ sở thực tập, hướng dẫn của giảng viên, đáp ứng đúng tiến độ và yêu cầu của kế hoạch thực tập.

- Nhận xét đánh giá của cơ sở hoặc cá nhân tiếp nhận thực hành, thực tập, rèn luyện kỹ năng bổ trợ.

- Các minh chứng về việc sinh viên tham gia quá trình thực tập, phát triển kỹ năng chuyên môn, hoạt động ngoại khoá… các hoạt động phát triển kỹ năng nghề.

- Báo cáo tổng kết trong hồ sơ thực tập của mỗi sinh viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của sinh viên trường đại học nông lâm bắc giang​ (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)