Khái quát chung về khách thể nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của sinh viên trường đại học nông lâm bắc giang​ (Trang 52 - 56)

8. Cấu trúc luận văn

2.1. Khái quát chung về khách thể nghiên cứu

2.1.1. Khái quát về Đại học Nông - Lâm Bắc Giang

Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được thành lập theo Quyết định số 133/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 01 năm 2011. Tiền thân là Trường Trung cấp Nông nghiệp Trung ương được thành lập năm 1959. Năm 1999 trường nâng cấp lên Cao đẳng với tên gọi là Trường Cao đẳng Nông Lâm Bắc Giang. Đến nay Trường tuy mới đào tạo đại học được 9 năm nhưng được kế thừa kinh nghiệm, cơ sở vật chất và đội ngũ của 60 năm đào tạo trung cấp và cao đẳng.

Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học và công nhân nghề về kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đáp ứng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó nhà trường còn có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang có sứ mạng đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý kinh tế; quản lý tài nguyên môi trường. Cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Hiện nay, Trường đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học, cao đẳng theo các loại hình đào tạo Chính quy, vừa làm vừa học và liên kết đào tạo. Trường có 04 ngành đào tạo thạc sĩ; 13 chuyên ngành đào tạo đại học, Trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.1.2. Mục tiêu đào tạo của trường

Trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của Trường được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo quy định tại Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, cụ thể như “đào tạo kỹ năng đảm bảo cho sinh viên sau khi ra trường có đầy đủ năng lực (bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng tổ chức quản lý quá trình sản xuất) có thể đáp ứng yêu cầu công việc thuộc vị trí được phân công, coi đó là điểm đặc thù, là bản sắc của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, đảm bảo cho trường phát triển một cách độc lập bền vững”

2.1.3. Quy mô đào tạo của trường

Khi mới được thành lập, Trường có 4 ngành đào tạo đại học gồm Kế toán, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi và Quản lý đất đai. Đến nay, Trường đã tổ chức đào tạo 4 ngành thạc sĩ, 13 chuyên ngành đại học; 6 chuyên ngành đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, Trung cấp lên Đại học và Cao đẳng lên Đại học. Trường đã công bố chuẩn đầu ra cho 100% chuyên ngành đào tạo trước toàn xã hội và đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá lần 1 vào tháng 5 năm 2014.

Qua 9 năm xây dựng và phát triển, Trường hiện có 7 khoa (có 6 khoa chuyên môn, 01 khoa cơ bản), 4 trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, phục vụ, tổ chức đào tạo. Trường đã tuyển sinh được 04 khóa thạc sĩ với gần 500 học viên; 9 khóa đại học, 7 khóa cao đẳng và 7 khóa đào tạo vừa làm vừa học với gần 10. 000 sinh viên. Trường đã có 06 khóa tốt nghiệp đã cung cấp cho xã hội hơn 2000 kỹ sư.

Trường đã tiến hành ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng với nhiều doanh nghiệp và tập đoàn trong và ngoài nước về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Điều này chứng tỏ sự tín nhiệm ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với chất lượng đào tạo của Trường.

Trường đã tiến hành xây dựng và chuyển đổi đào tạo theo học chế tín chỉ. Chương trình đào tạo được tái cấu trúc theo định hướng ứng dụng, chú trọng tăng tỷ trọng kiến thức thực hành với tỉ lệ trung bình của các ngành đào tạo là 60% lý thuyết và 40% thực hành, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Nhà trường đã chủ trương hợp tác liên kết với các trường đại học tiên tiến, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2.1.4. Tổ chức bộ máy của trường

Cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang được thực hiện theo Điều lệ Trường Đại học và Quy định của Bộ NN&PTNT, phù hợp với sự phát triển của Nhà trường. Tại thời điểm hiện tại, cơ cấu tổ chức của Nhà trường gồm: Hội đồng Trường; Ban Giám hiệu; 6 Phòng chức năng; 7 khoa; 4 trung tâm, 01 Trường THPT và các hội đồng. Hội đồng Trường thành lập ngày 12/11/2014 và đã có Quy chế Hoạt động. Đảng bộ Trường trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Tỉnh Bắc Giang. Các tổ chức Đoàn thể trong Trường được thành lập theo đúng quy định của pháp luật và có quy chế hoạt động của từng tổ chức đoàn thể.

Nhà trường có tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh được thành lập theo đúng quy định hiện hành. Tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn TNCSHCM đều có hệ thống văn bản tổ chức và quản lý theo đúng quy định của pháp luật và được sự phê chuẩn của tổ chức cấp trên theo đúng quy định của từng tổ chức đoàn thể. Đảng bộ Nhà trường trực thuộc Đảng bộ Các cơ quan Tỉnh Bắc Giang. Công đoàn Trường trực thuộc công đoàn ngành NN&PTNT, Đoàn thanh niên của Nhà trường trực thuộc Tỉnh đoàn Bắc Giang.

2.1.5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của trường

Đội ngũ CBQL của Nhà trường gồm 68 người trong đó có 3 người trong Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng), 1 Chủ tịch Hội đồng Trường; 42 cán bộ lãnh đạo các phòng/khoa/Trung tâm; 22 Trưởng/phó/phụ trách Bộ môn và các tổ chuyên môn. Có 66 cán bộ quản lý chủ chốt (97%) có trình độ sau đại học (trong đó có 01 Phó giáo sư, 28 TS); có 26 cán bộ quản lý là nữ (chiếm tỷ lệ 38,2 %).

Nhà trường có 155 giảng viên cơ hữu, trong đó có 02 phó giáo sư, 33 TS, 116 ThS và 04 giảng viên trình độ đại học. Tỷ lệ giảng viên đạt trình độ TS cao (21,6 %). Trong số đội ngũ giảng viên cơ hữu có 28 giảng viên được đào tạo từ nước ngoài. Hiện tại, có 24 cán bộ, giảng viên đang theo học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. 100% giảng viên được bố trí giảng dạy theo đúng chuyên ngành đào tạo. Cơ cấu chuyên môn của các giảng viên phù hợp với nhiệm vụ đào tạo. 100 % giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Bảng 2.1. Tình hình đội ngũ CBQL, GV của trường

TT Trình độ / học vị Số lượng Tỷ lệ (%) Phân theo

giới tính Phân theo tuổi (người) Nam Nữ < 30 30-40 41-50 51-60 > 60

1 Giáo sư, Viện sĩ - - - - - - - - -

2 Phó Giáo sư 2 1,3 1 1 - - - - 2 3 Tiến sĩ khoa học - - - - - - - - - 4 Tiến sĩ 33 21,3 28 5 - 19 4 6 4 5 Thạc sĩ 116 74,8 30 86 23 79 6 7 1 6 Đại học 4 2,6 1 3 1 1 1 1 7 Cao đẳng - - - - - - - - - 8 Trung cấp - - - - - - - - - 9 Trình độ khác - - - - - - - - - Tổng 155 100,0 60 95 24 118 11 14 7

(Nguồn: Phòng TCHC , phân loại CBQL, GV, NV nhà trường tính đến tháng 3 năm 2020)

Ngoài ra nhà trường có đội ngũ chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên được bố trí làm việc tại các phòng thực hành, phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất của Nhà trường phục vụ hoạt động đào tạo và NCKH.

Qua bảng 2.1 cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học của nhà trường (97,4%) nằm ở mức trung bình cao trong hệ thống các trường đại học trong cả nước. Chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời điểm hiện tại. Trong định hướng phát triển những năm tiếp theo nhà trường tiếp tục quan tâm, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của sinh viên trường đại học nông lâm bắc giang​ (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)