7. Kết cấu của luận văn
3.3.3 Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính
Nguồn lực tài chính hiện tại của Công ty là khá mạnh, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng một số vấn đề cần phải xử lý. Với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ cùng ngành trên địa bàn và thậm chí từ các địa phương lân cận, bên cạnh đó là áp lực từ xu thế đổi mới, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ sở vững chắc để triển khai các giải pháp khác đạt hiệu quả, Công ty cần giải quyết một số nội dung sau
Thứ nhất, về vấn đề thu hồi vốn. Công ty phải theo dõi chặt chẽ các khoản nợ phải thu. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ theo đúng thời hạn đã thống nhất trên hợp đồng hạn chế tối đa tình trạng bị chiếm dụng vốn, thất thoát vốn. Hiện nay, khoản công nợ phải thu của Công ty cao hơn khá nhiều so với khoản phải trả, điều này khiến Công ty mất đi cơ hội đầu tư từ khoản tiền đó như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư máy móc thiết bị phục vụ công tác, … Công ty nên nghiên cứu để đưa vào hợp đồng điều khoản về ưu đãi mà khách hàng sẽ nhận được khi thanh toán đúng thời hạn. Bên cạnh đó, Công ty cũng cần đào tạo để các nhân viên làm công tác thu hồi nợ phải khóe léo, tinh tế trong giao tiếp và làm việc để vừa có thể thu hồi nợ, vừa không tạo sự khó chịu cho khách hàng nhất là các khách hàng lớn, khách hàng là cơ quan quản lý thành phố, quản lý huyện.
Thứ hai, về vấn đề huy động vốn. Để thực hiện được những kế hoạch về đầu tư phát triển trong tương lai thì Công ty cần phải có những phương án chuẩn bị về nguồn vốn. Lượng vốn đầu tư mà Công ty huy động được cần được quản lý tốt và có những tính toán và phân tích đầu tư tối ưu. Huy động vốn sẽ được thực hiện theo các giải pháp sau
- Huy động vốn vay từ các sản phẩm tín dụng của các ngân hàng. Bộ phận tài chính cần phải tìm kiếm, tham khảo mức lãi suất từ nhiều ngân hàng khác nhau để tìm ngân hàng có mức lãi suất cho vay phù hợp nhất. Thiết lập và củng cố mối
quan hệ tốt đẹp với các ngân hàng thương mại, mở rộng và tăng nguồn vốn tín dụng, cố gắng đảm bảo duy trì hạn mức tín dụng hợp lý
- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt các thông tin, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án về môi trường từ các tổ chức, cơ quan nhà nước.
- Ngoài ra, Công ty cũng có thể huy động vốn thông qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu. Hình thức này giúp Công ty giảm đi gánh nặng lãi vay tuy nhiên cũng mang lại nhiều áp lực về kết quả kinh doanh và cổ tức với các cổ đông.
Thứ ba, về biện pháp tiết kiệm chi phí. Tiết kiệm chi phí là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng giá cả cạnh tranh. Việc thực hiện chính sách tiết kiệm chi phí cần có sự kết hợp của các bộ phận.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý nhằm giảm chi phí,tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bổ sung đầy dủ nhân lực theo định hướng sử dụng lao động thời vụ; tiến hành sắp xếp cải tiến công việc, định mức lại công việc và thực hiện khoán chi phí cho các Chi nhánh. Xí nghiệp, Nhà máy.
- Ban hành các định mức về nguyên vật liệu, nhiên liệu, công cụ dụng cụ, bảo hộ lao động, mức tiêu thụ điện, nước, văn phòng phẩm hoặc đưa ra hạn mức chi phí ở từng bộ phận. Sau khi ban hành các định mức trên cần phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh sao cho hợp lý và sát thực tế.
- Nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân viên trong việc thực hiện tiết kiệm, biết giữ, bảo quản và sử dụng có hiệu quả tài sản của Công ty. Có các hình thức ghi nhận, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể khi thực hiện tiết kiệm hiệu quả so với các định mức được ban hành.
- Xây dựng các quy chế về quản lý và sử dụng tài sản, vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành các quy chế nội bộ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cơ sở để đẩy mạnh hiệu quả quản lý doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong đó, Công ty đã ban hành Quy chế sửa chữa tài sản thiết bị, phương tiện vận chuyển; Quy định Quản lý đầu tư mua sắm. Đồng thời, Công ty phải thường xuyên cho ra soát lại tài sản, trang thiết bị hiện tại xem có cái nào không còn sử dụng hiệu quả thì làm đề xuất thanh lý để
vừa thu hồi vốn, vừa không phải tốn công theo dõi bảo quản, nhất là đối với các xe chuyên dùng.
- Tiết kiệm chi phí phải tuân theo nguyên tắc, cắt giảm những khoản chi không hợp cần thiết, bất hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
* Dự kiến kết quả đạt được
Thực hiện tốt giải pháp trên sẽ giúp cho Công ty nâng cao khả năng thu hồi công nợ cũng như tránh được các khoản nợ xấu, khó đòi. Bên cạnh đó Công ty cũng sẽ có nhiều hơn những phương án huy động và thu hút vốn khi có kế hoạch đầu tư. Năng lực tài chính được nâng cao sẽ giúp cho Công ty chủ động hơn khi thực hiện các quyết định đầu tư kinh doanh hiệu quả, kịp thời và vững chắc trong nền kinh tế thị trường nhiều biến động và khó lường như hiện nay.