NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần bọc ống dầu khí việt nam (Trang 25 - 29)

Hình 2.5 : Diễn biến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh

9. Kết cấu của đề tài

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP

1.1.1. Khái niệm về vốn và các đặc trưng cơ bản của vốn

Muốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải có vốn, trong nền kinh tế thị trường, vốn là điều kiện cần, là nguồn lực để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vốn được tiếp cận và luận giải với nhiều quan điểm, cụ thể:

Theo K.Marx thì vốn (tư bản) là: “giá trị đem lại giá trị thặng dư, là một đầu vào của quá trình sản xuất”. K.Marx quan niệm rằng chỉ có khu vực sản xuất vật chất mới tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế.

Theo các nhà kinh tế học của trường phái tân cổ điển như A.Samuelson và David Begg thì: “Vốn được hiểu là các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh”. (Nguyễn Đăng Hạc – 2001, Tài chính doanh nghiệp, NXB Xây dựng – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội).

Theo David Begg (Giáo sư Kinh tế học trường Tổng hợp London - Anh); Stanley Fischer (Giáo sư Kinh tế học, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel) và Rudiger Dornbusch (Giáo sư Kinh tế học Học viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ) trong cuốn “Kinh tế học” phiên bản thứ 8 (được dịch và xuất bản bởi NXB Thống kê, năm 2008): “Vốn là một loại hàng hoá nhưng được sử dụng tiếp tục vào quá trình sản xuất kinh doanh tiếp theo”. Có hai loại vốn là vốn hiện vật và vốn tài chính. Vốn hiện

vật là dự trữ các loại hàng hoá đã sản xuất ra các hàng hoá và dịch vụ khác. Vốn tài chính là tiền mặt, tiền gửi ngân hàng... Đất đai không được coi là vốn.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế học hiện nay thì: Vốn là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản của doanh nghiệp dùng cho quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm tài sản hiện vật như nhà xưởng, đất đai, vật kiến trúc, vật tư hàng hoá, máy móc thiết bị…; tài sản tiền tệ như tiền bạc, tài sản tài chính….và cả những tài sản vô hình như chất xám, quyền sở hữu công nghệ, uy tín doanh nghiệp, nhãn mác độc quyền.

Với cách tiếp cận về vốn mà nghiên cứu sử dụng, vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có một số đặc trưng sau:

 Thứ nhất, vốn phải đại diện cho một lượng giá trị tài sản dùng để sản xuất ra một lượng giá trị các sản phẩm. Vốn hay tài sản của doanh nghiệp phản ánh hai mặt khác nhau của cùng một vấn đề: vốn phản ánh về mặt giá trị các nguồn lực, còn tài sản phản ánh về mặt hiện vật các nguồn lực đó;

 Thứ hai, vốn phải vận động và sinh lời. Trong quá trình vận động không ngừng của hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng vốn có thể thay đổi hình thái biểu hiện nhưng điểm cuối cùng của vòng tuần hoàn phải là giá trị, là tiền. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, gia tăng giá trị doanh nghiệp, nên đòi hỏi vốn kinh doanh không chỉ vận động mà còn phải sinh lời;

 Thứ ba, vốn phải được tích tụ tập trung đến một lượng nhất định mới có thể phát huy tác dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn cần phải đạt một quy mô đủ lớn thì mới có thể hoạt động sinh lời. Do đó, doanh nghiệp cần xác định chính xác nhu cầu vốn, khai thác các tiềm năng về vốn, thu hút các nguồn vốn;

 Thứ tư, vốn có giá trị về mặt thời gian. Điều này có nghĩa là phải xem xét giá trị thời gian của đồng vốn, đồng vốn ở các thời điểm khác nhau có giá trị không giống nhau. Vì tiền có giá trị về mặt thời gian, tiền là biểu hiện của vốn, do vậy vốn cũng có giá trị thời gian.

 Thứ năm, vốn phải gắn với chủ sở hữu. Mỗi đồng vốn đều có chủ sở hữu nhất định. Khi đồng vốn gắn với chủ sở hữu nhất định thì mới hướng người quản trị doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn, tránh chi tiêu lãng phí, kém hiệu quả.

1.1.2. Phân loại vốn

Trong công tác quản lý, căn cứ vào những tiêu thức nhất định, có thể phân loại vốn của doanh nghiệp thành những loại khác nhau. Mỗi cách phân loại đều nhằm đạt những mục tiêu trong công tác quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Theo TS.Đàm Văn Huệ (2006, Hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân), thông thường, có những cách phân loại vốn như sau:

1.1.2.1. Căn cứ vào đặc điểm luân chuyển vốn:

Căn cứu vào đặc điểm luân chuyển, vốn được chia thành vốn cố định và vốn lưu động.

Vốn cố định (VCĐ): Là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định (TSCĐ) trong doanh nghiệp. Đây là số vốn đầu tư để mua sắm, lắp đặt, xây dựng các TSCĐ để phục vụ sản xuất kinh doanh. Số vốn này mang tính đầu tư ứng trước, số vốn này nếu sử dụng có hiệu quả sẽ không mất đi, doanh nghiệp sẽ thu hồi lại được khi nó chuyển dần một phần giá trị vào sản phẩm hay dịch vụ. Chính vì vậy, quy mô của VCĐ nhiều hay ít sẽ quyết định quy mô của TSCĐ và ảnh hưởng đến trình độ trang bị TSCĐ cho sản xuất kinh doanh. VCĐ có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp vì quy mô của nó quyết định đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Từ những đặc điểm và vai trò của VCĐ mà doanh nghiệp phải có biện pháp để quản lý và sử dụng VCĐ hiệu quả.

Vốn lưu động (VLĐ): Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh, ngoài TSCĐ còn có các tư liệu sản xuất khác như công cụ nhỏ thường dung, nguyên nhiên vật liệu, ban thành phẩm; các tài sản lưu động (TSLĐ) như tiền, sản phẩm hàng hoá dự trữ chờ tiêu thụ, chứng khoán ngắn hạn… Các tài sản này về hình thái hiện vật được gọi là TSLĐ, còn về hình thái giá trị được gọi là VLĐ. Như vậy, VLĐ của doanh nghiệp là một bộ phận của vốn được ứng trước để hình thành nên TSLĐ nhằm đảm bảo

quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên, liên tục. Với các đặc trưng của VLĐ, việc huy động, quản lý và sử dụng VLĐ hiệu quả và hợp lý là điều mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần quan tâm.

1.1.2.2. Căn cứ vào nguồn hình thành:

Căn cứ vào nguồn hình thành, vốn được chia thành vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu: Là phần vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, bao gồm: vốn điều lệ, vốn tự bổ sung từ lợi nhuận và các quỹ của doanh nghiệp, vốn tài trợ của Nhà nước, trong đó: (1) Vốn điều lệ, là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp. (2) Vốn tự bổ sung, là vốn do doanh nghiệp tự bổ sung từ nội bộ doanh nghiệp, chủ yếu được lấy từ lợi nhuận để lại của doanh nghiệp, được thực hiện dưới hình thức lấy một phần từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khấu hao…Vốn chủ sở hữu rất quan trọng, có tính ổn định cao, thể hiện quyền tự chủ về tài chính của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn, sự độc lập về tài chính của doanh nghiệp càng cao và ngược lại.

Nợ phải trả: Là các khoản nợ phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán cho các tác nhân kinh tế, bao gồm: (1) Vốn vay, là vốn mà doanh nghiệp có thể vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, các cá nhân hay các đơn vị kinh tế độc lập nhằm tạo lập và tăng thêm nguồn vốn. (2) Vốn chiếm dụng hợp pháp, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có mối quan hệ thanh toán với các chủ thể kinh tế khác nhau như: Nhà nước, CBCNV, khách hàng, người bán…, từ đó phát sinh tình trạng vốn chiếm dụng và vốn bị chiếm dụng.

1.1.2.3. Căn cứ vào phạm vi huy động:

Căn cứ vào phạm vi huy động, vốn được chia thành vốn bên trong và vốn bên ngoài doanh nghiệp.

Vốn bên trong doanh nghiệp: Là nguồn vốn có thể huy động được từ bản thân doanh nghiệp, bao gồm: tiền khấu hao TSCĐ, lợi nhuận để lại, các khoản dự phòng, thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ…

Vốn bên ngoài doanh nghiệp: Là nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể huy động từ bên ngoài bao gồm: vốn liên doanh liên kết, vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác, vốn huy động từ phát hành trái phiếu, nợ nhà cung cấp và các khoản nợ khác…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần bọc ống dầu khí việt nam (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)