2.1. Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai
2.1.1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai giai đoạn2015-2017 2015-2017
Đến cuối năm 2017, tình hình kinh tế của tỉnh Gia Lai đã phát triển đúng hướng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không cao như năm 2015 nhưng vẫn duy trì được sự ổn định trong năm 2016 và 2017. Các chỉ số tăng trưởng tổng quát thể hiện trong bảng 2.1 sau đây:
Bảng 2.1: Chỉ số phát triển GDP toàn tỉnh Gia Lai
ĐVT: %
Chỉ tiêu Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
Tổng GDP toàn tỉnh 12.98 7.48 7.81 - Ngành Nông lâm nghiệp – thủy sản 7.47 5.40 6.51 - Ngành Công nghiệp – xây dựng 14.69 8.53 7.94 - Ngành dịch vụ 16.21 8.40 8.75
(Nguồn: Báo cáo tình hình thực hiện công tác các năm 2015-2017 của UBND tỉnh Gia Lai)
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 3 năm 2015-2017 đạt 9.42%/năm. Theo báo cáo, năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7.81%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý. Sản xuất nông – lâm nghiệp - thủy sản phát triển ổn định và tương đối toàn diện. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng. Tình hình kêu gọi đầu tư có khởi sắc, năm 2017 có 610 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 3,387 tỷ đồng. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh có nhiều kết quả, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, đầu tư hạ tầng...
Về cơ cấu kinh tế đã có cự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ có xu hướng tăng lên, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp – thủy sản giảm dần. Tuy nhiên tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra còn chậm. Bảng 2.2 phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành trong 3 năm qua:
Bảng 2.2: Cơ cấu GDP theo ngành toàn tỉnh Gia Lai
ĐVT: %
Chỉ tiêu Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
Cơ cấu kinh tế 100 100 100
- Ngành Nông lâm nghiệp – thủy sản 40.04 39.41 38.75 - Ngành Công nghiệp – xây dựng 26.77 27.40 27.73 - Ngành dịch vụ 33.19 33.19 33.52
(Nguồn: Báo cáo tình hình thực hiện công tác các năm 2015-2017 của UBND tỉnh Gia Lai)
Đối với ngành nông lâm nghiệp – thủy sản: Nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 6.46%/năm. Sản xuất nông lâm nghiệp có bước phát triển tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung các cây trồng có lợi thế, phát triển chăn nuôi, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả.
Giá trị sản xuất năm 2017 khu vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản ước đạt 24,524 tỷ đồng, bằng 98.7% kế hoạch, tăng 4.58% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 526,385 ha, đạt 102.15% kế hoạch, tăng 3%. Tổng sản lượng lương thực đạt 536,540 tấn, bằng 94.68% kế hoạch, giảm 2.88% (trong đó cây lúa năng suất 4.38 tấn/ha, sản lượng 318,955.7 tấn, giảm 4.25% so với cùng kỳ). Trong năm không để sâu bệnh, dịch hại lây lan thành dịch trên địa bàn.
Đối với ngành công nghiệp: Trong 3 năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc, đạt mức tăng trưởng khá cao, bình quân 10.39%/năm.
Đã tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế như: Chế biến nông lâm sản, thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng, cùng với đổi mới công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khu Công nghiệp Nam Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đang triển khai lập quy hoạch chi tiết. Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Đa và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, hiện có 39 nhà đầu tư triển khai 44 dự án (có 4 dự án FDI) tại Khu Công nghiệp Trà Đa với tổng vốn đăng ký 1,324 tỷ đồng (đã thực hiện 1,013 tỷ đồng); có 37 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1,794 lao động với mức lương bình quân 4.9 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất trong khu công nghiệp năm 2016 ước đạt 1,328 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 38 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 51 dự án, phần lớn là các dự án có quy mô nhỏ, kinh doanh dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng nông sản.
Các ngành dịch vụ: Có mức tăng trưởng khá cao so với 2 ngành kinh tế trên, bình quân trong 3 năm 2015 – 2017 tăng 11.12%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 44,350 tỷ đồng, đạt 100.3% kế hoạch, tăng 16.7% so với cùng kỳ. Nhìn chung lượng hàng hoá dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày căng cao của nhân dân, nhất là trong dịp lễ tết. Thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng phong phú, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa, biên giới. Nhiều dịch vụ thương mại, bán lẻ chất lượng cao, mua sắm qua mạng phát triển.
Các ngành dịch vụ khác như: Vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm… đã có những bước phát triển nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế – xã hội của Gia Lai. Các hoạt động dịch vụ sản xuất như thuỷ lợi, vận chuyển, vật tư… đã góp phần phục vụ sản xuất tốt hơn. Hệ thống dịch vụ được hình thành với các hình thức phục vụ năng động, phù hợp với yêu cầu sản xuất và đời sống. Đặc biệt là các hoạt động dịch vụ cơ giới trong các khâu làm đất, tưới tiêu, vận chuyển sản phẩm… ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung.