Nguyên nhân từ môi trường chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh diên hồng đông gia lai (Trang 75 - 78)

- Nền kinh tế tỉnh Gia Lai tuy mức độ tăng trưởng những năm gần đây rất ổn định nhưng đi từ điểm xuất phát thấp, chứa đựng nhiều yếu tố kém bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương cũng chưa phát triển như ở các thành phố lớn. Đây là khó khăn mang tính bao trùm, tác động đến nhiều mặt hoạt động kinh doanh ngân

hàng đặc biệt là chất lượng các khoản đầu tư tín dụng trên địa bàn hoạt động của chi nhánh.

- Thị trường hàng hóa nông sản thế giới nhìn chung đang ở vào giai đoạn cung vượt cầu, nên giá cả một số mặt hàng nông sản biến động lớn. Đặc biệt đối với cà phê, hồ tiêu, cao su là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai bị sụt giá kéo dài nhiều năm, đơn cử như mặt hàng nông sản cà phê nhân năm 2016 đạt mức bình quân 45 – 46 triệu đồng/ 1 tấn thì sang năm 2017 bị giảm xuống còn dưới 40 triệu đồng/ 1 tấn, gây khó khăn, thua lỗ cho cả người sản xuất lẫn các nhà kinh doanh.

- Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và diễn biến thời tiết đặc trưng của địa phương như một năm chia làm 02 mùa rõ rệt là 06 tháng mùa mưa và 06 tháng mùa khô kéo dài. Năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng thiên tai, hạn hán và sâu hại, dịch bệnh vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất.

- Các biện pháp hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp như: khuyến nông, thông tin thị trường và dự báo để định hướng sản xuất còn yếu. Hệ quả là người sản xuất cứ chạy theo giá cả thị trường hiện tại, khi có nhiều người đến mua và được giá thì đẩy mạnh sản xuất, chặt phá cây con khác để sản xuất trong khi không quan tâm gì đến thông tin và dự báo thị trường thế giới, đơn cử như mặt hàng nông sản hồ tiêu giai đoạn 2012 – 2014 rất được giá, cao điểm nhất là vào năm 2014, giá hồ tiêu lên đến đỉnh điểm trên 200 ngàn đồng/ 1kg, vì vậy người dân đổ xô phá bỏ hoặc giảm bớt các loại cây trồng truyền thống như cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu, hệ quả là đến thời điểm năm 2017, giá cả hồ tiêu giảm thấp, bên cạnh đó hồ tiêu bị dịch bệnh, mất mùa đã khiến không ít người nông dân lao đao, thậm chí là phá sản vì đi vay ngân hàng để đầu tư nhưng không thu lại được vốn. Doanh nghiệp xuất khẩu thì tách rời với sản xuất, khi tìm được thị trường thì tranh mua, nâng giá nhưng khi khó khăn thì ép giá, ép phẩm cấp… không gắn bó và quan tâm đến nguồn hàng, thiếu thông tin và hướng dẫn cho nông dân sản xuất. Cuối cùng thì

nông dân cứ dựa vào điều kiện sẵn có để sản xuất, nhà xuất khẩu phải đi tìm thị trường để tiêu thụ những sản phẩm đã có. Do vậy khi thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới biến động bất lợi thì nông dân phải chịu thiệt hại và kéo theo ngân hàng cũng phải gánh chịu rủi ro qua quá trình đầu tư vốn.

- Quá trình quản lý của nhà nước về kinh tế còn hạn chế trên một số mặt, biểu hiện:

+ Công tác quy hoạch theo vùng, tiểu vùng để phát triển các loại cây con chưa cụ thể, sát thực tế, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Nhiều cây trồng phát triển tự phát vượt quy hoạch, ví dụ như cây cà phê trong thời kỳ được giá đã được trồng ồ ạt trên cả những vùng đất không phù hợp, cách xa nguồn nước; mặt khác giống và kỹ thuật chăm sóc không được hướng dẫn, không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến năng suất thấp. Khi giá cà phê, giá hồ tiêu sụt giảm người trồng không có khả năng chống đỡ, bị thua lỗ nặng, làm ảnh hưởng đến vốn vay ngân hàng.

+ Quá trình tổ chức phát triển kinh tế hợp tác còn chậm và kém hiệu quả. Khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân còn bỏ ngõ, chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo chủ trương của chính phủ chậm được triển khai làm giảm hiệu lực của chính sách và không tạo được cơ sở liên kết để phát triển sản xuất ổn định, bền vững ...

+ Việc cấp quyền sở hữu tài sản trên đất là vườn cây lâu năm, rừng trồng,... còn nhiều vướng mắc, tuy đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất lên các cấp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

+ Việc thực hiện chế độ kế toán, thống kê của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa rõ ràng, minh bạch còn mang tính hình thức và chủ yếu là đối phó với cơ quan thuế của nhà nước. Các quy định về kiểm toán chưa có giá trị bắt buộc thi hành, nên thông tin về tài chính thường thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp, là những khó khăn làm tăng thêm rủi ro cho tín dụng ngân hàng.

- Hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu còn thấp, quá trình xử lý của các cơ quan pháp luật trong các tranh chấp kinh tế thường chậm và kéo dài. Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ vay còn nhiều vướng mắc, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh diên hồng đông gia lai (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)