của ngân hàng
Rủi ro cho vay có thể xuất phát từ những phân tích và thẩm định lúc cho vay không cẩn trọng và thiếu chính xác. Đây là bước cực kỳ quan trọng và đảm bảo hạn chế rủi ro cho vay với hiệu quả cao nhất, ít tổn thất nhất. Do vậy yêu cầu của công tác thẩm định tín dụng là phải tìm hiểu và đánh giá xác thực về người vay trên các phương diện như: tư cách, khả năng tài chính, năng lực hoạt động sản xuất kinh
doanh... đồng thời xem xét, đánh giá tính khả thi và hiệu quả mang lại từ các dự án, phương án vay vốn của khách hàng để đảm bảo rằng: các khoản vốn được cho vay ra sẽ có khả năng và cơ hội tốt nhất trong việc thu hồi lại chúng. Tổ chức tốt công tác thẩm định sẽ giúp ngân hàng lựa chọn và thiết lập được danh mục các khoản vay tốt, đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để kiểm soát và hạn chế rủi ro. Đây là giải pháp quan trọng trong quá trình tổ chức nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. Giải quyết các đòi hỏi này chi nhánh cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng nâng cao năng lực thẩm định cho đội ngũ cán bộ tín dụng, đặc biệt là kỹ năng và kinh nghiệm phân tích: điều cần thiết là cán bộ tín dụng phải được trang bị kiến thức nghiệp vụ rộng, có đạo đức nghề nghiệp, có trực giác tốt, nhạy bén trong việc đánh giá tư cách người vay và tính khả thi của dự án, phương án vay vốn. Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về nội dung và quy trình thẩm định đã được ban hành trong hệ thống Agribank.
Thứ hai, xem xét tư cách đạo đức người vay: Phản ánh mục đích vay vốn, tính trung thực và phẩm chất đạo đức, uy tín của người đi vay. Điều quan trọng hơn là tư cách của người vay còn thể hiện bằng thái độ trách nhiệm đối với khoản vay và thiện chí, nỗ lực trong việc hoàn trả nợ của người đi vay. Do vậy tư cách người vay là nội dung đầu tiên và quan trọng nhất cần phải được thẩm định kỹ lưỡng trong thực tế, để làm cơ sở cho việc quyết định thiết lập mối quan hệ tín dụng đối với người vay.
Thứ ba, khả năng hoàn trả nợ vay: Đánh giá chính xác khả năng hoàn trả nợ vay là nội dung cốt lõi trong quá trình thẩm định. Cần lưu ý rằng khoản vay được hoàn trả không phải bằng lợi nhuận trong quá khứ mà bằng lợi nhuận và các luồng thu nhập phát sinh trong tương lai của khách hàng vay. Do vậy quá trình thẩm định không chỉ tập trung đánh giá thực trạng tài chính của người vay mà quan trọng hơn là phải phân tích chính xác các phương án dự báo về tài chính trong tương lai của khách hàng. Tùy theo đặc điểm của từng loại khách hàng và các dự án, phương án vay vốn mà quá trình thẩm định cần vận dụng các phương pháp, kỹ năng phân tích
phù hợp để có đánh giá và kết luận chính xác về tình hình tài chính của khách hàng vay cũng như tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án xin vay.
Thứ tư, xác định mức vốn cho vay hợp lý: Là nội dung cần thiết để đảm bảo mức vốn cho khách hàng vay sử dụng có hiệu quả, có độ an toàn vốn cao. Trường hợp mức vay không đủ để thực hiện phương án sẽ khó khăn cho khách hàng trong cân đối nguồn vốn, khả năng trả nợ vay có thể bị ảnh hưởng; ngược lại nếu cho vay vượt quá nhu cầu cần thiết và khả năng quản lý kinh doanh của khách hàng thì sẽ có khả năng sử dụng vốn sai mục đích, kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Để xác định được mức vốn cho vay hợp lý, quá trình thẩm định cần phân tích chính xác nhu cầu vốn thực tế cần thiết để thực hiện phương án tài chính và phù hợp với năng lực hoạt động của khách hàng. Trong đó phần vốn đối ứng của khách hàng tham gia cũng là nội dung quan trọng cần đánh giá chính xác. Vốn đối ứng không chỉ thể hiện năng lực tài chính, khả năng chống đỡ rủi ro mà còn biểu hiện sự ràng buộc và trách nhiệm đối với khoản vay của khách hàng. Những biểu hiện chủ quan, tùy tiện trong thực tế như: Xác định mức cho vay chỉ dựa vào giá trị tài sản thế chấp mà không tính toán chặt chẽ nhu cầu vốn thực tế cần thiết; cho vay dựa trên mức quy định tối đa về cho không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ nông dân mà không xem xét đầy đủ đến quy mô sản xuất thực tế; hoặc thẩm định sơ sài không xác định được mức vốn tự có thực tế tham gia... là những nguyên nhân chủ quan làm xấu dần chất lượng tín dụng, nên phải được quan tâm khắc phục kịp thời trong thực tế quá trình thẩm định tại chi nhánh.
Thứ năm, xác định thời hạn cho vay và định kỳ hạn trả nợ phù hợp: Là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo cho khách hàng có được một kế hoạch trả nợ thuận lợi, phù hợp với khả năng và nguồn thu nhập thực tế dùng vào trả nợ của khách hàng. Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào: chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của chính ngân hàng. Đối với các kỳ hạn trả nợ cụ thể, để xác định một cách chính xác và phù hợp đòi hỏi ngân hàng không chỉ dựa vào nguồn thu mà còn phải phân tích một cách đầy đủ phương án lưu chuyển tiền tệ của khách
hàng. Nguồn thu là cơ sở để trả nợ ngân hàng nhưng không phải toàn bộ nguồn thu đều có thể dùng trả nợ bởi vì khách hàng vay phải dành một phần để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu và chi phí cần thiết. Do vậy các kỳ hạn nợ cụ thể, chỉ có khả năng thực hiện khi trong kỳ đó khách hàng có dòng lưu chuyển tiền tệ thuần dương. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định các kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ thực tế của khách hàng vay. Trong thực tế, công tác thẩm định hiện nay, vai trò của phương án tài chính về lưu chuyển tiền tệ chưa được quan tâm đúng mức, kỹ năng phân tích cũng còn nhiều hạn chế; tồn tại này cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng công tác thẩm định cho vay của ngân hàng.