Hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng trong nhiều năm qua luôn là lĩnh vực được sự quan tâm rất lớn của tập thể người lao động trong chi nhánh, vì hoạt động này luôn là nguồn thu lớn nhất và thể hiện quy mô hoạt
động của ngân hàng. Tuy đã có những thành tựu nhất định như trên nhưng chất lượng tín dụng tại chi nhánh vẫn còn một số tồn tại như sau:
- Tình hình nợ nhóm 2 và nợ xấu trong ba năm qua có xu hướng tăng lên và có khả năng sẽ phát sinh thêm trong các năm tiếp theo, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng của chi nhánh, cụ thể trong năm 2017, nợ nhóm 2 và nợ xấu của chi nhánh đã chạm và vượt ngưỡng quy định của Agribank lần lượt ở tỷ lệ 3% và 1.05%.
- Việc thẩm định dự án, phương án kinh doanh chất lượng đôi lúc còn thấp, thiếu thông tin, thiếu thực tế, chưa có những phân tích đánh giá độc lập theo quan điểm của chi nhánh, có những dự án việc thẩm định còn mang tính sao chép lại, lắp ráp, làm theo thói quen gây ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm định, dễ dẫn đến rủi ro trong cho vay. Trong quá trình thẩm định, các báo cáo tài chính, luận chứng kinh tế kỹ thuật do khách hàng lập và cung cấp nên tính chính xác và khách quan của các tài liệu này rất khó được kiểm chứng.
- Chưa chủ động chọn lựa khách hàng, hoặc chọn dự án…công tác tiếp thị, chăm sóc và tiếp cận các khách hàng mới có tình hình tài chính lành mạnh về với chi nhánh chưa tốt.
- Công tác tự kiểm tra kiểm soát mới dừng ở khâu phát hiện. Vấn đề chỉnh sửa sau kiểm tra kiểm soát chưa kịp thời, đôi khi còn chậm.
- Công tác đánh giá phân loại khách hàng, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của khách hàng còn chưa được thường xuyên và quan tâm đúng mức để từ đó đưa ra những chính sách tín dụng phù hợp, kịp thời.
- Chất lượng cán bộ tín dụng còn nhiều bất cập, trình độ cán bộ tín dụng không đồng đều, một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong công tác tín dụng, cụ thể: Trong 05 cán bộ làm công tác cho vay trực tiếp tại chi nhánh thì có 03 cán bộ đã công tác trên 15 năm, với kinh nghiệm làm việc dày dạn nhưng vẫn còn giữ không ít tư duy và suy nghĩ đi theo lối mòn cũ; ngược lại 02 cán bộ còn lại mới
công tác được trong vòng 5-6 năm thì kinh nghiệm còn ít, nhưng lại có phong cách làm việc linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.
- Khả năng nghiên cứu, đánh giá khách hàng, dự báo tình hình tín dụng và việc cập nhật thông tin phục vụ cho công tác thẩm định còn nhiều hạn chế, bị động, chủ yếu lấy thông tin từ phía khách hàng, thông tin từ CIC và cảm nhận chủ quan về thông tin thu thập được của cán bộ tín dụng.
- Việc quản lý được mục đích vay vốn thực tế và việc sử dụng vốn vay của khách hàng còn nhiều hạn chế nên dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích của khách hàng làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
- Mức cho vay và thời hạn cho vay tại chi nhánh nhiều lúc không được xác định phù hợp với nhu cầu vay vốn của khách hàng. Nguyên nhân từ cả phía khách hàng lẫn phía chi nhánh.
- Nguồn vốn huy động tại địa phương còn thấp làm giảm tính chủ động về vốn và giá vốn trong đầu tư tín dụng, tỷ lệ vốn tự lực năm 2017 chỉ bằng 38.4% tổng dư nợ tín dụng, thể hiện sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng cấp trên thường với chi phí sử dụng vốn cao và bị động trong nguồn vốn để cân đối đầu tư tín dụng.
- Nguồn vốn huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại địa phương còn thấp, tỷ lệ nguồn vốn này bình quân trong các năm qua chỉ chiếm khoảng 26.9% trong tổng nguồn vốn, chưa cân đối đủ cho dư nợ tín dụng trung dài hạn đã đầu tư và nhu cầu mở rộng đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế trên địa bàn thành phố Pleiku.
2.3.3. Nguyên nhân của những tồn tại trong đảm bảo chất lượng tín dụng
2.3.3.1. Nguyên nhân từ môi trường chính sách
- Nền kinh tế tỉnh Gia Lai tuy mức độ tăng trưởng những năm gần đây rất ổn định nhưng đi từ điểm xuất phát thấp, chứa đựng nhiều yếu tố kém bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương cũng chưa phát triển như ở các thành phố lớn. Đây là khó khăn mang tính bao trùm, tác động đến nhiều mặt hoạt động kinh doanh ngân
hàng đặc biệt là chất lượng các khoản đầu tư tín dụng trên địa bàn hoạt động của chi nhánh.
- Thị trường hàng hóa nông sản thế giới nhìn chung đang ở vào giai đoạn cung vượt cầu, nên giá cả một số mặt hàng nông sản biến động lớn. Đặc biệt đối với cà phê, hồ tiêu, cao su là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai bị sụt giá kéo dài nhiều năm, đơn cử như mặt hàng nông sản cà phê nhân năm 2016 đạt mức bình quân 45 – 46 triệu đồng/ 1 tấn thì sang năm 2017 bị giảm xuống còn dưới 40 triệu đồng/ 1 tấn, gây khó khăn, thua lỗ cho cả người sản xuất lẫn các nhà kinh doanh.
- Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và diễn biến thời tiết đặc trưng của địa phương như một năm chia làm 02 mùa rõ rệt là 06 tháng mùa mưa và 06 tháng mùa khô kéo dài. Năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng thiên tai, hạn hán và sâu hại, dịch bệnh vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất.
- Các biện pháp hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp như: khuyến nông, thông tin thị trường và dự báo để định hướng sản xuất còn yếu. Hệ quả là người sản xuất cứ chạy theo giá cả thị trường hiện tại, khi có nhiều người đến mua và được giá thì đẩy mạnh sản xuất, chặt phá cây con khác để sản xuất trong khi không quan tâm gì đến thông tin và dự báo thị trường thế giới, đơn cử như mặt hàng nông sản hồ tiêu giai đoạn 2012 – 2014 rất được giá, cao điểm nhất là vào năm 2014, giá hồ tiêu lên đến đỉnh điểm trên 200 ngàn đồng/ 1kg, vì vậy người dân đổ xô phá bỏ hoặc giảm bớt các loại cây trồng truyền thống như cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu, hệ quả là đến thời điểm năm 2017, giá cả hồ tiêu giảm thấp, bên cạnh đó hồ tiêu bị dịch bệnh, mất mùa đã khiến không ít người nông dân lao đao, thậm chí là phá sản vì đi vay ngân hàng để đầu tư nhưng không thu lại được vốn. Doanh nghiệp xuất khẩu thì tách rời với sản xuất, khi tìm được thị trường thì tranh mua, nâng giá nhưng khi khó khăn thì ép giá, ép phẩm cấp… không gắn bó và quan tâm đến nguồn hàng, thiếu thông tin và hướng dẫn cho nông dân sản xuất. Cuối cùng thì
nông dân cứ dựa vào điều kiện sẵn có để sản xuất, nhà xuất khẩu phải đi tìm thị trường để tiêu thụ những sản phẩm đã có. Do vậy khi thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới biến động bất lợi thì nông dân phải chịu thiệt hại và kéo theo ngân hàng cũng phải gánh chịu rủi ro qua quá trình đầu tư vốn.
- Quá trình quản lý của nhà nước về kinh tế còn hạn chế trên một số mặt, biểu hiện:
+ Công tác quy hoạch theo vùng, tiểu vùng để phát triển các loại cây con chưa cụ thể, sát thực tế, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Nhiều cây trồng phát triển tự phát vượt quy hoạch, ví dụ như cây cà phê trong thời kỳ được giá đã được trồng ồ ạt trên cả những vùng đất không phù hợp, cách xa nguồn nước; mặt khác giống và kỹ thuật chăm sóc không được hướng dẫn, không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến năng suất thấp. Khi giá cà phê, giá hồ tiêu sụt giảm người trồng không có khả năng chống đỡ, bị thua lỗ nặng, làm ảnh hưởng đến vốn vay ngân hàng.
+ Quá trình tổ chức phát triển kinh tế hợp tác còn chậm và kém hiệu quả. Khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân còn bỏ ngõ, chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo chủ trương của chính phủ chậm được triển khai làm giảm hiệu lực của chính sách và không tạo được cơ sở liên kết để phát triển sản xuất ổn định, bền vững ...
+ Việc cấp quyền sở hữu tài sản trên đất là vườn cây lâu năm, rừng trồng,... còn nhiều vướng mắc, tuy đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất lên các cấp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
+ Việc thực hiện chế độ kế toán, thống kê của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa rõ ràng, minh bạch còn mang tính hình thức và chủ yếu là đối phó với cơ quan thuế của nhà nước. Các quy định về kiểm toán chưa có giá trị bắt buộc thi hành, nên thông tin về tài chính thường thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp, là những khó khăn làm tăng thêm rủi ro cho tín dụng ngân hàng.
- Hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu còn thấp, quá trình xử lý của các cơ quan pháp luật trong các tranh chấp kinh tế thường chậm và kéo dài. Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ vay còn nhiều vướng mắc, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành địa phương.
2.3.3.2. Nguyên nhân từ phía khách hàng
- Khả năng đáp ứng của các khách hàng về các yêu cầu chế độ cho vay của chi nhánh còn thấp, thường gặp ở vấn đề về tài sản thế chấp (giá trị tài sản thế chấp ít nhưng khách hàng lại muốn vay cao), tính khả thi của dự án vay vốn, yêu cầu về vốn tự có tối thiểu của khách hàng trong tổng nhu cầu vốn (Đối với cho vay ngắn hạn: Khách hàng phải có vốn tự có tối thiểu 10% trong tổng nhu cầu vốn; Đối với cho vay trung hạn, dài hạn: Khách hàng phải có vốn tự có tối thiểu 20-30% trong tổng nhu cầu vốn). Về dự án sản xuất kinh doanh, có nhiều khách hàng lập được các phương án kinh tế khá tốt nhưng do không cụ thể hoá được tính khả thi của dự án nên cũng không được chi nhánh cho vay vốn.
- Khả năng quản lý và sử dụng vốn vay của các khách hàng còn thấp, cùng với tình trạng làm ăn thiếu tính trung thực hay xảy ra giữa khách hàng với khách hàng, giữa khách hàng và ngân hàng, biểu hiện ở việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, cung cấp thông tin không chính xác cho ngân hàng dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
- Trình độ lập dự án của khách hàng còn nhiều hạn chế dẫn đến tốn kém chi phí và thời gian cho việc hướng dẫn, sữa chữa các thủ tục trong quá trình lập dự án.
- Nhiều trường hợp khách hàng không chứng minh được nguồn thu nhập phù hợp với kế hoạch trả nợ nhưng vẫn cam kết trả nợ đúng hạn, hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn nhưng lại có nhu cầu vay vốn trung, dài hạn dễ dẫn đến khả năng không trả được nợ vay của khách hàng, làm giảm chất lượng tín dụng của chi nhánh.
- Tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay là quy mô vốn tự có thấp, tính tự chủ về tài chính chưa cao, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn
vay ngân hàng cho nên bất kỳ rủi ro nào của doanh nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngân hàng.
- Một số khách hàng còn lợi dụng vào cơ chế thị trường, chính sách nhà nước, đã có không ít khách hàng có biểu hiện chây ỳ, đổ lỗi cho khách quan, trông chờ việc xử lý bằng chính sách của nhà nước (như miễn giảm lãi, xóa nợ), thiếu thiện chí trong việc hoàn trả nợ vay ngân hàng.
2.3.3.3. Nguyên nhân từ phía bản thân ngân hàng
- Chức năng nhiệm vụ của cán bộ thẩm định khoản vay và cán bộ quản lý khoản vay của Agribank hiện nay đã được quy định rõ ràng, cụ thể nhưng do nguồn lực con người của chi nhánh còn ít (chỉ có 05/12 cán bộ làm công tác tín dụng trực tiếp) nên tại chi nhánh, 1 cán bộ tín dụng vẫn đảm nhiệm cả 2 vai trò trên, vì vậy không phát huy được tính khách quan, minh bạch trong công tác thẩm định. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng công tác thẩm định trong cho vay còn nhiều hạn chế.
- Người kiểm soát hồ sơ vay, cấp quản lý phòng vẫn kiêm nhiệm làm công tác tín dụng trực tiếp, vì vậy nên áp lực khối lượng công việc nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiểm soát hồ sơ vay vốn tại chi nhánh.
- Trình độ và năng lực của cán bộ làm nghiệp vụ tín dụng của chi nhánh không đồng đều, đặc biệt trong công tác thẩm định cho vay cần nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau thì nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được.
- Việc thực hiện các quy chế, quy trình và tuân thủ các hành lang pháp lý của một bộ phận cán bộ nhân viên còn chưa nghiêm, nể nang khách hàng, xuề xoà trong nội bộ dẫn đến tình trạng thiếu sót trong hồ sơ, sơ suất trong xử lý nghiệp vụ tín dụng. Cộng với việc phân tích đánh giá thực trạng tín dụng chưa được thực hiện một cách triệt để, chưa phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, nhất là đối với các khách hàng là những đơn vị có những khoản nợ tồn đọng lớn, chưa kiên quyết trong công tác xử lý tồn đọng, nợ quá hạn, nợ xấu.
- Việc thẩm định thường dựa trên những thông tin chủ quan do khách hàng cung cấp. Phương pháp thẩm định tại chi nhánh còn khá đơn giản, chỉ sử dụng chủ yếu là phương pháp trình tự và so sánh đối chiếu, chưa sử dụng tốt phương pháp dự báo, phân tích độ nhạy và chưa kết hợp được các phương pháp với nhau, dẫn đến kết quả chưa chính xác. Và tình trạng cán bộ thẩm định chỉ dựa vào kinh nghiệm mà chưa có sự thống nhất. Chính vì vậy, tùy vào trình độ và nhận thức của cán bộ tín dụng vào vấn đề này, mỗi cán bộ thẩm định phân tích theo kiểu riêng của mình, nên nhìn chung vệc phân tích, thẩm định các dự án vay vốn chưa đạt hiệu quả cao.
- Thông tin phục vụ công tác cho vay được khai thác từ nhiều nguồn khác nhau, những thông tin này không phải khi nào cũng chính xác. Việc thu thập những thông tin chính xác, kịp thời về doanh nghiệp, thị trường gặp nhiều khó khăn. Thẩm định các món vay căn cứ trên những thông tin đã cũ, không được cập nhật kịp thời dẫn đến những đánh giá không chính xác.
- Phát triển tín dụng trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng nhưng thiếu các biện pháp chủ động phòng tránh tích cực nên đã bị cuốn hút vào “cuộc chạy đua thu hút khách hàng”, chiếm lĩnh thị trường, mở rộng thị phần, đã tạo cơ sở cho khách hàng yêu sách, lợi dụng vay vốn chồng chéo ở nhiều ngân hàng, làm giảm hiệu lực kiểm tra, giám sát của ngân hàng, dẫn đến rủi ro trong tín dụng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2