2.2 THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG
2.2.2.2 Nhận biết và đánh giá rủi ro
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng, đảm bảo dư nợ ngày càng cao và nợ xấu ngày càng giảm, BIDV xây dựng lộ trình tăng trưởng tín dụng thận trọng phù hợp với tình hình kinh tế, vạch ra kế hoạch thu hồi nợ xấu đảm bảo xuyên suốt trong hệ thống BIDV, BIDV cũng cụ thể hóa từng chi tiêu cho từng chi nhánh và luôn chú trọng đến việc phân tích, đánh giá, quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng dần tiến đến thông lệ quốc tế.
Việc nhận diện và đánh giá rủi ro tín dụng từ đó có những giải pháp tối ưu giúp ngăn ngừa và xử lý các khoản tín dụng có rủi ro là khâu quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Sau khi khoản vay phát sinh và được phân loại, cán bộ QLKH luôn phải theo dõi, giám sát khoản vay để nhận diện rủi ro thông qua các dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ.
Tại hội sở chính, BIDV lập ủy ban quản lý rủi ro để chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng. Nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu, tư vấn cho Hội đồng quản trị về chiến lược, chính sách quản lý rủi ro; tham mưu cho hội đồng quản trị trong việc hoạch định chế chính sách trong công tác quản lý rủi ro trên phạm vi toàn hệ thống; thực hiện phê duyệt phương pháp xác định giá trị chịu rủi ro và các giới hạn rủi ro theo thẩm quyền.
Tại các chi nhánh, BIDV thành lập phòng QLRR quản lý, giám sát, phân tích, đánh giá rủi ro tiềm ẩn đối với danh mục tín dụng của chi nhánh, đề xuất giám đốc kế hoạch giảm nợ xấu cho chi nhánh. Hàng tháng, quý công tác nhận diện, kiểm soát rủi ro được thực hiện thông qua báo cáo giao dịch nghi ngờ từ hội sở chính gửi về thông qua phòng QLRR các chi nhánh nhằm ngăn ngừa kịp thời các rủi ro xảy ra. Phòng QLRR hàng năm hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra nội bộ hoạt động tín dụng tại chi nhánh nhằm phát hiện và đánh giá rủi ro, đưa ra phương pháp hạn chế khắc phục rủi ro.
Bên cạnh đó, BIDV xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mới nhằm đánh giá triển khai đánh giá tín dụng một cách hữu hiệu. Đây cũng là một trong những đề án triển khai hệ thống công cụ đo lường rủi ro tín dụng theo thông lệ quốc tế .
Theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ thông tin chấm điểm khách hàng được căn cứ theo thông tin tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ), phi tài chính (đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, trình độ quản lý và môi trường nội bộ, quan hệ với ngân hàng, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến ngành). Các thông tin này do nhóm QLKH nhập và duyệt. Dựa vào hệ thống XHTDNB vấn đề kiểm soát tín dụng sẽ hiệu quả hơn vì kết quả xếp hạng góp phần đo lường được hợp lý mức độ rủi ro của danh mục tín dụng tại chi nhánh.
Việc phân loại nợ cũng được BIDV coi trọng. Năm 2014 BIDV xây dựng chương trình phân loại nợ và trích lập dự phòng tập trung tại hội sở chính hỗ trợ các
chi nhánh trong việc phân loại nợ, tính trích lập dự phòng theo thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Các khoản vay được phân loại và xếp hạng theo đúng sức khỏe tình hình tài chính thực tế của khách hàng thông qua các chuẩn của BIDV. Các khoản vay xuống hạng, BIDV sẽ có những biện pháp phòng ngừa, khắc phục và xử lý theo đúng trình tự BIDV và tình hình kinh doanh của khách hàng.
BIDV xây dựng quy trình quản trị rủi ro tín dụng với các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý.
(Nguồn: Sổ tay tín dụng của BIDV )
2.2.2.3 Hoạt động kiểm soát
Quy trình tín dụng:
Quy trình cấp tín dụng được xây dựng nhằm giúp cho quá trình vay diễn ra thống nhất, khoa học, hạn chế, phòng ngừa rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng. Đồng thời, quy trình tín dụng cũng xác định người thực hiện công việc và trách nhiệm của các cán bộ liên quan trong quá trình cho vay. Quy trình tín dụng tại BIDV được thiết lập đảm bảo mỗi bước phải có ít nhất hai cán bộ tham gia (một người thực hiện giao dịch, một người kiểm soát giao dịch), BIDV phân cấp thẩm quyền phán quyết cho từng cấp, tại cấp phòng có hạn mức riêng, nếu vượt hạn mức sẽ trình ban lãnh đạo phụ trách khối, hội đồng tín dụng cơ sở, nếu vượt hạn mức hội đồng cơ sở thì trình ra hội đồng cơ sở trung ương và tách bạch ba khâu rõ ràng: đề xuất- thẩm định rủi ro- tác nghiệp.
Khâu đề xuất do bộ phận QLKH thực hiện, đây là bộ phận có chức năng trực tiếp tìm kiếm, tiếp thị sản phẩm đến khách hàng, lôi kéo khách hàng trực tiếp tìm hiểu và tiếp nhận các nhu cầu của khách hàng và là bộ phận đề xuất tín dụng.
Khâu thẩm định rủi ro do hội đồng tín dụng, ban QLRR hội sở chính, hội đồng tín dụng cơ sở phòng QLRR tại chi nhánh thực hiện, bộ phận này có chức năng thẩm định, quyết định cho vay và thẩm định rủi ro.
Khâu tác nghiệp do ban quản lý tín dụng tại hội sở chính, phòng QLRR và Phòng GDKH tại chi nhánh thực hiện, bộ phận này có chức năng thực hiện kiểm tra hồ sơ vay, giải ngân cho khách hàng.
Các hoạt động kiểm soát trong quy trình tín dụng: - Khâu tiếp thị khách hàng và đề xuất tín dụng:
Cán bộ QLKH sau khi đánh giá, phân tích, lập đề xuất tín dụng trình trưởng phòng QLKH, trưởng phòng QLKH tiến hành kiểm soát: hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài sản đảm bảo, hồ sơ tín dụng về tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ; tuân thủ
yêu cầu khách hàng bổ sung hoặc đề xuất cho vay có điều kiện. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo từng sản phẩm vay của BIDV thì trưởng phòng ký trên báo cáo đề xuất tín dụng sau đó trình lãnh đạo phụ trách khối QHKH phê duyệt, nếu không thì từ chối bằng văn bản cho khách hàng.
Thường tại khâu này có những rủi ro có thể phát sinh do thiếu sót, cẩu thả của cán bộ QLKH và khách hàng như: hồ sơ pháp lý khách hàng, hồ sơ vay chưa đầy đủ theo quy định (thiếu phương án kinh doanh khả thi cụ thể cho mỗi khoản vay theo mới, thiếu báo cáo tài chính, báo cáo tài chính không chính xác, hồ sơ tài sản thế chấp chưa bảo đảm hợp pháp, hợp lệ,...), không thực hiện công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng (đối với tài sản bảo đảm đủ điều kiện đăng ký giao dịch bảo đảm), không thẩm định, phân tích tính hiệu qủa của phương án, dự án vay vốn, xác định thời hạn vay và trả lãi chưa phù hợp với quy định, thực hiện đánh giá xếp hạng tín dụng sai quy định, định giá tài sản bảo đảm tiền vay, nhận tài sản bảo đảm chưa đúng theo quy định hiện hành, nâng giá trị tài sản đảm bảo cao hơn so với giá trị thật của tài sản;hoặc khách hàng cố tình giả mạo hồ sơ, thông đồng với cán bộ QLKH lập hồ sơ vay khốngv.v… do đó việc kiểm soát của trưởng phòng QLKH giúp phát hiện những rủi ro trước khi chấp thuận đề xuất tín dụng của cán bộ QLKH.
- Khâu thẩm định rủi ro:
Khi các khoản vay qua thẩm định rủi ro thì tại khâu này hồ sơ vay được kiểm soát một lần nữa về tính phù hợp với các quy định tín dụng, chính sách tín dụng và chính sách quản lý rủi ro hiện hành, tính đầy đủ của hồ sơ vay vốn, kết quả xếp hạng tín dụng có chính xác, tính đầy đủ về đánh giá chung khách hàng, tình hình tài chính của khách hàng, các biện pháp bảo đảm tiền vay có đảm bảo khoản cấp tín dụng... và đưa ra ý kiến độc lập, khách quan về khách hàng để làm cơ sở cho việc quyết định cấp tín dụng chuẩn xác hơn. Kết quả thẩm định rủi ro rất quan trọng góp phần hạn chế rủi ro có thể xảy ra gây tổn thất nghiêm trọng cho ngân hàng.
Khi thực hiện giải ngân, bộ phận QTTD kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ giải ngân, hạn mức tín dụng của khách hàng, các điều kiện giải ngân, hình thức giải ngân tiền mặt hay chuyển khoản theo đúng quy định và đưa ra ý kiến trình cấp lãnh đạo phê duyệt khoản vay sau khi được phê duyệt tín dụng và phê duyệt trên máy tính sẽ được tiến hành hạch toán giải ngân tại bộ phận GDKH, tại đây bộ phận GDKH thực hiện phát vay cho khách hàng theo đúng bảng kê rút vốn, cán bộ thực hiện rà soát, kiểm tra đúng tài khoản, đúng người thụ hưởng nếu thực hiện giải ngân bằng chuyển khoản hoặc kiểm tra đúng, chữ ký, tư cách pháp lý của khách hàng vay có đúng trên bảng kê rút vốn nếu thực hiện giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng.
Rủi ro có thể xảy ra ở khâu này thường là do:
+ Giải ngân không căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án và tiến độ tham gia vốn tự có theo cam kết của khách hàng, giải ngân không có căn cứ; không có hoặc thiếu chứng từ mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
+ Giải ngân không đúng với mục đích cho vay đã được thẩm tra, xác định ban đầu, giải ngân chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của chính bên vay mà không có căn cứ phù hợp,
+ Giải ngân chuyển khoản vào tài khoản của đơn vị là người không phải là bên thụ hưởng theo các chứng từ làm căn cứ giải ngân dẫn đến khách hàng vay rút tiền sử dụng sai vay tiền sử dụng sai mục đích.
+ Phát vay sai bảng kê rút vốn, sai số tiền trên bảng kê rút vốn,
+ Giao nhận hồ sơ tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm không đúng quy định, + Giải ngân vượt quá số tiền ghi trong Hợp đồng tín dụng, giải ngân khi chưa ký hợp đồng tín dụng,
+ Giải ngân vượt hạn mức
+ Giải ngân khi chưa hoàn thành thủ tục về tài sản bảo đảm (đối với khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm) trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giải ngân vượt hạn mức,..
Do đó BIDV để mang tính khách quan, hạn chế những rủi ro trên có thể xảy ra, tính kiểm soát còn thể hiện rõ ở việc tách bạch chức năng của các bộ phận trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng, bộ phận QLKH không có chức năng tác nghiệp vào chương trình BDS (Branch Delivery system – hệ thống phân phối sản phẩm dịch vụ tại ngân hàng, cung cấp dịch vụ cho ngân hàng), chức năng này được quy định rõ ràng cho bộ phận QTTD nhập thông tin và điều chỉnh các thông tin về khoản vay của khách hàng.
- Khâu giám sát sau cho vay:
Trong vòng 10 ngày làm việc (đối với giải ngân bằng tiền mặt), hoặc trong vòng 30 ngày làm việc (đối với giải ngân chuyển khoản) kể từ thời điểm giải ngân, cán bộ QLKH có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình hình khách hàng về việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích vay vốn ban đầu, khách hàng có thực hiện các cam kết trước khi giải ngân, kiểm tra lại tài sản đảm bảo nợ vay. Việc kiểm tra này được lập thành biên bản kiểm tra có đầy đủ chữ ký của cán bộ QLKH và đại diện bên khách hàng vay vốn. Khi kiểm tra nếu bên khách hàng cung cấp chứng từ giải ngân còn thiếu thì phải nêu rõ tại biên bản kiểm tra và kiến nghị thời gian hoàn tất để tiếp tiếp tục kiểm tra.
Khi Ngân hàng phát hiện khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, khách hàng không thực hiện đúng cam kết, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng không hiệu quả như dự tính, biến động bất lợi về tài sản bảo đảm…, Cán bộ QLKH lập Báo cáo kiểm tra và báo cáo PGĐ QLKH/Giám đốc Chi nhánh (đối với khách hàng tại Chi nhánh) hoặc PTGĐ QLKH (đối với khách hàng tại Trụ sở chính).
Cán bộ QLKH lập bảng theo dõi nợ vay (áp dụng với nợ ngắn hạn từ thời điểm gia hạn nợ/quá hạn, khoản nợ trung, dài hạn), theo dõi tiến độ thực hiện dự án đối với cho vay đầu tư dự án (có thể theo dõi trên sổ hoặc trên file máy tính) để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng khoản tín dụng và thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ, phân loại nợ theo quy định của BIDV.
Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các nội dung, dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay thì bộ phận QLKH cần nêu rõ và có kiến nghị cụ thể về các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, các chính sách của BIDV đối với khách hàng trong thời gian tới.
Tại khâu này phòng QTTD, có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, theo dõi, kiểm tra, giám sát các khoản vay, yêu cầu, đôn đốc phòng QLKH bổ sung đầy đủ chứng từ sau giải ngân, biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay theo đúng quy định, thông báo và thực hiện thu các khoản vay, đến hạn thanh toán gốc lãi, phối hợp với phòng QLKH để tiến hành thu các khoản nợ quá hạn, báo cáo kịp thời về các khoản nợ quá hạn thanh toán, qua đó cảnh báo dấu hiệu rủi ro cho bộ phận QLKH.