3.2 GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KSNB HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN
3.2.2 Hoàn thiện công tác đánh giá rủi ro
Hoàn thiện hơn nữa mô hình xếp hạng khách hàng
Mô hình chấm điểm và xếp hạng khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý khoản vay cũng như quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng.Vì vậy, để góp phần giúp cho công tác đánh giá rủi ro được tốt và hiệu quả hơn trước hết kết quả xếp hạng phải thực sự có ý nghĩa chứ không chỉ mang tính hình thức.
Để mô hình hoàn thiện hơn, thiết thực hơn và thực sự hỗ trợ cho ngân hàng trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng thì cần phải quan tâm một số vấn đề như:
- Thu thập thông tin đầy đủ và chất lượng: Kinh nghiệm của Ủy ban Basel cho thấy việc thu thập thông tin không đầy đủ đủ độ tin cậy sẽ dẫn đến những tổn thất lớn cho ngân hàng. Ngoài những thông tin mà khách hàng cung cấp, cán bộ QLKH phải tiến hành thu thập thêm thông tin từ các nguồn khác như các thông tin trên thị trường (xu hướng của ngành trong tương lai, các đối thủ cạnh tranh..), các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, internet, các thông tin từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền như cục thuế, trung tâm thông tin tín dụng (CIC), nếu có điều kiện thì làm phiếu thăm dò để đánh giá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp,… để việc đánh giá các chỉ tiêu phi tài chính được dựa trên những thông tin có cơ sở, đảm bảo độ tin cậy hơn.
- Chấm điểm lại khi có những biến động lớn xảy ra đối với khách hàng: Mặc dù Ngân hàng đã quy định kỳ chấm điểm cụ thể đối với từng nhóm khách hàng cũ và mới nhưng đối với những biến động lớn tác động đến doanh nghiệp như: đột ngột điều chỉnh nhân sự, trụ sở bị hư hại do thiên tai, Nhà nước ban hành văn bản mới, thay đổi các điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,… thì ngân hàng cần phải tiến hành đánh giá lại ngay thứ hạng của doanh nghiệp, không thể để đến định kỳ chấm điểm mới chấm điểm lại, như vậy sẽ làm cho khoản tín dụng đó càng trở nên rủi ro hơn, không có biện pháp phòng ngừa rủi ro kịp thời dẫn đến những thiệt hại trong tương lai.
- Kiểm tra chặt chẽ công việc chấm điểm: Công việc chấm điểm và xếp hạng khách hàng do chính cán bộ QLKH thực hiện nên sẽ không tránh khỏi những đánh giá mang tính chủ quan. Trong trường hợp chưa thể lập được một bộ phận riêng biệt, chuyên thực hiện công việc này thì về phía Lãnh đạo Ngân hàng cần có những cách thức nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện của nhân viên tín dụng bằng cách:
+ Tiến hành kiểm tra đột xuất một hoặc một số hồ sơ khách hàng nào đó đang trong thời gian chấm điểm để xem xét tình hình thực hiện chấm điểm của đơn vị đó có diễn ra như đúng quy trình hay không.
+ Sau khi có điểm tổng hợp của toàn đơn vị, có thể yêu cầu cán bộ chấm điểm giải trình về cách cho điểm một khách hàng đang trực tiếp quản lý để xem có đủ lý lẽ thuyết phục hay không.
+ Phân công các cán bộ QLKH kiểm tra chéo kết quả chấm điểm của nhau. Có thể việc này sẽ làm tốn thời gian và chi phí của Ngân hàng nhưng hiệu quả mang lại sẽ không nhỏ. Các cán bộ QLKH có thể giúp đồng nghiệp của mình bằng cách cung cấp các thông tin mà mình biết, còn người trực tiếp chấm sẽ tiến hành kiểm tra thực tế để đánh giá chính xác các tiêu chí. Việc này có thể tránh được phần nào nguyên nhân chủ quan khi chấm điểm phi tài chính.
+ Nếu cán bộ QLKH chấm điểm cho chính khách hàng của mình, khi ra kết quả không đạt tiêu chuẩn, họ có thể điều chỉnh một vài chỉ tiêu phi tài chính để nâng cao số điểm hơn nhằm đưa khách hàng lên mức hạng xếp loại cao hơn vì thực tế các chỉ tiêu phi tài chính rất khó kiểm soát, có thể sửa đổi tùy theo ý muốn chủ quan của người chấm… Do đó lãnh đạo Ngân hàng cần phải theo sát quy trình chấm điểm mà các nhân viên thực hiện để có thể hạn chế đến mức thấp nhất mà rủi ro mang lại.
- Xây dựng bộ phận xếp hạng độc lập: Việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng do chính cán bộ QLKH phụ trách khoản vay đó trực tiếp phân tích, chấm điểm. Mặt khác, mô hình có sử dụng các chỉ tiêu phi tài chính nên sẽ không tránh khỏi những ý kiến chủ quan của cán bộ QLKH trong quá trình đánh giá. Vì vậy, để hạn chế tối đa sai sót có thể xảy ra, Ngân hàng cần phải thành lập riêng một bộ phận chuyên thực hiện công việc chấm điểm và xếp hạng tín nhiệm khách hàng, tách biệt đối với công việc cho vay, như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan hơn, giúp cho kết quả xếp hạng thực sự là cơ sở vững chắc để ngân hàng ra quyết định cho vay và đo lường được rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho công việc chấm điểm thì cần có thêm bộ phận thực hiện việc nghiên cứu thị trường, cung cấp thêm nguồn thông tin cho các nhân viên chấm điểm.
Liên kết với các cơ quan khác để thuận lợi hơn cho Ngân hàng trong việc khai thác, sử dụng thông tin nhưng phải đảm bảo theo định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng để có thể tạo được sự liên kết giữa các NHTM và Ngân hàng Nhà nước về việc tìm kiếm thông tin.
Thành lập bộ phận nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô:
Theo Ủy ban Basel, việc nhận thức rủi ro không đầy đủ là một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc gây ra những tổ thất lớn của các ngân hàng. Chính vì vậy, BIDV cần nâng cao việc nhận dạng rủi ro tiềm tàng bằng cách thành lập bộ phận nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô do phòng QLRR phụ trách. Bộ phận này sẽ dựa trên tất cả các kênh thông tin, các nguồn nghiên cứu và dự báo khác để tiến hành phân tích, đánh giá quy mô, cơ cấu và hiệu quả tín dụng
của các ngành kinh tế, thành phần kinh tế trên các địa bàn để trên cơ sở đó Ngân hàng có thể thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn - hiệu quả - bền vững. Bên cạnh đó, bộ phận này cũng sẽ giúp cho các cán bộ QLKH trong việc thu thập, tổng hợp thông tin hiệu quả hơn, tin cậy hơn để nhận định đúng hơn về khách hàng tránh được những rủi ro tiềm ẩn.
Xây dựng và phát triển khung các dấu hiệu cảnh báo các khoản tín dụng có dấu hiệu rủi ro tại BIDV:
Ủy ban Basel chỉ ra rằng nếu việc đánh giá rủi ro không đầy đủ thì sẽ dẫn đến việc gây ra những tổn thất lớn cho ngân hàng.
BIDV cần xây dựng một khung các dấu hiệu cảnh báo các khoản tín dụng có dấu hiệu rủi ro để có thể sớm nhận biết và có những kế hoạch đối phó, ngăn ngừa rủi ro thích hợp. Những dấu hiệu có thể chia thành hai nhóm:
Nhóm dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ ngân hàng: Đây là nhóm dấu hiệu dễ nhận biết nhất, có tác động trực tiếp, với tốc độ nhanh và trong khoảng thời gian ngắn đến chất lượng tín dụng. Nhóm này còn gọi là dấu hiệu cảnh báo sớm, bao gồm các dấu hiệu sau:
- Trì hoãn hoặc gây khó khăn, trở ngại đối với nhân viên ngân hàng trong quá trình kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất tình hình sử dụng vốn vay, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh mà khách hàng không giải thích một cách thuyết phục.
- Chậm gửi hoặc trì hoãn các báo cáo tài chính theo yêu cầu mà khách hàng không giải thích hợp lý.
- Đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh kỳ hạn nhiều lần không có lý do chính đáng.
- Sự sụt giảm bất thường số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
- Chậm thanh toán các khoản lãi đến hạn.
- Mức độ vay thường xuyên gia tăng, yêu cầu các khoản vay vượt nhu cầu dự kiến.
- Tài sản đảm bảo không đủ tiêu chuẩn.
- Các dấu hiệu cho thấy khách hàng trông chờ vào thu nhập bất thường không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính hoặc từ hoạt động đề xuất trong phương án xin vay.
- Có dấu hiệu tìm kiếm sự tài trợ nguồn vốn lưu động từ nhiều nguồn, đặc biệt từ đối thủ cạnh tranh của chính ngân hàng mình.
- Sử dụng tài trợ ngắn hạn cho hoạt động trung dài hạn.
- Chấp nhận sử dụng các nguồn tài trợ giá cao với mọi điều kiện.
Nhóm dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ ngoài ngân hàng: Nhóm dấu hiệu này có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng nhưng với độ trễ lớn hơn. Các dấu hiệu này được rút ra từ chính bản thân các hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng và không dễ nhận biết nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ của cán bộ ngân hàng. Nhóm này bao gồm các dấu hiệu sau:
- Độ lệch giữa doanh thu hay dòng tiền thực tế so với mức dự kiến khi khách hàng đề nghị cấp tín dụng.
- Những thay đổi bất lợi trong cơ cấu vốn, tỷ lệ thanh khoản hay mức độ hoạt động của khách hàng như: Sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu, tỷ lệ khả năng thanh toán nhanh và thanh toán tức thời có dấu hiệu giảm sút liên tục, giảm các khoản phải trả và tăng nhanh các khoản phải thu, hàng tồn kho với cường độ lớn, sự gia tăng không cân đối về tỷ lệ nợ thường xuyên, giảm quỹ tiền mặt, tăng doanh thu nhưng giảm lợi nhuận hoặc không có.
- Dấu hiệu ngày càng nhiều các chi phí bất hợp lý như phát triển đột biến chi phí quảng cáo, tiếp khách…
- Thay đổi thường xuyên cơ cấu quản trị và điều hành.
- Xuất hiện bất đồng và mâu thuẫn trong bộ máy quản trị và điều hành, tranh chấp trong quá trình quản lý.
- Những thay đổi về chính sách của Nhà nước như tác động của thuế, xuất nhập khẩu, thay đổi của tỷ giá, lãi suất, công nghệ sản xuất,… tác động bất lợi đến chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng.