3.3.1 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Quản lý chặt chẽ hơn nữa các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng các tổ chức do chạy theo số lượng nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình như: Cho vay không đúng nguyên tắc, không đúng quy trình nghiệp vụ,…Từ đó, hạn chế được tình trạng nợ quá hạn phát sinh trên diện rộng, đảm bảo được cho vay trên cơ sở an toàn vốn của ngân hàng.
Tiếp tục triển khai đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Cần nâng cao chất lượng thanh tra bằng cách nắm bắt kịp thời các nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ ngân hàng hiện đại, áp dụng công nghệ mới nhằm giám sát liên tục các NHTM dưới hai hình thức là thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa. Triển khai thanh tra, giám sát một cách thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm đối với các tổ chức tín dụng. Xử lý kiên quyết, kịp thời các sai phạm.
Chương trình thanh tra cần được xây dựng chi tiết, khoa học, thông tin được thu thập cần phân tích kỹ lưỡng, tránh mang tính hình thức, nội dung thanh tra nên được cải tiến sao cho chương trình thanh tra đảm bảo kiểm soát được NHTM, thể hiện được vai trò của mình là cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các NHTM.
Ổn định bộ máy tổ chức Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Thực hiện có hiệu quả việc phân công cán bộ thanh tra theo dõi và chịu trách nhiệm an toàn của từng Ngân hàng. Đồng thời, cần hoán đổi cán bộ thanh tra giữa các Chi nhánh NHNN để đảm bảo tính khách quan và tạo môi trường hoạt động đa dạng cho cán bộ thanh tra, kiểm tra trao dồi thêm nghiệp vụ, xử lý tình huống.
Hiện nay, việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và rủi ro của các NHTM chưa được thanh tra NHNN thực hiện một cách có hệ thống, chưa có tiêu chí để thực hiện việc đánh giá này và chưa thực sự đánh giá toàn diện, kiến nghị cụ thể về hệ thống kiểm soát nội bội và rủi ro của các NHTM qua các cuộc thanh tra và việc đánh gía của thanh tra NHNN chỉ mang tín chất cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn, chưa kiến nghị cụ thể về hệ thống KSNB qua các kết luận thanh tra. Vì vậy, để thanh tra NHNN thực hiện được vai trò đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và rủi ro của NHTM, cần phải thực hiện các giải pháp sau:
- Xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá rủi ro khi thực hiện thanh tra, nội dung hoạt động ngoài thanh tra tuân thủ cần có sự giám sát, theo dõi rủi ro.
- Hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy chế và quy trình thanh tra, giám sát Ngân hàng gồm cả việc đánh giá rủi ro và đánh giá hệ thống KSNB của NHTM.
- Nâng cao chất lượng, trình độ nghiệp cụ và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thanh tra Ngân hàng.
- Tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về Ngân hàng. Tiếp tục công tác ứng dụng những nguyên tác cơ bản về giám sát hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, của Uỷ ban Basel, cũng như việc tuân thủ những nguyên tắc thận trọng trong thanh tra.
- Xây dựng tiêu chí giám sát nhằm thực hiện giám sát tài chính ngân hàng có hiệu quả và thống nhất. Các tiêu chí giám sát phải thống nhất và đồng bộ phù hợp với thực tiễn, song không xa rời với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam.
- Tổ chức công tác thanh tra giám sát phải đảm bảo sự phối hợp giữa thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa để phát huy tốt nhất ưu thế của mỗi công cụ giám sát, đồng thời giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên tham gia.
Hiện nay, các NHTM tra cứu thông tin từ CIC của NHNN đều phải trả một khoản phí cho từng lần hỏi tin, cho dù CIC có cung cấp được thông tin hay không. Trong một số trường hợp, thông tin được cung cấp chưa được cập nhật kịp thời nên hỗ trợ chưa nhiều cho các nghiệp vụ của NHTM.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng thông tin do CIC cung cấp, NHNN cần quan tâm đến việc nâng cấp và phát triển CIC trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu quốc gia, hướng tới sự phát triển như là một tổ chức tín nhiệm độc lập, với thông tin cung cấp đặc trưng không chỉ đối với thông tin tín dụng mà mở rộng tầm thông tin tài chính tiền tệ cho toàn bộ nền kinh tế:
- Nâng cao chất lượng thông tin tín dụng. Đây là yếu tố cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của CIC. Mở rộng và phát triển công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động thông tin tín dụng nhằm thu thập và xử lý thông tin tốt hơn, theo kịp đà phát triển của NHTM. Trước mắt, cần phát triển và hoàn thiện các sản phẩm thông tin tín dụng như bản tin thông tin tín dụng, xếp loại doanh nghiệp, thông tin về tài chính doanh nghiệp. Về lâu dài, cần hướng tới phát triển các loại thông tin như đánh giá xếp hạng công ty, doanh nghiệp, tránh tình trạng một khách hàng nhưng được xếp nhiều thứ hạng khác nhau tại các ngân hàng thương mại khác nhau.
- Củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tín dụng. Thực hiện nghiêm cơ chế thưởng phạt gắn liền với trách nhiệm của các thành viên trong hệ thống thông tin tín dụng. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề giới thiệu phương pháp, kỹ thuật mới trong đánh giá, phân loại và xếp hạng tín dụng khách hàng của các tổ chức có uy tín, hay kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới để các ngân hàng thương mại tham khảo.
Kết luận chương III
Tại chương III này tác giả đã trình bày một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB hoạt động tín dụng phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển của ban lãnh đạo BIDV. Đồng thời tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị đối với ngân hàng nhà nước và ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát Triển Việt Nam.
KẾT LUẬN:
Đề tài: “ Kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng Ngân hàng TMCP Đâu tư và Phát triển Việt Nam” được thực hiện gồm các nội dung sau:
Thứ nhất: làm rõ cơ sở lý thuyết về hệ thống kiểm soát nội bộ về hoạt động tín dụng của NHTM. Từ đó làm cơ sở cho việc đánh giá hệ thống KSNB hoạt động tín dụng tại BIDV.
Thứ hai: Luận văn nêu thực trạng hoạt động KSNB hoạt động tín dụng tại BIDV. Tác giả nêu sơ lược về tình hình phát triển của BIDV và sử dụng phương pháp khảo sát, phỏng vấn, phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống KSNB hoạt động tín dụng tại BIDV theo năm cấu phần của COSO: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin truyền thông và hoạt động giám sát. Kết quả khảo sát cho thấy BIDV kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng tại ngân hàng được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như mô hình phê duyệt phân tán, dễ phát sinh rủi ro, quy trình chấm điểm xếp hạng tín dụng còn nhiều bất cập, BIDV chưa chú trọng đến việc đánh giá rủi ro tiềm ẩn, hoạt động của ban kiểm soát còn chồng chéo giữa chức năng kiểm soát và kiểm toán,…
Thứ ba: Từ những hạn chế trên tác giả đã đưa ra các biện pháp nâng cao hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng tại BIDV và đưa ra một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà Nước, BIDV.
Với những nội dung nghiên cứu cơ bản trên, luận văn đã hoàn thành tương đối mục tiêu nghiên cứu đề ra. Tác giả mong muốn góp phần nhỏ vào quá trình hoàn thiện hệ thống KSNB hoạt động tín dụng tại BIDV. Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu ngắn, tác giả không có đủ điều kiện nghiên cứu sâu và rộng hợn hệ thống KSNB của BIDV như chưa khảo sát đầy đủ tất cả các chi nhánh của BIDV, chưa tiếp xúc trực tiếp với nhiều cán bộ phụ trách về kiểm soát nội bộ và lãnh đạo cấp cao của BIDV. Vì vậy với nguồn tài liệu thu thập được cộng với kiến thức còn hạn chế nên luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự góp ý của quý thầy cô, cũng như đọc giả để luận văn được hoàn chỉnh hơn.