Mỗi hoạt động kinh doanh đều diễn ra trong một môi trường nhất định. Mỗi môi trường đều có tính hai mặt của nó, một mặt nó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nhưng mặt khác nó cũng có thể hạn chế sự phát triển các hoạt động
của ngân hàng. Vì vậy, hoạt động kinh doanh chịu sự tác động của môi trường xung quanh rất lớn. Nghiệp vụ huy động vốn của NHTM nói chung và huy động tiền gửi dân cư nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên để tiến hành hoạt động dù dưới hình thức nào đi chăng nữa thì phải tồn tại chủ thể và khách thể. Do đó xem xét các nhân tố tác động tới huy động tiền gửi dân cư đối với các NHTM bao gồm nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan.
Nhân tố khách quan
- Về chính trị - xã hội:
+ Sự ổn định về chính trị - xã hội có tác động rất lớn đến tâm lý, niềm tin của
người gửi tiền. Một quốc gia có nền chính trị ổn định thì người dân sẽ tin tưởng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn khi một quốc gia có sự bất ổn.
+ Môi trường văn hóa là các yếu tố quyết định đến các tập quán sinh hoạt và
thói quen sử dụng tiền của người dân. Ở các nước phát triển, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã khá quen thuộc với người dân. Tại những nước đang phát triển như Việt Nam, người dân có thói quen giữ tiền mặt hoặc tích trữ dưới dạng vàng, ngoại tệ mạnh… làm cho lượng vốn được thu hút vào ngân hàng còn hạn chế.
+ Cơ cấu dân cư và vị trí địa lý: Ở các thành phố lớn phát triển, đặc biệt ở những thị trường sôi động, có độ nhạy cảm cao với lãi suất và tiện ích khác do nghiệp vụ huy động vốn đem lại thì việc mở rộng và bổ sung nguồn vốn của NHTM sẽ thuận lợi hơn những nơi kém phát triển.
- Về kinh tế:
+ Sự ổn định và phát triển của nền kinh tế (lạm phát): Động thái của nền kinh tế
chính là cơ sở đầu tiên để người gửi tiền quyết định gửi tiền vào ngân hàng, tích trữ vàng, ngoại tệ hay mua sắm các tài sản khác. Trong điều kiện nền kinh tế không ổn định, giá cả và sức mua của đồng tiền biến động mạnh thì người dân có xu hướng tích trữ vàng, ngoại tệ hoặc các dạng tài sản khác hơn là gửi tại NHTM.
+ Chính sách của Nhà nước: Đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn
đến công tác huy động vốn của các NHTM. Sự thay đổi trong chính sách tài chính, tiền tệ và các quy định của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước cũng gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn của các NHTM.
+ Nhân tố môi trường kinh doanh: Đó là các điều kiện kinh tế - xã hội nơi ngân
hàng hoạt động và sự cạnh tranh giữa các NHTM trên cùng một địa bàn, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm như Hồ Chí Minh, Hà Nội… Môi trường kinh doanh tạo điều kiện hoặc hạn chế khả năng huy động vốn do đó ngân hàng phải luôn bám sát thị trường, áp dụng các hình thức huy động vốn phù hợp nhằm thu hút tối đa lượng tiền trong dân.
- Về khách hàng:
+ Tuổi của khách hàng: Người lớn tuổi là những người đã có nhiều năm làm
việc nên sẽ tích lũy được tiền. Hơn nữa, những người lớn tuổi thường có tâm lý thận trọng, không dám mạo hiểm đầu tư hay chi tiêu thoải mái. Nên đây là đối tượng có nhiều khả năng gửi tiền vào ngân hàng.
+ Thu nhập của khách hàng: Khách hàng có thu nhập càng nhiều thì khả năng tiết kiệm được cũng nhiều hơn những người có thu nhập thấp. Ngân hàng cũng không thể kỳ vọng vào những người có thu nhập thấp gửi nhiều tiền vì khả năng tiết kiệm để gửi tiền nhiều rất thấp.
+ Trình độ học vấn của khách hàng: Người có trình độ càng cao là những người thường có công việc tốt hơn nên thu nhập tốt hơn, có mức độ am hiểu thủ tục và các sản phẩm dịch vụ tiện ích mà ngân hàng đem lại càng cao nên họ thường xuyên giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là mở tài khoản gửi tiền để sử dụng các tiện ích đó.
+ Tình trạng hôn nhân của khách hàng: Thực tế cho thấy, sau khi kết hôn khả năng tích lũy nhiều hơn vì cả hai vợ chồng cùng chung tay xây đắp gia đình nên có nhiều khả năng gửi tiền hơn những người chưa lập gia đình.
+ Giới tính của khách hàng cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng. Do đặc tính của người phụ nữ Việt Nam có tính tiết kiệm nên họ thường xuyên
tham gia các chương trình tiết kiệm để tích lũy số tiền lớn trong lương tai như: gửi tiền ngân hàng, quỹ tiết kiệm… nên thích hợp cho ngân hàng đưa ra sản phẩm tiết kiệm tích lũy, tích góp.
+ Nhân tố thời vụ tiêu dùng: Thời vụ tiêu dùng cũng có ảnh hưởng lớn đến tình hình huy động tiền gửi tiết kiệm của một NHTM trong một thời gian nhất định. Vào thời vụ tiêu dùng thì nói chung tiền gửi tiết kiệm giảm xuống. Ví dụ vào dịp Tết Nguyên đán tiền gửi tiết kiệm giảm do người dân rút tiền để sắm Tết, tích trữ hàng hóa. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Mỗi loại nguồn vốn chịu tác động khác nhau của những yếu tố đó. Do vậy, ngân hàng cần phải nghiên cứu đặc điểm riêng của từng loại nguồn vốn để có chính sách huy động phù hợp, đảm bảo mục tiêu mà ngân hàng đề ra.
Nhân tố chủ quan của NHTM:
- Chính sách lãi suất cạnh tranh: Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng một chính sách lãi suất trở nên cực kỳ cần thiết trong việc thu hút các khoản tiền gửi và duy trì lượng tiền gửi hiện có. Đặc biệt với tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM hiện nay, những khác biệt tương đối nhỏ về lãi suất cũng thúc đẩy người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư chuyển vốn từ nơi này sang nơi khác.
- Chiến lược kinh doanh của ngân hàng: NHTM cần phải xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức nhằm định vị được chỗ đứng hiện tại của mình, đồng thời có những dự đoán sự biến động của môi trường để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, trong đó chiến lược phát triển quy mô và chất lượng nguồn vốn là một bộ phận quan trọng.
- Công tác cân đối vốn của ngân hàng: Một chiến lược huy động vốn đúng đắn, phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn sẽ tạo điều kiện cho NHTM đạt được mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Thông qua cân đối vốn, NHTM sẽ biết được thực trạng và có những dự đoán nhu cầu biến động vốn trong tương lai, đưa ra chính sách huy động thích hợp về số lượng cũng như là về loại tiền và kỳ hạn huy động.
- Các hình thức huy động vốn của ngân hàng: Hình thức huy động vốn của ngân hàng càng đa dạng, phong phú thì càng đáp ứng một cách tối đa nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Vì vậy đa dạng hóa sản phẩm huy động vốn có thể coi là “cuộc chạy đua” không có đích của các NHTM hiện nay.
- Các dịch vụ ngân hàng hiện đại hỗ trợ hoạt động huy động vốn: Ngày nay với sự phát triển công nghệ nhanh chóng, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đang từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn so với kênh phân phối truyền thống: mua thẻ điện thoại trả trước; thanh toán điện nước, thanh toán trên các website mua bán trực tuyến…
- Chương trình khuyến mãi: Ngoài yếu tố lãi suất thì chương trình khuyến mãi của ngân hàng như: tặng lãi suất thưởng, tiền mặt; hiện vật; chương trình quay số trúng thưởng,… sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng gửi tiền. Do thị hiếu của khách hàng rất đa dạng nên tùy theo phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng mà ngân hàng triển khai chương trình khuyến mãi phù hợp.
- Chính sách Marketing: Trong những năm vừa qua, hoạt động ngân hàng đã có những chuyển biến sâu sắc. Quy mô ngày càng mở rộng cả về số lượng lẫn phạm vi, các loại hình kinh doanh đa dạng và phong phú hơn. Do đó, việc tiếp thị các sản phẩm dịch vụ ngân hàng là vô cùng cần thiết.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật: Một NHTM có trụ sở kiên cố, bề thế, mạng lưới các chi nhánh rộng khắp cùng các trang thiết bị và công nghệ hiện đại… sẽ là một trong những yếu tố tạo uy tín cho khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.
- Thương hiệu của ngân hàng: Trong giai đoạn hậu WTO, cạnh tranh giữa các ngân hàng không chỉ là lãi suất, chất lượng dịch vụ mà thương hiệu cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Thương hiệu của ngân hàng càng được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng thì việc huy động vốn cho ngân hàng sẽ càng thuận lợi. Bên cạnh những nhân tố trên thì những nhân tố như: trình độ công nghệ, thái độ và thời gian phục vụ khách hàng, kỹ năng giao tiếp và tác phong làm việc của cán bộ ngân hàng,
thủ tục và mẫu biểu chứng từ giao dịch hay nhu cầu vốn của NHTM trong từng thời kỳ cũng tác động không nhỏ tới khả năng huy động vốn của ngân hàng.