Việc giảng dạy khó khăn hay dễ dàng, không chỉ là do văn tự đơn giản hay khúc chiết. Sự thật thì bản văn đơn giản cũng có chỗ khó hiểu, bản văn khúc chiết cũng có chỗ dễ hiểu. Thế nên chẳng được sợ hãi khi gặp bản văn khó, cũng đừng thấy bản văn dễ mà xem thường. Làm công việc giảng dạy là vì lợi ích cho người, nếu chẳng biết căn cơ của họ thế nào thì khó làm cho họ tiếp nhận. Cần nhất là đối với kinh văn khúc chiết phải giảng giải làm sao cho dễ hiểu lại, đối với kinh văn đơn giản phải bổ sung ý nghĩa cho được sâu xa, giúp người nghe phát sanh hứng thú. Bởi câu văn khúc chiết, ý nghĩa có khi sâu kín, người phần nhiều khó hiểu, như cụm từ “Đồng viên chủng trí”, phải dùng cách khéo, hoặc lập ra ví dụ, hoặc tạo thành biểu đồ, làm cho ý nghĩa sâu kín trở thành hiện rõ, phức tạp trở nên đơn giản. Người giảng dạy có khả năng diễn đạt thuyết phục hùng tráng, người nghe phát sanh hứng thú dẹp tan những cấu uế trong lòng, được như thế mới gọi là cách làm cho câu văn chẳng còn sâu sắc khó hiểu. Nhất định thực hiện theo cách này thì tuy giải thích ý nghĩa khó được trọn vẹn, nhưng dễ dàng phù hợp căn cơ người nghe. Còn câu văn đơn giản ý nghĩa đôi khi đã rõ ràng, mọi
68
người phần nhiều dễ hiểu, như câu “Tôi nghe như vầy”, phải trình bày rộng thêm những chỗ vi diệu, hoặc nói thêm nghĩa lý sâu xa, hoặc trích dẫn lời dạy xưa khiến cho câu văn đã rõ ràng mà người nghe cảm thấy sâu sắc, trong lời văn đơn giản lại hàm chứa nội dung phong phú. Người giảng phải có ngôn từ khéo giỏi, người nghe không cảm thấy vô vị, như thế mới gọi là cách bổ sung ý nghĩa cho được sâu xa. Chẳng thực hiện theo cách này thì tuy dễ dàng giải thích câu văn, nhưng khó phù hợp căn cơ người nghe.