7. Đóng góp của khóa luận
1.2.2. Thành tựu của văn xuôi tự sự thời cuối Lê đầu Nguyễn
Văn xuôi tự sự giai đoạn nửa sau thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX nói chung và thời kì cuối Lê đầu Nguyễn nói riêng là một phần quan trọng trong tổng thể văn học trung đại, một mặt chịu sự chi phối bởi quy luật chung của thời đại và loại hình, mặt khác có những biểu hiện riêng, làm nên sắc điệu độc đáo đáng được quan tâm. Về một phương diện, có thể gọi đây là nền văn học phê phán, tố cáo xã hội. Nếu như qua sử sách, các sử gia giúp chúng ta hiểu hơn về hiện thực lịch sử thông qua các sự kiện, số liệu, sử liệu… thì qua các tác phẩm văn học, những tác phẩm văn xuôi tự sự viết bằng chữ Hán, bộ mặt của xã hội , của giai cấp phong kiến thống trị được vẽ lên khá đậm nét.
Theo Nguyễn Đăng Na, văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam ra đời từ thế kỉ X đến thời kì cuối Lê đầu Nguyễn là một chặng đường sáng tạo khá dài:
Giai đoạn thứ nhất từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, văn xuôi tự sự chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn học dân gian và sử truyện. Tiêu biểu như: Ngoại sử ký
của Đỗ Thiện, phần Ngoại kỷ trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu hay Việt điện u linh tập của Lí Tế Xuyên nửa đầu thế kỉ XIV và Lĩnh Nam chích quái
lục của Trần Thế Pháp cuối thế kỉ XIV. Mở đầu cho sự hình thành truyện ký trung đại chuyển từ những câu chuyện kểtrong dân gian được ghi chép lại có hệ thống, tạo nên dòng truyện “thấy gì ghi nấy”, ghi chép những “dị sự” lưu truyền trong dân gian. Các sáng tác trên đều hướng tới chủ đề dân tộc. Mặt khác, yếu tố hiện thực, nhất là sự thực lịch sử vẫn được đảm bảo. Do ảnh hưởng trực tiếp từ sử truyện, nên kỹ thuật chép sử biên niên cũng để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều thiên truyện. Mặc dù tạo được nhiều giá trị nghệ thuật đáng quý, nhưng văn xuôi tự sự chặng đường đầu tiên vẫn "chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng".
Giai đoạn thứ hai được tính từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVI. Đây là giai đoạn văn học dân gian hoặc sử liệu chỉ còn là một phần chất liệu sáng tác. Nhà văn không dừng lại ở việc ghi chép, "gia công" mà thực sự đã "sản xuất" ra "sản phẩm" mới. Vẫn tiếp nối mạch nguồn chủ đề đất nước - dân tộc; phần quan trọng hơn các tác phẩm đã hướng tới chủ đề thế sự, phản ánh hiện thực cuộc sống và nêu cao cảm hứng nhân văn, "lấy con người là đối tượng và trung tâm phản ánh". Đó là áng “Thiên cổ kì bút”-Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, là
Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Nam Xương tứ quái truyện (khuyết danh), Ngọc Thanh u minh thần lục (khuyết danh).
Bước sang giai đoạn thứ ba, thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX được xem là mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền văn xuôi trung đại và đạt đến độ rực rỡ nhất: phong phú về nội dung tư tưởng, đa dạng về thể loại và đạt nhiều thành tựu đỉnh cao về nghệ thuật. Các tác giả trên đã nỗ lực đổi mới cách viết nhằm phản ánh tức thời những điều mắt thấy tai nghe, những điều đang xảy ra quanh ta với quan điểm viết về những “sở văn”, “sở kiến”. Đặc biệt trong lĩnh vực văn xuôi tự sự chữ Hán, đây là chặng đường phát triển hoàn chỉnh của cả ba hình thức truyện ngắn, kí và tiểu thuyết chương hồi:
Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề)
Sơn cư tạp thuật (Đan Sơn)
Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm)
Tân công dư tiệp ký (Trần Thọ)
Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh)
Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (Gia Cát)
Tân truyền kỳ lục (Phạm Quý Thích)
Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác)
Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án)
Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ)
Mẫn Hiên thuyết loại (Cao Bá Quát)
Hát đông thư dị (Nguyễn Thượng Hiền)
Thính văn dị lục (Khuyết danh)
Nam thiên trân dị tập (Khuyết danh)
Thoái thực ký văn (Trương Quốc Dụng)
Vân Nang tiểu sử (Phạm Đình Dục)
Việt Nam kì phùng sự lục (Khuyết danh)
Trong đó, kí xuất hiện với nhiều hình thức phong phú (tùy bút, ngẫu lục, tạp thuật, kí sự…) và nội dung rất đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề đời sống xã hội, phản ánh kịp thời hiện thực sôi động của Việt Nam đương thời. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết chương hồi ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam. Những vấn đề lịch sử xã hội rộng lớn, với sự khái quát cao đã được thể hiện một cách sinh động, đầy đủ và sâu sắc. Vì thế không phải ngẫu nhiên người ta gọi thời kì này là thời kì của kí và tiểu thuyết chương hồi. Có thể điểm đến như:
Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, được xem là tác phẩm mở đầu cho thể kí thế kỷ XVIII - XIX, là một tác phẩm văn xuôi tự sự có quy mô lớn với 43 thiên và lời tựa của chính tác giả ghi năm 1755. Tác phẩm tập hợp những ghi chép tranh thủ lúc rảnh rang công việc của tác giả nhưng lại chứa đựng nhiều tư liệu quý giá về về đời sống xã hội, lịch sử của một thời đã qua. Tập kí không những có giá trị về mặt thể loại khi mở ra lối viết kí nhiều thiên mà còn có giá trị văn hóa, văn học lớn.
Sơn cư tạp thuật gồm 184 thiên do Đan Sơn viết vào những năm Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Trịnh. Đây là tác phẩm viết theo lối tạp kí, tạp thuật nhưng có nhiều thiên đạt trình độ truyện ngắn và có giá trị trong dòng truyện về những điều linh dị ở thế kỷ XVIII - XIX.
Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác là tác phẩm kí nghệ thuật đích thực đầu tiên của văn học Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể kí thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết kí về sau này. Tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán thuật lại chuyến đi từ Hà Tĩnh ra kinh đô Thăng Long của tác giả năm 1781 để chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán theo lời mời của chúa. Tập văn mang tính chất một du ký, tác giả trình bày sự việc như đã diễn ra tuần tự trong cuộc hành trình suốt 10 tháng từ lúc xuất phát cho đến khi trở về nhà. Đó là những điều mắt thấy tai nghe khi tác giả đến kinh thành, vào phủ chúa, tiếp xúc với người trong phủ chúa, với các nho sỹ ở kinh thành. Đó còn là những dòng tâm trạng của một con người cực kì bất mãn đối với xã hội đương thời, cảm thấy mình “chẳng khác gì một người tù”. Qua đó bộc lộ quan điểm, cảm xúc của tác giả trước thời cuộc và cảnh “vật đổi sao dời” của quê hương. Lê Hữu Trác hiện lên trong tác phẩm vừa một danh y lỗi lạc, một ẩn sĩ thanh cao, vừa là một thi nhân dạt dào cảm xúc và luôn đặt mình ra ngoài vòng cương toả, nghe tới hai chữ “công danh” thì sợ đến “dựng cả tóc gáy” bởi mắc vào rồi “trời cứu cũng không thoát được”. Có thể nói, tác phẩm chẳng vương vấn gì đến văn học chức năng.
Hoàng Lê nhất thống chí được các tác giả họ Ngô viết với mục đích là ghi chép lại lịch sử xã hội nước ta khoảng 30 năm cuối thế kỷ XVIII, kể từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1786) cho đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Thiên ký sự lịch sử đã dựng lại được khá rõ và đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua những bức tranh miêu tả sinh động về sự lục đục trong phủ chúa: Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng lập con thứ. Hoàng Đình Bảo về phe Đặng Thị Huệ. Trịnh Tông dựa thế kiêu binh giết Hoàng Đình Bảo, tiêu diệt phe đối lập, truất ngôi Trịnh Cán. Rồi kiêu binh lộng hành, Nguyễn Huệ trong
Nam kéo quân ra Bắc dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” đánh tan kiêu binh, đưa Lê Chiêu Thống lên ngôi. Khi Nguyễn Huệ kéo quân về Nam, Trịnh Bồng nhảy ra giành ngôi chúa. Lê Chiêu Thống hoảng sợ bỏ chạy, cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh nhân cơ hội ấy cất quân sang xâm chiếm nước ta. Dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ, quân đội nhà Thanh bị đánh tan tác. Nguyễn Huệ lên ngôi vua. Nhưng triều đại Tây Sơn quá ngắn ngủi, sau khi Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn bị chia rẽ và suy yếu. Nguyễn Ánh nhờ thế lực ngoại viện trở lại tấn công, lật đổ nhà Tây Sơn, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Có thể nói, những sự kiện quan trọng của giai đoạn lịch sử này đều được Ngô Gia Văn Phái ghi chép lại chính xác những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật ở ngay thời kì mà tác giả đang sống và chứng kiến mà Nguyễn Lộc đã gọi nó là một cuốn ký sự lịch sử.
Như vậy ở thời kì cuối Lê đầu Nguyễn, nền văn xuôi Việt Nam đã xuất hiện những tác phẩm giá trị, có tính chất phê phán hiện thực xã hội phong kiến thối nát, già cỗi…, nổi bật là tập đoàn phong kiến Lê- Trịnh. Và từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu dường như mới chỉ tập trung đi sâu tìm hiểu, khẳng định đóng góp, giá trị của những tác phẩm có quy mô lớn như Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác mà chưa đi sâu nghiên cứu đóng góp, giá trị, nét đặc sắc riêng của những tác phẩm văn xuôi tự sự có quy mô vừa và nhỏ như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ,
Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án…Tìm hiểu những tác phẩm này sẽ giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện, đánh giá đầy đủ hơn về thành tựu của văn xuôi tự sự Việt Nam thời cuối Lê đầu Nguyễn trong nền văn học trung đại. Đó là điều mà chúng tôi muốn đề cập đến luận văn này, nhằm góp tiếng nói nhỏ bé trong việc hiểu và cảm tác phẩm một cách đầy đủ hơn.