7. Đóng góp của khóa luận
3.3.1. Ghi chép những sự kiện xảy ra ở đời “Lê mạt Nguyễn sơ”
Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi thấy Tang thương ngẫu lục và Vũ trung tuỳ bút
đã tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn hiện thực đen tối lịch sử nước ta vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đời sống đã thôi thúc các nhà văn ghi nhận và phản ánh trong tác phẩm của mình bằng một cách riêng dù có yếu tố huyền ảo thì hiện thực đó vẫn hiện lên, hấp dẫn người đọc nói chung và các nhà lịch sử nói riêng.
Niên hiệu trong các tác phẩm cũng được gắn với các triều đại cụ thể, từ các thời tiền triều như thời Lý - Trần đến thời Hậu Lê và Lê Mạc, Trịnh Nguyễn. Trong đó, thời Lê, đặc biệt niên hiệu Cảnh Hưng (vua Lê Hiển Tông), được nhắc đến nhiều nhất. Bởi niên hiệu Cảnh Hưng là thời đại các tác giả đang sống và là triều đại trị vì lâu nhất của nhà Lê, với sự nhún nhường của vua Lê Hiển Tông. Đây cũng là giai đoạn cuối của triều Lê, trước khi Lê Chiêu Thống lên ngôi và bán nước.
Qua nghiên cứu, có thể nói ý thức ghi chép chính xác lịch sử của các tác giả là một điều đáng trân trọng. Bởi tên các vùng đất, các di tích đều có thật, ứng với từng giai đoạn lịch sử có thật. Cho nên trong Lời giới thiệu cuốn Tang thương ngẫu lục, Trương Chính đã nhận xét: “Khi tra cứu để chú thích tập sách này, căn cứ vào những tài liệu lịch sử, địa lý chính xác, mà ngày nay có thể có được, chúng tôi không gặp một chỗ lầm lẫn nào đáng kể. Tên đất, tên người, năm tháng và các sự kiện, có thể kê cứu được, thì không xê xích mấy. Lấy một thí dụ nhỏ: Truyện Sông Dùng. Sông Dùng là tên khúc Lam chảy qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; những tên làng hai bên bờ sông, như
Đại Đồng, Đồng Luân,… đều đúng cả, mặc dù chuyện không thể tin được” [11, tr.13].
Tùy hứng mà viết, tùy bút mà viết, cảm hứng dào dạt, dâng trào đã phô bày cảnh ăn chơi xa hoa của chúa Trịnh Sâm, cảnh bán hàng của bọn nội thần nội thị, cảnh tấu nhạc của bọn nhạc công cung đình tại chùa Trịnh Quốc nơi Hồ Tây giữa thế kỉ XVIII, sự nhũng nhiễu của bọn hoạn quan khắp chốn dân gian...Như tác giả Lê thời Tân khẳng định: “Đọc một lượt tác phẩm của Phạm Đình Hổ, gấp sách ngó lại nhan đề ngoài bìa ta sẽ thấy đấy cũng là một tập bút kí ghi chuyện mưa đời gió thế. Và rồi đến lúc mở lại cuốn mà Phạm Đình Hổ chung bút với bạn văn Nguyễn Án – cuốn Tang Thương Ngẫu Lục, ta lại thấy “trong cơn mưa gió” (Vũ Trung) ấy cũng là giữa “cuộc bể dâu” (Tang Thương). Nói rộng ra, tùy bút ngày mưa ấy cũng là ngẫu lục chuyện non sông thế cuộc, chuyện kinh lịch đời người...”[29]
Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh đã xảy ra vào hai năm Giáp Ngọ - Ất Mùi (1774 - 1775), đó là lúc Đàng Ngoài “vô sự”, là những năm tháng hoàng kim của Trịnh Vương (Trịnh Sâm); khi mà người ngọc Đặng Thị Huệ được Chúa sủng ái trở thành nguyên phi. Trịnh Sâm sống trong xa hoa thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Cảnh đón tiếp với các thứ nghi lễ thật tưng bừng độc đáo. Có “binh lính đến hầu vòng quanh bốn mặt hồ”. Có tổ chức hội chợ, do quan nội thần cải trang “bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán”.Gác chuông chùa Trấn Quốc trở thành nơi hòa nhạc của bọn nhạc công cung đình. Đình đài, cung điện được xây dựng “liên tục” nhằm thỏa mãn lối sống ăn chơi của vua chúa và bọn quan lại thời Lê Trịnh. Bao nhiêu tiền của, vàng bạc, châu báu, nước mắt mồ hôi và cả xương máu của nhân dân bị bòn vét đến kiệt cùng. Thiên kí của Phạm Đình Hổ có giá trị lịch sử sâu sắc.
Trong thiên Tự thuật Phạm Đình Hổ kể lại một chuyện có thật của gia đình mình ở phường Hà Khẩu để vừa tạo nên niềm tin cho người đọc, vừa để phê phán bộ mặt tham lam, ghê tởm của bọn quan lại thời Lê Trịnh, vạch trần sự thối
tha trong phủ chúa: Vì gia đình ông thuộc hàng quan lại, quý tộc thời Lê Trịnh nên trước sự nhũng nhiễu hoành hành, mẹ Phạm Đình Hổ là bà cung nhân phải sai người nhà chặt cây lê “cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng”, hai cây lựu trắng, lựu đỏ “lúc ra quả trông rất đẹp”. Một chi tiết rất sống, rất thực.
Lục đục chính trị xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới nhân dân. Thảm cảnh chiến tranh nhân dân cũng là người đầu tiên hứng chịu. Bằng ngòi bút tang thương của các tác giả những trận đói khủng khiếp năm 1741 bắt đầu từ Hải Dương và năm 1774 xảy ra ở Thuận Hóa, người chết đầy đồng, một trăm đồng không đổi lấy được bữa ăn, đến nỗi ăn cả chuột, rắn không thể không nhắc tới. Đó là kết quả tất nhiên của việc vơ vét của cải để xây lăng tẩm, chùa chiền.
Trong truyện Người nông phu ở Như Kinh, Phạm Đình Hổ kể lại sự việc năm Kỷ Dậu (1789), “loạn lạc vừa yên thì chứng dịch tả lại phát dữ dội”. Ban ngày thường trông thấy ma. “Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng rên rỉ, khóc than”. Bạn của ông, Ninh Quý Hoằng, có kể câu chuyện như sau: “ có người nông phu ở làng Như Kinh ra đồng kiếm củi, gặp một toán quân rất đông, trong đó có người bạn cũ đội cái khăn đỏ, người ấy tháo chiếc khăn đỏ quàng cho, rồi dắt anh ta vào quán mời uống rượu. Họ ăn uống một bữa no say. Khi ăn xong thấy xe ngựa kéo đến ầm ầm, người bạn vội giật lấy chiếc khăn đỏ đi ra, bác nông phu ngồi trơ giữa quán. Mọi người bắt giữ lại vì cho là ma. Bác nông phu thực tình kể lại câu chuyện, chủ quán mới tha cho về ...”[11, tr.34 - 35]. Qua câu chuyện kì lạ này, người đọc thấy được hiện thực đói kém đương thời, người và ma lẫn lộn.
Hiện thực đương thời đang trong giai đoạn suy sụp của xã hội phong kiến, suy thoái các giá trị đạo đức văn hóa, triều đại mất hết kỷ cương, luân thường đạo lý bị đảo ngược. “Một phen thay đổi sơn hà”, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết Tang thương ngẫu lục là ghi lại bức tranh tả thực về cuộc sống xã hội thời Lê mạt đầy náo loạn, rối ren, phức tạp. Hiện thực lịch sử về một xã hội loạn li còn được Phạm Đình Hổ dự báo qua truyện Ông Bùi Huy Bích: “Một hôm, ông chiêm bao thấy chúa Nghị tổ Ân vương ngự đi chơi núi, ông quỳ khải rằng:
- “Việc nước đến cơ hỏng mất, còn mong ở đấng Tiên vương sẽ tính kế cho xã tắc”.
Chúa thở dài, không nói gì, chỉ tay xuống dưới núi, thì thấy giữa đám núi thịt bể máu, mũ xiêm xe kiệu bề bộn ngổn ngang không biết bao nhiêu mà kể. Sau đó, mấy lần ông xin thoái chức, không được. Chưa bao lâu nước mất...” [11, tr.208]. Đây là một trong những chi tiết hiếm hoi trong các tác phẩm ngụ ý về cảnh chiến tranh binh lửa giúp người đọc cũng phần nào hình dung về một xã hội biến loạn mà hậu quả của nó đã đem lại nỗi thống khổ cho nhân dân.
Tóm lại, qua Tang thương ngẫu lục và Vũ trung tùy bút, người đọc thấy được tài năng nghệ thuật của người cầm bút không chỉ ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trong xã hội Việt Nam đương thời mà các tác giả còn thể hiện thái độ, bản lĩnh ghi lại những hình ảnh của một thời đại đầy biến động. Thái độ của nhà văn trước cái xấu xa, đê tiện cũng rất rõ ràng. Mặt khác, họ còn là những người “gạn đục khơi trong”, để khi gấp quyển sách lại ta không có cái cảm giác khó chịu nặng nề, gay gắt trong đám bụi bặm trần gian. Đó chính là sự linh hoạt, đa dạng trong ngòi bút của mình: không chỉ thấy nỗi đau của nhân dân trong cảnh binh đao, máu lửa, nghèo đói mà người nghệ sĩ còn thấy được vẻ đẹp của con người, của quê hương xứ sở. Những điều như thế có được là nhờ tấm lòng yêu quê hương đất nước, tâm huyết với sự nghiệp văn chương của các bậc tiền nhân.