7. Đóng góp của khóa luận
3.3.2. Ghi chép về hiện thực sinh hoạt đời sống xã hội
Một điểm đáng chú ý khi chúng ta tìm hiểu tác phẩm này, chính là tiêu đề của nó: Tang thương ngẫu lục (ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu), Vũ trung tuỳ bút (cuốn tùy bút viết trong những ngày mưa) – những cái tên đầy sức gợi, sức lan toả sâu xa. “Mưa” ở đây có thể là một hiện tượng có thật, nhưng cũng có thể là hình ảnh mang tính chất biểu tượng – tượng trưng cho một xã hội loạn lạc đau thương khiến cho cả đất trời và con người phải bật khóc. Theo ý kiến của tác giả Lê Thời Tân thì:“...“Vũ Trung” và “Tang Thương” là những ý tượng phản ánh cảm quan nhân thế của người cầm bút. Đấy là những hình
tượng nhuốm đẫm màu sắc trữ tình thi ca”[29]. Nhan đề tác phẩm đã gửi gắm bao niềm xót xa thầm kín. Người đọc không khỏi bâng khuâng xao động. Chỉ với nhan đề, bức tranh hiện thực của xã hội đương thời đã hiện lên trong tâm trí người đọc. Bởi hiện thực tồn tại song song vua Lê – chúa Trịnh. Thực quyền nằm trong tay nhà chúa ngày một lớn mạnh, lấn át quyền của vua Lê. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã khắc họa cảnh tượng ăn chơi phù phiếm nơi phủ chúa. Nhằm lật tẩy bộ mặt của bọn vua chúa, quan lại đồng thời tác giả bày tỏ thái độ của mình qua mỗi thiên truyện.
Dưới ngòi bút Nguyễn Án một lần nữa ta lại được nhận diện xã hội. Việc thi cử thu vào tầm mắt của nhà văn như một ngày hội, nhốn nháo: “Trăm quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, đi hia, đóng đai chững chạc, chầu hầu xung quanh” (Thi nội). Cùng với sự thay đổi lề lối trong phủ chúa là hệ thống đơn vị hành chính và quan lại cấp dưới cũng thay đổi theo. Việc thi cử cũng theo đó mà thay đổi, trước sự đổi thay ấy những người trong cuộc cũng không bằng lòng, quan thượng thư Nguyễn Bá Lân là người: “xưa nay vẫn giữ đạo tôn phù nhà vua, truyền dõi trải hơn hai trăm năm, nay một sớm đổi thay, sợ làm mọi người trông thấy, nghe thấy mà kinh hãi.”[11, tr. 135-136]. Người ta thấy “nhà Lê còn lâu bền được sao”. Cũng bởi thực tại cuộc sống xã hội đương thời đã “bẻ cong” những tấm lòng ngay thẳng như Nguyễn Bá Lân, ông bất bình trước sự thay đổi lề lối thi cử, nêu lên ý kiến của mình mà phải chịu tội chém đầu.
Tác giả cũng kể chuyện Bùi Cầm Hổ (Ông Bùi Cầm Hổ) có tài nhưng do không thi nên đình thần không phục, khi khấn thần thì đèn tắt, ông vẫn cố gắng đọc không sai, sau được vua tin dùng [11]. Dương Công Cảo (Ông Dương Công Cảo) lúc chưa đỗ, thường đến đền Trấn Võ cầu mộng. Thầy bảo: “Suốt đời làm dân thường”. Tỉnh dậy, buồn rầu, “nguội lạnh cả lòng trường ốc”. Trong khoa thi hội, người giám sinh đi cùng mất, ông bèn mạo tên vào trường làm thay và đỗ dù chưa thi hương, sau bị phát hiện nhưng ông được ông Nguyễn Duy Hiểu (cũng trúng cách) xin chúa cho ông vào thi đình. Tuy đỗ nhị giáp nhưng bia vẫn ghi là dân thường [12]. Hai truyện này phần nào phản ánh sự kiên trì và phấn
đấu hết mình của con người trung đại luôn đặt thi cử, công danh lên hàng đầu. Nhưng ẩn sau mỗi câu chuyện lại là thái độ phê phán sự gian dối, khuất tất trong thi cử - một hiện thực nhố nhăng, đầy tiêu cực của con đường khoa cử thời Lê mạt Nguyễn sơ.
Truyện Ông Nguyễn Trật, Kính Phủ kể: Được một ông già giỏi địa lý tìm cho một thế đất để mả thì sẽ phát khoa tiến sĩ. Nhưng điều đặc biệt là tuyên bố của ông cụ già: “Tiến sĩ phải học mà có được thì có gì lạ”. Với chủ trương ấy, cụ già còn bảo đem đốt hết sách vở. “Đến khoa thi hội ấy, Ông miễn cưỡng sắm sửa hành trang tới kinh. Cùng với các người quen, trọ một nhà; trường thứ nhất, trường thứ hai, nhờ họ giúp đỡ, được trúng. Trường thứ ba, lặt được một mảnh giấy, theo đúng mà chép, cũng đỗ”. Đến trường thứ tư, ông nằm mơ thấy có vị thần nói chữ “Khương! Khương!” (nghĩa là gừng). Khi vào thi, ông đem theo gừng. Bấy giờ tiết xuân lạnh giá. Chiều tối một lều bên cạnh có một thí sinh đau bụng kêu rên. Ông đun nước gừng đổ cho uống. Người thí sinh nọ lấy quyển văn ra bảo: “Đây là bài văn rất đắc ý của tôi, may chưa đề tên, xin để đền báo. Mong ông anh cõng ra khỏi trường, dù chết cũng không băn khoăn gì...Sau đó, ông trúng cách. Ở kinh đô người ta huyên truyền cả lên. Việc tiết lộ. Triều đình bãi kỳ thi đình...”[11, tr.223-225]. Thiên truyện giúp người đọc thấy được sự gà mờ của cả quan trường và vua mà dẫn đến đỗ đạt, qua đó tác giả tố cáo chế độ khoa cử lỏng lẻo của xã hội Việt Nam đương thời.
Qua những thiên truyện được Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án ghi lại bằng ngòi bút hết sức độc đáo, tạo hứng thú với bạn đọc và mang lại ý nghĩa lớn lao với lịch sử dân tộc. Có thể thấy các tác giả nâng niu, trân trọng những con người, những tài năng, những giá trị làm giàu cho văn hóa dân tộc. Với tài năng văn chương và tâm huyết nghề nghiệp, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã ghi lại hiện thực sinh hoạt đời sống của xã hội đương thời để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, các tác giả còn thể hiện tâm tư, cảm xúc, tình cảm của mình với nhiều cung bậc, nhiều sắc thái khác nhau trước đời sống xã hội.