7. Đóng góp của khóa luận
2.1.2. Tính chất thể loại văn học trung đại
Văn học trung đại hiện diện qua một hệ thống thể loại với các tính chất nổi bật:
Thể loại văn học trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của thể loại văn học dân gian
Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian. Mối quan hệ giữa văn học viết trung đại Việt Nam và văn học dân gian biểu hiện ở chỗ: văn
học viết tiếp thu văn học dân gian từ đề tài, thi liệu, ngôn ngữ, quan niệm thẩm mĩ ở khía cạnh ngôn ngữ và thể loại. Trong quá trình phát triển hai thể loại luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng của sự hình thành các thể loại tự sự, các tập văn xuôi chữ Hán, các truyện Nôm và các tập thơ ca của tác giả.
“Đại Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có nhiều tư liệu dân gian để viết chính sử, nhiều sự tích có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian như công cuộc xây dựng thành của An Dương Vương với việc thần Kim Quy trừ tinh gà trắng và cho nhà vua lấy nỏ. Thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh với việc “cờ lau tập trận” và việc rồng hiện lên cứu Bộ Lĩnh qua sông…Sẽ không khó bắt gặp những mô tuýp truyện dân gian như “lấy vợ kì dị”, “gặp gỡ người chết”, “xuống thủy cung”…trong “Truyền kỳ mạn lục”, mà dựa vào đó Nguyễn Dữ đã sáng tạo ra những câu chuyện mới. Hay trong 22 truyện của tập “Lĩnh nam chích quái lục”-
Trần Thế Pháp, phần lớn đều có tính chất truyền thuyết.
Quan niệm “văn - sử - triết bất phân” trong các thể loại văn học trung đại Việt Nam.
Hiện tượng “văn - sử - triết bất phân” là một hiện tượng đặc trưng và phổ biến của văn học trung đại, liên quan đến quy luật văn hóa, trạng thái tư duy nghệ thuật, quan niệm văn chương thời trung đại. Nó thể hiện trong hệ thống thể loại văn học và trong cơ chế nghệ thuật ở mỗi tác phẩm văn học cụ thể. Hiện tượng văn - sử - triết bất phân được thể hiện trong hệ thống thể loại của văn học trung đại, gồm hai loại hình chính là : văn vần (thơ) và văn xuôi, thể hiện trong phạm vi văn xuôi rõ nét hơn văn vần. Trong loại hình văn xuôi, các thể loại của nó có thể chia làm hai bộ phận: bộ phận thứ nhất là những thể loại thuộc văn chính luận được viết bằng tư duy khái niệm là chủ yếu thì hiện tượng văn - sử - triết bất phân trở thành đặc trưng thể loại. Bộ phận thứ hai là những thể loại văn xuôi tự sự như truyện truyền kỳ, tiểu thuyết chương hồi…cũng là sản phẩm của quy luật này, tuy nó không thể hiện đậm nét bằng văn xuôi chính luận.
“Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi là một kiệt tác văn chương kết tinh
trên cơ sở của quy luật văn - sử - triết bất phân: Về văn, đó là một nguồn cảm xúc trữ tình mang đậm âm hưởng hào hùng, bề thế tới mức đời sau mệnh danh là thiên cổ hùng văn. Về sử: đó là một bản tổng kết tài tình cô đúc đầy đủ về lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Về triết: đó là lí tưởng nhân nghĩa trực tiếp sáng rực lên trong lời mở đầu và tiếp tục chói lọi ở cuối tác phẩm.
Nhìn từ bề mặt hình thức văn bản tác phẩm, dễ thấy tên thể loại được nêu ngay từ đầu đề tác phẩm
Điều mà B.L.Ríptin từng khái quát về thể loại văn học trung đại phương Đông: “Thể loại trong văn học trung đại là một phạm trù chủ đạo được thể hiện trong cách thường xuyên nêu bật nó lên ở ngay tên gọi tác phẩm”. Ở văn học trung đại tên thể loại thường được gọi theo chức năng và nội dung của nó (cáo, chiếu, biểu, hịch, văn tế…). Vị trí của thể loại trong văn học trung đại quan trọng đến mức nhiều khi tên tác phẩm gắn liền với tên thể loại: Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ,
Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo,…Hiện tượng này đã cho thấy tên thể loại đã xác định tính quy phạm về chức năng và hình thức thể loại của tác phẩm. Đây là định hướng cho việc phân tích tác phẩm từ góc nhìn thể loại.
Mang tính quy phạm cao, có đặc trưng thi pháp hết sức chặt chẽ
Vị trí quan trọng của thể loại trong văn học trung đại còn được xem xét trên bình diện phong cách. Về đại thể, phong cách trong văn học thường được nhìn từ ba cấp độ: phong cách tác giả, phong cách thời đại, phong cách thể loại. Phong cách thể loại là vấn đề lớn, vấn đề quan trọng của văn học trung đại. Một trong những đặc điểm cơ bản của văn học trung đại là tính quy phạm. Đặc điểm này chi phối thể loại, làm nên tính quy phạm về thể loại, dẫn đến sự chặt chẽ về phong cách thể loại. Mỗi thể loại là một phong cách, tồn tại khá bền vững trong suốt quá trình phát triển của văn học. Dù sáng tác trước hay sau, muốn đổi mới thì tác giả văn học trung đại về cơ bản phải tuân theo những quy phạm thể loại. Văn học hiện đại thường thoát ra khỏi tính chặt chẽ này, ranh giới thể loại cũng bị xóa nhòa, những quy phạm chặt chẽ về thể loại không còn như văn học trung đại.
Sự hỗn dung thể loại hay có thể gọi là đậm tính nguyên hợp cũng là một
đặc trưng độc đáo.
Tư duy nguyên hợp là kiểu tư duy thiên về kỹ năng tổng hợp trực cảm, về thể loại chưa có ý thức tách bạch, dứt khoát. Trước hết, đó là sự không "thuần nhất" về mặt thể loại giữa các "thiên" trong từng tập sách. Tình trạng "hỗn dung" hình thức thể loại còn thể hiện ngay cả trong mỗi thiên. Ở đó vừa có văn xuôi vừa có văn vần; vừa có tự sự vừa có chính luận. Trong tác phẩm văn chương có bút pháp chép sử, phê bình thơ văn, bình luận việc đời. Tinh thần "ký sự", "thực lục" cũng thể hiện rõ nét... Theo chúng tôi, sự thiếu ý thức phân biệt về mặt thể loại, tiểu loại (trừ thơ và văn xuôi); về văn học và phi văn học là tình trạng chung thời ấy của cả giới nghiên cứu lẫn người sáng tác, đây là nguyên nhân chính làm nảy sinh hiện tượng trên.