7. Đóng góp của khóa luận
3.4.2. Nỗi buồn trước cuộc bể dâu
Ta thấy bao trùm cả Tang thương ngẫu lục là giọng điệu trữ tình xót xa, nỗi buồn trước cuộc bể dâu, phong hóa mai một. Nó được thể hiện khá rõ qua những trang ghi chép hay những thiên có màu sắc truyện ngắn. Từ những thiên phản ánh nhân tình thế thái, sinh hoạt xã hội, độc giả có thể cảm nhận rõ tâm trạng này. Những trang miêu tả cảnh nghèo khó cơ cực của nhân dân trong cảnh binh đao, loạn lạc. Ở đó hiện lên không gian chết chóc rùng rợn, tiêu điều từng được nhắc tới trong thiên Người nông phu ở Như Kinh, Người nông phu ở An Mô. Lời văn trầm buồn da diết khi kể chuyện người nghèo khổ phải đi ăn xin, ăn cắp, ăn trộm hổ đói xé toạc cả mặt mày. Chuyện lạ của tự nhiên mà con người xưa không thể giải thích nổi: “Chao ôi! Mỗ là hổ mà lại là người, là người đấy mà lại là hổ lạ lùng thật không xiết nổi”(Hóa hổ). Trước cảnh đẹp của chùa linh thiêng nơi cõi Phật bị triệt bỏ “chùa nay đã bị triệt bỏ, khói mờ cỏ rậm bay phớt phơ trong gió thu, muốn tìm lấy một hòn ngói vụn, một viên gạch tàn cũng không thể được” (Chùa Tiên Tích). Đó là phong hóa, văn hóa tinh thần ngày một suy giảm. Người nghệ sĩ cũng xót xa cho những nhân tài bị lãng quên: “Ôi! Ông là người có những luân liệt như thế mà không giữ nổi được mình, con cháu lại bị tru di gần hết. chó cỏ rồng đất, vẫn là mối than chung từ xưa tới nay, đáng buồn vậy thay!” (Ông Lê Trãi). Chứng kiến những giá trị bị dập vùi, người cầm bút không cầm lòng được.
Một nét rất đặc trưng ở những vùng quê, nhất là vùng Bắc Bộ ở nước ta là
thường thờ thần. Thần ở đây có thể là những người có công với đất nước, với nhân dân, nhưng cũng có thể là thần mà người ta thờ để tránh điềm xấu xảy ra. Phong tục là như thế, nhưng có nhiều nơi người ta lại làm không đúng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân và truyền thống văn hoá. Thần hổ,
Thần trẻ con, Bà miếu Chúa Ngựa…là những thiên phản ánh điều đó. Miếu là nơi thờ cúng là nơi hương lửa linh thiêng nhưng: “Đời Hy tổ Nhân vương đã có lần sai phá miếu. Dưới miếu có mả, khơi đào rồi dùng một cơ lính kéo lên mà không nhúc nhích”. Hành động ngang tàng phá miếu, khơi đào vô tội vạ của những người vô ý thức hoặc giả họ cố tình phá bỏ chốn thờ cúng linh thiêng mà không biết đến lễ nghi. Người đời sau không bảo vệ, tôn trọng mà còn cho “trâu bò xuống đẫm bùn đi lên ...lâu năm thành đổ, gai rậm ngút mắt. Đàng cửa nam là trường nuôi ngựa” (Thành cũ Trào Khẩu). Tác giả cảnh tỉnh sự hờ hững của thế hệ sau đối với những di tích lịch sử mà thế hệ cha ông ta để lại, họ không quan tâm hoặc vô tình để những chứng tích “gai rậm ngút mắt”. Hoặc “Bốn cửa kinh thành, xây dựng lên từ đời vua Lý Thái Tổ. Năm gần đây phá bớt từng ngoài cửa Đại Hưng…” (Cửa kinh thành). Với ngòi bút trân trọng, xót xa cho những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bị lãng quên, qua đó bạn đọc thấy được tiếng thở dài của tác giả về xã hội đương thời “Họ Trương ở làng Như Kinh đời trước vốn nghèo lắm, mở cửa hàng bán nước ở ven đường, sớm chiều chỉ kiếm được đủ sống” (Miếu Thuần Dương tổ sư).Họ là những nạn nhân của xã hội làm sao có thể quan tâm đến những nơi miếu đền khi miếng cơm manh áo đang từng ngày ghì họ sát đất. Vì thế người cúng vái nhầm lẫn giữa miếu Thuần Dương và miếu thờ bà chúa Liễu Hạnh là vậy. Phạm Đình Hổ viết: “Từ cuộc binh hỏa năm Bính ngọ về sau, các bậc già cả qua đời, những người cúng vái nhận nhầm là thờ bà chúa Liễu Hạnh hoa vàng vải vóc bầy đày trước án” (Miếu Thuần Dương tổ sư). Cuối cùng tác giả buông tiếng thở dài “những cái lầm lỡ thật là đáng phàn nàn” có nơi đền miếu rất linh thiêng thì người ta thờ nhầm lẫn có nơi thì “hoa vàng hài vóc bày đầy trước án” ; cũng có nơi “Miếu ma ở huyện Yên Phong nay đổi là miếu Xuân, đời thượng cổ có con hồ chín đuôi, vẫn làm họa
hại cho nhân gian một khoảng xa hơn bốn mươi dặm không ai dám ở” (Đền Trấn Võ).
Trong cảm thức Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án thời kỳ cuối triều đại Lê-Trịnh “đời suy thói tệ” nên nhiều thiên kí trong Vũ trung tuỳ bút đúng là cả một tiếng thở dài não nuột cho chính sự một thời.