7. Đóng góp của khóa luận
3.4.1. Sự băn khoăn, trăn trở trước thời cuộc
Tác phẩm chứa đựng tâm huyết lớn của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Qua mỗi thiên truyện hiện lên chân dung của các tác giả với phong vị buồn buồn luôn trăn trở với đời. Ông đau lòng mà ví chốn kinh thành cũng như cuộc đời và xã hội đương thời giống như Lục hải vật sản thì nhiều nhưng tệ nạn và sự đồi bại thì cũng lắm. Tác giả tự kết luận rằng “đó cũng là thời vận xui nên”. Người đọc còn thấy được tình cảm sâu nặng của người cầm bút với các giá trị văn hóa, tâm sự trước nhân tình thế thái ở nước ta những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm không chỉ mang đến những giá trị văn học, sử học mà còn mang lại nhiều giá trị về đời sống xã hội.
Đưa người đọc du ngoạn cảnh chùa Tiên Tích nhưng tác giả vẫn có nỗi buồn trước cảnh binh đao máu lửa đã cướp đi cái đẹp, cướp đi danh thắng mà cha ông để lại: “Triều đình sai thợ đập đá phá cả trâu lẫn hươu vứt vào lò” với lý do rất đơn giản “hai con trâu đá chọi húc nhau”. Một nỗi buồn cùng với tiếng thở dài trước thế sự “Trò đời thịnh suy thay đổi, buồn biết chừng nào!”.[11]
Đa phần hai tác giả thường ca ngợi “tiền triều” mà phê phán vua chúa, quan lại đương thời. Điều này cho thấy, là những nhà nho thất thế, các tác giả mong muốn một triều đại tốt đẹp như trước đây, nhớ tiếc triều Lê, oán giận chúa Trịnh, oán giận cả Tây Sơn; họ thường tỏ ra bi quan đau xót, trước sự đổi thay của thời cuộc. Giống như cuối thiên Chùa Kim Liên, Phạm Đình Hổ viết: “Chao ôi, mây trắng chó xanh biến đổi trong chớp mắt. Người xem cũng nên tỉnh ngộ” [11, tr.232].
Ở xã hội phong kiến, thi cử là con đường được nhiều người lựa chọn và
phấn đấu theo đuổi. Nho sinh là những đối tượng luôn được xã hội quan tâm và đặt nhiều hy vọng. Bởi lẽ họ sẽ là rường cột, góp phần vào sự hưng thịnh hay thành bại của đất nước. Tang thương ngẫu lục có 11/89 thiên, Vũ trung tùy bút
có 16/90 thiên viết về đề tài này, kiểu như: Khoa cử, Cuộc bình văn trong nhà Giám, Phép thi nghiêm mật, Việc thi cử,...
Ghi dấu những quan sát rất sắc sảo của Phạm Đình Hổ về phương diện này, người đọc có thể theo dõi lịch sử khoa cử Việt Nam từ lần đầu tiên khai khoa dưới triều Lý, trải qua các triều đại với những mặt sáng, tối, bi, hài trong lựa chọn nhân tài. Thấp thoáng trong những cuộc thi là hình ảnh của vua, chúa càng làm tôn lên tính chất nghiêm túc, quang minh chính đại. Còn người tài luôn được chú ý cả hai phương diện đức và văn. Thế nhưng hậu trường của khoa cử thì rất nhiều chuyện nhiễu nhương. Nhiều quanh co, mờ ám đã bị con mắt của tác giả - người trong cuộc phơi bày. Vì yêu người này, ghét kẻ kia mà trong một cuộc thi các quan chủ khảo ráo riết tìm bài để nâng, hạ, khen, chê tùy ý. “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ. Thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi”. “Quyển của Vĩ Khiêm đây rồi. Bèn cùng nhau chỉ trích đánh hỏng”…[12] Song, mọi suy luận, đoán già, đoán non đều sai lầm nên người bị ghét vẫn ung dung chiếm bảng vàng còn kẻ chủ trương nâng đỡ đã mở tiệc ăn mừng thì tên không dính bảng. Trong trường thi con ném bài cho cha, sĩ tử lén xé sách để chép. Việc học hành của sĩ tử có khi chỉ là nhặt lấy vài câu hoa hòe, hoa sói hoặc thuộc lòng vài đoạn trong kinh, truyện. Vậy nên, không thể bàn thấu lẽ kinh bang tế thế. Tệ nạn ông Nghè đeo nợ, bà Nghè mua chồng nhiều không kể xiết. Lại có những chuyện đỗ đạt rất khó hiểu, ngay cả người trong cuộc cũng ngỡ ngàng. Đành giải thích bằng những lí do khôi hài: “…vì nhà ba đời không nuôi mèo nên được cái báo ơn ấy” [12]. Từ đời Quang Hưng trở về sau, “người ra đầu bài chỉ chuyên hỏi về những câu hiểm hóc, khó khăn, người đối sách chỉ cốt ghi nhớ được văn cũ là hơn. Trong một bài thi sách có đến vài mươi mục, mỗi mục có đến ba bốn đoạn gọi là mục văn sách. Người nào xem rộng nhớ nhiều thì mỗi đề trả lời đến mười sáu mười bảy hay mười tám đoạn; mỗi đoạn chỉ nhặt nhạnh vài ba mươi
chữ điển cố ở trong sách thì có thể đoạt giáp tranh ngôi được...” [12, tr.191]. Như thế thì không thể xác thực được việc cổ kim, bình luận được sự hay dở. Tệ hơn nữa “ gần đây, đầu bài văn sách lại chuyên hỏi về một mục, bài nào dài thì độ mươi đoạn, ngắn thì độ hơn mươi đoạn, ít ra thì độ bốn năm đoạn, chỉ đem những nghĩa vặt trong kinh, truyện, sử sách, rồi vặn vẹo hỏi đi hỏi lại…kẻ đối sách chỉ khiên cưỡng ý nghĩa, tuỳ theo từng chỗ mà giải thích trả lời, cầu cho trùng ý khảo quan là được...” [13, tr.192]. Từ hiện thực đó, Phạm Đình Hổ đi đến kết luận : “kẻ đỗ đạt làm quan thiên lệch thì nhiều, chính trực thì ít”. Lời văn như một tiếng thở dài ngao ngán đầy tâm trạng của tác giả -một nhà nho luôn trăn trở với đời. Thi cử là nhằm chọn ra những người có đức, có tài để làm quan chăm lo cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế thời tác giả sống không phải như vậy. Người đỗ đạt là những kẻ bất tài, không phải là những người chính trực.
Có thể nói, thực trạng suy thoái của xã hội phong kiến thế kỷ XVIII - XIX đã kéo theo sự suy vi của Nho giáo. Mặt tiêu cực nhất của nó thể hiện ở chốn quan trường và tầng lớp nho sinh trí thức. Ẩn sau tấm màn thần bí của những giấc mộng, điềm báo, phong thủy, một sự thật trần trụi của nơi “cửa Khổng, sân Trình” được phơi bày. Nhiều nhân vật trong các truyện kể thật chẳng xứng đáng với danh tiếng ngoài sự may mắn ngẫu nhiên. (Ông Đỗ Uông, Ông Đàm Thận Huy, Ông Nguyễn Trật - Tang thương ngẫu lục) đều là chuyện “cười ra nước mắt”. Truyện cho thấy, thật ra một số người đỗ đạt là do may mắn, do sự mập mờ của vua và các vị quan trường chứ không phải do tài năng. Với những vị quan bất tài như thế thì tương lai đất nước sẽ ra sao? Chủ trương ghi chép khách quan, không bộc lộ tình cảm, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án vẫn phê phán chế độ khoa cử đương thời. Trong tình hình đất nước loạn lạc, nhiều biến động thì con đường khoa cử không là duy nhất và không còn hấp dẫn nho sinh. Các tác giả đã “vén bức màn thần bí” của những kiểu tiêu cực trong khoa cử. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của triều Lê và xã hội phong kiến cuối thế kỷ XVIII - XIX. Điều này cô gái trong Ma Đồng Xuân cũng dự báo cho Trần Văn Vĩ: “Nay nhà Lê sụp đổ tới nơi rồi, mà ông cũng chẳng đỗ đạt gì đâu, đừng gân
cổ đọc sách dọa nạt tôi làm gì!” [11, tr.38].
Một vương triều muốn duy trì sự thống trị phải khôn khéo trong chính sách, phải quan tâm đến mọi mặt trong xã hội từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Còn chính quyền Lê - Trịnh chỉ lo ăn chơi, không quan tâm đến triều chính, đến tình hình đất nước. Tác giả thực sự trăn trở băn khoăn trước thực trạng này. Trong Địa danh nhân cách (Thay đổi địa danh) tác giả ghi chép về sự thay đổi tên của các huyện, phủ: “Phủ Phụng Thiên có hai huyện, thuở xưa là Quốc Oai Trung Lộ. Các huyện trong phủ Quốc Oai là Thượng Lộ, còn Thanh Trì, Thượng Phúc, Thanh Oai là Hạ Lộ, đời Lý, đời Trần đều tóm gọi là Uy Lộ…”. Những cải cách này rất quan trọng vì nó thuộc về những vùng đất trong lãnh thổ quốc gia nhưng trong quốc sử đều bỏ qua không chép.
Rồi chuyện vua Lê Thái Tổ thoát nạn nhờ linh hồn của một cô gái chết ven đường. Về sau, vua Lê khi đã lấy được thiên hạ, lập một ngôi đền, “sắc phong cho người con gái ấy là Hộ quốc phu nhân” tức đề cao và có ý xem người con gái ấy là vợ của mình. Nhưng có làng cũng thờ thần ấy mà lại gọi là “Hộ quốc Hồ thần”. Hồ ở đây là con cáo, tức thờ con cáo. Đã thế, lại còn kiêm cả tước phong là Đại vương và Công chúa”. Cách gọi như thế thật là sai lầm , không đúng với ý của Lê Lợi trước đây. Nguyên nhân của thực trạng trên là do “các triều gia phong không xét kỹ”. Qua những thiên kí trên, ta thấy được quan lại thời bấy giờ có trách nhiệm đến mức nào đối với tình hình của đất nước. Các quan sử gia, nhà địa lí, nhạc gia, lễ gia đều là những kẻ vô trách nhiệm, không quan tâm đến công việc của mình. Nó dẫn đến sự nhầm lẫn nhiều lúc buồn cười từ đời này đến đời khác.
Vũ trung tuỳ bút là tác phẩm văn học đã phản ánh một cách trung thực, sinh động tình hình nước ta cuối thế kỷ XVIII – giai đoạn gắn với triều đình Lê – Trịnh. Từ xã hội, văn hoá, phong tục đến giáo dục đều khủng hoảng báo hiệu cho sự sụp đổ. Phạm Đình Hổ không chỉ phản ánh để mà phản ánh. Hiện thực được phản ánh chứa chan cảm xúc thông qua cái nhìn lúc thì của một nhà nho phong kiến, lúc thì của một nhà văn hoá, lúc thì của một nhà chép sử.
Qua các bài kí khảo cứu lễ nghi, một mặt tác giả chứng minh sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân. Mặt khác, ông chỉ ra và phê phán cái xấu, cái chưa được. Để làm được điều đó, tác giả đã so sánh, đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại, Việt Nam và Trung Hoa. Qua những gì tìm hiểu, chúng ta có thể hình dung một phần bức chân dung của tác giả. Đó là hình ảnh về một nhà nho mực thước, luôn trăn trở băn khoăn trước những biến thiên của cuộc đời. Ẩn sâu bên trong là niềm khát khao mãnh liệt về cảnh đất nước phồn thịnh với vị vua anh minh,luôn quan tâm đến triều chính và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.