7. Đóng góp của khóa luận
2.1.3. Các quan điểm phân loại thể loại văn học trung đại
Một trong những vấn đề khó khăn khi nghiên cứu văn học trung đại là xác định hệ thống thể loại. Trong suốt quá trình phát triển của văn học trung đại đường biên của hệ thống thể loại có những biến động nhất định: thể loại này mờ đi, thể loại khác xuất hiện, thể loại này vào trung tâm, thể loại kia ra ngoài rìa, tạo thành một dòng chảy uốn lượn, biến đổi bất tận. Nên thể loại văn học trung đại là một hiện tượng rất bề bộn, cách phân loại cũng bề bộn.
Vấn đề phân loại thể loại văn học trung đại đã được ý thức ngay từ thế kỷ XIV, XV với các công trình: Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương… Đến thế kỷ XVIII, XIX thì ý thức phân loại thể loại đầy đủ và sâu sắc hơn với các công trình: Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải do Lê Quý Đôn biên soạn; Hoàng việt văn tuyển của Bùi Huy Bích và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Song nếu xét một cách nghiêm khắc thì đó đều không phải là phân loại văn học.
Bước sang thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu hiện đại tiếp tục công việc phân loại văn học trung đại như:
Trước hết cần nói đến cách phân loại của Phan Kế Bính trong Việt Hán văn khảo (1918). Trong đó tác giả kể đến: thơ, phú, văn tế, minh, trâm, tán, ca ngâm
khúc điệu, các ca khúc (gồm lục bát, song thất lục bát), các điệu ca khúc, diễn kịch, đối liên, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục, hịch văn, văn xuôi, văn ký sự, tựa.
Tiếp đến là Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ, giới thiệu các thể thơ văn: lục bát, song thất lục bát, hát xẩm, hát nói miễu, thơ cổ phong, Đường luật, minh, trâm, tán ,từ khúc, phú, văn tế, chiếu, biểu, cáo, hịch, trướng, kinh nghĩa, văn sách, tựa, truyện, ký, bia, luận, chèo, tuồng. Ở đây đã có mặt một số thể văn dân gian, nhưng lại thiếu vắng các thể ngâm, truyện Nôm, vãn, các thể truyền kỳ, thực lục, kệ.
Công việc phân loại thể loại văn học trung đại Việt Nam đến năm 1943 có tiến thêm một bước mới với công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Ông phân biệt “các thể văn mượn của Tàu và các thể văn riêng của ta” từ đó ông đã chia tác phẩm văn học trung đại thành ba loại vận văn, tản văn và biền văn. Cách phân loại này mang tính khoa học và nhìn chung sát hợp với thực tiễn sáng tác của văn học trung đại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa thể đầy đủ.
Gần đây, Trần Đình Sử trong một công trình khá quy mô Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam đã phân loại thể loại thành các nhóm:
Nhóm I: Các thể thơ trữ tình (thơ tự tình Hán và Nôm, ngâm khúc, hát nói). Nhóm II: Phú (gồm thể phú Hán và Nôm) và các thể văn(gồm thể văn Hán và Nôm như: 1. Chiếu, cáo, sách, dụ, hịch; 2. Tấu, nghị, biểu, khải, sớ, đối sách; 3. Thư, luận, biện, thuyết; 4. Văn tế, điếu văn; 5. Bi, minh, chí; 6. Tự,bạt; 7. Truyện, trạng; 8. Ký, tạp ký, ký sự).
Nhóm III: Thể loại truyện chữ Hán (Truyện thần linh, kì quái; truyện truyền kỳ; tiểu thuyết chương hồi);
Nhóm IV: Diễn ca lịch sử và truyện thơ Nôm. Với công trình này, việc phân loại thể loại văn học Việt Nam trung đại này đã có bước tiến quan trọng, vừa mang tính khoa học vừa có khả năng bao quát được thực tiễn thể loại của văn học trung đại dân tộc. Tuy nhiên việc nhìn thể loại theo hai hệ thống- hệ thống các thể loại văn học chữ Hán và hệ thống các thể loại văn học chữ Nôm vẫn không tránh khỏi những bất cập.
Còn theo Biện Minh Điền trong bài viết Vấn đề phân loại thể loại văn học
Việt Nam trung đại là nên phân thành hai hệ thống: Hệ thống các thể loại văn học ngoại nhập( gồm các thể loại thơ, các thể loại biền văn và vận văn, các thể loại văn xuôi) và hệ thống các thể loại văn học nội sinh ( vì được viết dưới hình thức thơ, do đó không cần phải phân nhóm mà gọi thẳng tên thể loại như nó vốn có như lục bát, song thất lục bát, hát nói…) [5].
Như vậy, để có thể lựa chọn một phương án phân loại thể loại văn học trung đại hợp lý, trước hết cần xây dựng cơ sở khoa học cho việc phân loại. Nghiên cứu thể loại văn học có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đặc điểm loại hình của văn học và các đặc điểm ấy sẽ trực tiếp chi phối ý thức sáng tạo, phân tích và tiếp nhận văn học trên phương diên nội dung và hình thức chỉnh thể tác phẩm. Vấn đề phân chia thể loại văn học nói chung và văn học trung đại Việt Nam nói riêng vẫn cần có sự nghiên cứu liên tục trong đời sống văn học nước nhà.
Trường hợp tên thể loại của Tang thương ngẫu lục và Vũ trung tuỳ bút có thể trùng với tên thể loại trong hệ thống thể loại văn học hiện đại, nhưng chúng cũng có những điểm khác nhau, không đồng nhất với nhau như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Việc tìm hiểu và thử xác định thể loại của của hai tác phẩm có nghĩa rằng, chúng tôi đang muốn làm rõ đặc điểm của một số thể loại trong văn học trung đại.