7. Đóng góp của khóa luận
3.4.4. Lòng yêu nước, thương dân sâu sắc
Điều cần nói ngay là: Viết Tang thương ngẫu lục với tâm trạng của một kẻ hoài Lê, ghét Trịnh và chấp nhận triều Nguyễn các tác giả còn có nhiều ẩn ý. Khởi nghĩa Tây Sơn làm kinh thiên động địa nhưng thời đại ấy tồn tại quá ngắn, chưa đủ hoặc chưa thể để làm cho các tri thức như các ông tin theo. Nay ta đọc
Tang thương ngẫu lục phần viết về triều đại Nguyễn Huệ không có bao nhiêu. Chủ yếu là các thiên ghi lại cảm quan trước thiên nhiên như Chùa Tiên Tích, Bài ký chơi núi Phật Tích, Đền Trấn Võ, Tháp Báo Thiên… Chỉ qua vài trang ta đủ biết là Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án hòa vào thiên nhiên, tôn giáo để quên đi cuộc đời.
Hiện thực lịch sử còn là một xã hội loạn li còn được Phạm Đình Hổ dự báo qua truyện Ông Bùi Huy Bích. Truyện có chi tiết: “Một hôm, ông chiêm bao thấy chúa Nghị tổ Ân vương ngự đi chơi núi, ông quỳ khải rằng:“ Việc nước đến cơ hỏng mất, còn mong ở đấng Tiên vương sẽ tính kế cho xã tắc”. Chúa thở dài, không nói gì, chỉ tay xuống dưới núi, thì thấy giữa đám núi thịt bể máu, mũ xiêm xe kiệu bề bộn ngổn ngang không biết bao nhiêu mà kể. Sau đó, mấy lần ông xin thoái chức, không được. Chưa bao lâu nước mất” [11, tr.208]. Đây là một trong những chi tiết hiếm hoi trong các tác phẩm ngụ ý về cảnh chiến tranh binh lửa. Chỉ một chi tiết này, người đọc cũng phần nào hình dung về một xã hội loạn lạc đương thời mà hậu quả của nó đã đem lại nỗi thống khổ cho nhân dân.
Qua ngòi bút của các tác giả giúp bạn đọc thấy được chế độ thi cử thay đổi dưới tay nhà chúa, nhân dân hoang mang, cuộc sống đảo lộn, giá trị con người bị hạ thấp, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc bị coi khinh. Trong xã hội ấy, nhân dân là nạn nhân của cường quyền phải chịu bao đau thương, khốn đốn. Nỗi lòng nhà văn trĩu nặng trước cảnh dân phải chịu phu phen, chiến tranh loạn lạc, mất mùa đói kém (Vũ Thái Phi). Nên phải bỏ làng, bỏ ruộng đất để đi ăn xin, ăn trộm và đối mặt với bao nguy hiểm rình rập như bị hổ vồ (Anh kẻ trộm làng Lâm Hộ), bị người khổng lồ ăn thịt (Người khổng lồ). Vì thế, Tang thương ngẫu lục
mới có truyện Người làm mướn ở kinh thành phải nhờ Phạm Viên cho chữ trên tay để xin được tiền. Ngoài ra, giặc giã, chiến tranh tràn lan nên hiện tượng triều đình bắt lính để phục vụ cho mục đích bảo vệ quyền lực các tập đoàn phong kiến mà chống lại các cuộc khởi nghĩa nông dân cũng gây bao điêu đứng cho nhân dân ( Người nông phu ở An Mô). Những trang văn của ông như tiếng kêu thương cho con người trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Ông Ninh Quý Hoằng, bạn của Phạm Đình Hổ kể lại: Cũng năm ấy (1789), tại ấp An Mô có một nông phu nghèo phải đi ăn mày ở bãi tha ma. Tối đến, cùng một bạn hành khất khác phải nằm ngủ trong một cái quán bỏ không bên cạnh đường cái quan. Đêm khuya, bụng đói trằn trọc mãi không ngủ được. Bỗng thấy xe ngựa kéo qua, đông như đàn cá nối đuôi, nhận thấy một người quì giống hệt pho tượng Thành Hoàng thờ ở đình làng nhận trát bắt lính, trong đó có tên bác nông phu đang ở dưới gầm sàn, còn một người nữa cũng là hạng nghèo đói ở trong làng không nơi nương tựa. Gà gáy sáng, bác nông phu sợ toát mồ hôi, cùng người bạn lật đật ra về. Nhưng bác nghĩ lại cũng thấy vui lòng vì đã nghe tin sắp thoát được bể khổ, liền đi đến những nhà trong ấp cầu xin một bữa ăn no say rồi chết. Người trong ấp cũng sẵn lòng cho. Quả nhiên cách mấy hôm, bác ta ốm chết và người cùng có tên trong sổ bắt lính hôm ấy cũng chết [11, tr.36-37]. Người đọc truyện không thể không cảm nhận được sức tố cáo qua câu chuyện đầy ám dụ này. Ở âm phủ cũng có cảnh bắt lính như cõi trần. Và tuy biết phải chết nhưng con người lại vui lòng vì được thoát cảnh đói rách khốn cùng nơi bể
khổ trần gian. Nhưng biết đâu, chết rồi, linh hồn vẫn chưa yên? Nói về điều này, bài ký Thơ ma viết về một bài thơ được in trên vách chùa Nguyệt Đường cũng khiến lòng người cám cảnh, đại ý bài thơ như sau: “Đã mấy năm nay không đến chùa Nguyệt Đường, cảnh chùa còn nguyên phong ngấn lệ. Cỏ cũ trước mồ, mọc lên nỗi hờn của vợ và của em gái, một cánh bãi hoang chôn vùi ba cái hồn”. Tác giả cho rằng “lời rất thê thảm, ngờ đó là thơ ma” [11, tr.131]. Không chỉ chịu nhiều đau khổ khi sống mà khi chết, linh hồn của họ vẫn không được siêu thoát. Vì thế, nhân dân thời này cho rằng ma nhiều hơn người, người và ma lẫn lộn. Ở đây, tác phẩm đã lên án các tập đoàn Lê - Trịnh tuyển binh và xô đẩy biết bao người dân vô tội vào cuộc chiến phi nghĩa, khiến họ sống không lành mà chết cũng không yên.
Viết về chuyện nghèo đói, sống chết, các tác giả có ý thức ghi chép lại những chuyện lạ trong dân gian với một tinh thần khách quan (chính tác giả cũng nửa tin nửa ngờ). Nhưng dù thế nào thì qua những câu chuyện, đời sống khốn cùng của nhân dân vẫn lộ rõ, và điều này luôn là thật. Dù viết bằng giọng văn khách quan, nhưng ẩn sâu trong mỗi câu chuyện là sự cảm thông của tác giả trước những nỗi thống khổ của người dân và sự ngợi ca sức sống bất diệt của con người. Đây là một ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các tác phẩm.
Niềm tự hào, tự tôn của tác giả được thể hiện rõ khi nói về những nhân vật lịch sử có đức có tài như Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi…Bằng cảm quan của một nhà văn, khi viết về danh nhân, tác giả không dừng lại ở việc ghi chép tiểu sử, công trạng, mà đi vào thuật tả, bình luận về những việc liên quan đến cuộc đời họ, làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn, ám ảnh, sinh động. Qua từng thiên thấy được tấm lòng sâu nặng với thiên nhiên đất nước. Phải là người yêu quê hương, đất nước thì tác giả mới có những thiên ghi chép đặc sắc, dẫn tới vậy.