7. Đóng góp của khóa luận
3.2.3. Tri thức về phong tục đời sống
Thời nay, trong các nhà văn nước ta, tôi chưa được đọc tác phẩm văn chương nào có sự ngẫm ngợi sâu sắc, thấu đáo, tấm lòng chân thành tha thiết với việc xây đắp nền phong hóa của dân tộc như Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Cuộc sống muôn mặt đời thường cũng hiện ra thật sinh động từ Cách uống chè, nón đội đến cả tệ nạn xã hội như Mẹo lừa, Trộm cắp...
Có lẽ xu hướng thưởng thức cuộc sống làm nên nét ý vị cho văn hóa phương Đông. Trà – một loại thức uống thông thường nhưng trong cách thưởng thức của kẻ sĩ cũng được nâng lên ở tầm nghệ thuật. Trong chương bàn về cách uống trà, Phạm Đình Hổ viết: “... Từ đời Khang Hy trở về sau, uống chè tàu mới đổi ra pha từng chén nhỏ, chứ không hãm trong ấm to nữa, vì uống chè, ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt đĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi. Ấy, cái cách pha chè uống nước, mới đầu còn thô, sau tinh dần mãi
ra. Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi, thường có mùi tanh đồng, không bằng dùng siêu đất nung, pha chè tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy. Thường thường họ giao cho tiểu đồng pha phách tất cả, dùng siêu đồng cho tiện và lâu vỡ, như thế không phải bàn làm chi nữa...”[12, tr. 40]. Phạm Đình Hổ đã miêu tả tỉ mỉ cách uống trà với một sự uyên bác và hào hứng. Uống một chén trà, thật phức tạp mà cũng tinh tế biết dường nào. Uống trà cũng thực là một nghệ thuật, là một nét đẹp văn hóa.
Qua thiên kí như Lạp (Nón đội), Y phục (Áo mặc), ta thấy sự thay đổi trong trang phục đương thời so với trước đó. Nét văn hoá trong hiện tại thời cuối Lê- Trịnh hiện lên rõ nét: “Các ông già đội nón ngoan xác, tục gọi là mềm giải hay tam giang; con nhà quan và học trò các hiệu thì đội nón quan đẩu đại, tục gọi là nón lá; người lớn, trẻ con đội nón liên diệp, tục gọi là nón lá sen; đàn ông đàn bà ở chỗ kinh kỳ đội nón cổ châu. Ở nơi thôn quê đội nón thiên lôi tiểu lạp…” [12, tr. 78]. Như vậy mỗi loại nón phù hợp với một lớp người nhất định với những tiêu chí khác nhau như độ tuổi, địa vị xã hội, giới tính, hoàn cảnh, địa phương. Nhưng khoảng đến năm Nhâm Dần, Quý Mão (1782-1783), quân tam phủ biến loạn thì cách đội nón cũng đổi khác: “nhiều người đội nón viên cơ, đội nón cẩu diện, người có tang một năm trở xuống, buộc quai sợi trắng để phân biệt...còn những thứ nón tam giang, ngoan xác, phương đẩu, viên đẩu, cổ châu, liên diệp và trạo lạp thì không thấy nữa…” [12, tr. 79]. Hay như Áo mặc, tác giả kể về sự thay đổi y phục: “Ngày xưa, học trò và người thường nếu có việc công thì mặc áo thanh cát, lúc thường thì mặc áo truy y, dân quê mặc áo vải trắng thô. Bây giờ thì ai cũng mặc áo thanh cát mà màu thâm...”[12, tr. 79].
Bên cạnh phong tục thì lễ nghi là một nét sinh hoạt văn hoá đặc trưng ở nước ta, và điều đó lại càng được thể hiện rõ hơn trong hình thái xã hội phong kiến. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy Phạm Đình Hổ dành 16/90 thiên kí trong Vũ Trung tùy bút để nói về lễ nghi với tư cách là một nhà nho thời phong kiến: Bàn về lễ, Lễ đội mũ, Hôn lễ, Thừa tự, Tệ tục, Lễ tế giao, phong tục, Thói
kiêng ngày trùng tang trùng phục, Việc tế tự 1, Việc tế tự 2, Lễ tang, Lễ nhà miếu, Thần lễ, Tế lễ, Bái lễ, Lễ sách phong.
Trong tâm thức của con người, lễ là những quy định đặt ra trong xã hội để con người thực hiện. Mục đích của nó là nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa người bề trên và kẻ bề tôi, tạo sự ổn định cho xã hội. Nói về Hôn lễ, thì đây là một trong những nét văn hoá tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam gồm nhiều giai đoạn: từ lễ dạm ngõ đến lễ ăn hỏi cuối cùng là lễ đính hôn. Còn nhà văn họ Phạm giới thiệu “Lễ cưới đặt ra từ thời Phục Hy, rồi các đời noi theo…Đời xưa, nhà trai đưa lễ đi hỏi vợ, nhà gái phúc thư trả lời, chu toàn đi lại đôi bên chỉ có một mụ mối mà thôi”. Lễ như xưa thì sẽ tránh được phiền hà, tốn kém, không hề gây khó dễ cho bên nào mà đôi trẻ vẫn nên duyên vợ chồng. Còn thói tục đời nay: “Từ lúc đi hỏi vợ cho đến lúc thành hôn, nhà trai thường mời cả họ đi theo; người con gái về nhà chồng thì cả họ gái cũng đi tiễn, bày ra hành nghi phục sức, ăn uống linh đình” [12, tr.68]. Vũ Trung tùy bút cho thấy một ngòi bút tàng chứa kiến thức uyên bác bao quát sâu rộng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam thời trung đại, với khao khát xây dựng một nền phong hóa chuẩn mực và tốt đẹp của dân tộc Việt.
Tóm lại, với những ghi chép về những điều đang diễn ra trong hiện thực xã hội, những chuyện quen, chuyện lạ, chuyện quái dị, chuyện xưa nay, chuyện về phong tục, về con người, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã đưa người đọc đến với một thế giới đa tạp, có sáng và có tối, có tốt đẹp và xấu xa, có điều cắt nghĩa được, lại có thế giới thần bí mà lẽ thường không thể lí giải được. Nhưng qua đó giúp người đọc có những hiểu biết sâu rộng nhiều mặt về cuộc sống, tự nhiên, con người trong xã hội Việt Nam đương thời.