7. Đóng góp của khóa luận
3.2.1. Tri thức về văn hiến và học thuật
Các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ tìm thấy rất nhiều những tư liệu sống động của xã hội phong kiến xưa về:
Phương diện chữ viết
Bàn về chữ viết, tác giả không chỉ chú ý đến ý nghĩa thực dụng mà còn là tính thẩm mĩ, bề dày văn hóa. Do vậy, bên cạnh những trang khảo cứu về lịch sử chữ viết Việt Nam còn là những bình luận về các loại chữ triện, lệ, chân, hành, thảo; Chữ nơi cung đình, chữ chốn dân gian; Chữ của phương Bắc, chữ người nước Nam: “Có khi viết một chữ mà nét chấm là lối chữ triện, móc là lối chữ lệ, phẩy mác là lối chữ chân, nếu gặp phải chữ vậm nét, thì lại đá thảo để viết cho thông hoạt, gọi là lối chữ viết câu đối...”[12, tr.35]. Con chữ đẹp của một người vừa có cái “ý nhị của hoa đào đọng giọt mưa bụi, lá dương phủ làn khói nhẹ” vừa để rạng rỡ “huân danh đức nghiệp”. Chữ viết không chỉ là “việc của kẻ nho lại” mà còn là văn hiến của cả dân tộc. Đó là một đánh giá rất sâu sắc. Nó đã vượt khỏi những cảm nhận nghệ thuật thông thường để chạm đến vị thế dân tộc trong trường kì lịch sử.
Phương diện âm nhạc
Thi ca - âm nhạc - vũ đạo, người Trung Quốc gọi là tam vị nhất thể, song ở mỗi môn lại có những giá trị độc lập. Những nhận thức về âm nhạc của người xưa có thể khiến con người hiện đại cảm thấy mình là nông cạn. Như một ông quan chuyên về âm nhạc, Phạm Đình Hổ đã giới thiệu về các loại nhạc cụ, các làn điệu, các tổ chức âm nhạc, các hình thức nhạc tôn miếu, dân gian,… hết sức
cặn kẽ, tỉ mỉ. Hơn thế ông còn có những bình luận về ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này rất xác đáng. Ông phản bác việc bàn về âm nhạc mà chỉ chú ý đến thiết kế nhạc cụ “chẳng khác gì bàn về việc kiện”. Âm nhạc không đơn thuần là để mua vui, giải trí âm nhạc là điệu hồn của cá nhân và cũng là phong khí thời đại, sự giao hòa của con người với vũ trụ “hợp với hòa khí của trời đất”.
Phương diện văn thể
Văn thể cũng là một bộ phận của học thuật. Trong Vũ trung tuỳ bút có một loạt thiên nói về văn thể: Văn thể, Thể văn kinh nghĩa, Thể văn tứ lục, Thể thơ,
Thể văn sách.
Trong Văn thể, tác giả đã khảo cứu văn thể nước ta từ đời nhà Lý trở đi: “
Văn nhà Lý thì già dặn, súc tích, phảng phất như văn đời Hán” đến văn đời Trần thì “rườm rà, hơi kém đời Lý, nhưng cũng còn có phép tắc, nhã nhặn và trau chuốt; nghị luận phô bày đều có sở trường cả; so với những văn các danh nho đời Hán, Đường không đến nỗi kém lắm...”[12, tr.176]. Lời văn thể hiện rõ thái độ ngợi ca, tự hào đối với văn thể đời Lý, Trần. Bằng cách so sánh, đặt văn thể nước ta ngang hàng với văn thể đời Hán, Đường ở Trung Hoa tác giả thể hiện rõ niềm tự tôn dân tộc. Theo Phạm Đình Hổ, đời Tiền Lê từ năm Thuận Thiên trở về sau chỉ có văn Nguyễn Trãi, ông Vũ Vĩnh Chinh là “ thể tài khí phách vẫn còn theo gót được của người xưa”. vì thời này cũng bắt đầu có sự biến đổi, khí lực bài văn không được hậu, “thể văn lại chuộng mới, cũng còn từng câu từng chữ không được ổn thoả, hoặc trước sau đầu đuôi chỗ vụng chỗ khéo không được chải chuốt đều nhau...”[12, tr.177]. Văn chương trong xã hội thời phong kiến rất được coi trọng. Đó là tiêu chí để lựa chọn nhân tài cho đất nước, nhưng lúc bấy giờ những kẻ đi thi thố chỉ theo cái lối văn sáo rỗng, vô bổ, không thể hiện được khí phách, khí lực, “học tập như thế mà mong làm những việc kinh bang tế thế thì sao được?...”[12, tr.178]. Đất nước suy vong, dường như là một điều không thể tránh khỏi.
Vũ trung tuỳ bút giúp chúng ta hiểu về các thể văn : Thể văn kinh nghĩa, văn sách, tứ lục, thể thơ. Các thể loại như thơ phú, chế, chiếu, biểu, luận được
dùng phổ biến trong văn học nhưng riêng văn sách và kinh nghĩa chủ yếu được dùng trong khoa cử. Theo Phạm Đình Hổ, đời Lê Trung hưng “ thể văn kinh nghĩa chia ra bẩy tiết”. Nó là một bài văn yêu cầu sĩ tử dự thi giải thích ý nghĩa một câu trích trong kinh sách thánh hiền. Đề bài thường là một câu rút từ Tứ thư, Ngũ kinh. “Trong bài văn, cứ phải theo nghĩa đại chú mà làm, chứ không được cầu kỳ làm mới ra....”[12, tr.180]. Có thể nói thể kinh nghĩa gò bó, trói buộc tư tưởng quá mức, bắt người ta chỉ nói theo thánh hiền, không được bộc lộ ý thức cá nhân, hoàn toàn sáo rỗng: “Học trò chỉ chuyên chú học chú thích, nhớ lấy nghĩa là đủ”, không phát huy được tính sáng tạo. Thể văn sách cũng được dùng trong thi cử để nhà nước tuyển chọn nhân tài. Mở đầu thiên kí, tác giả giới thiệu : “Lời của nhà vua phát ra gọi là sách...Kể ra có hai thể sách. Một là thể chế sách..Hai là thể thí sách....”[12, tr.188-189]. Nhà viết kí thể hiện kiến thức uyên thâm của mình khi đưa ra những tấm gương sáng trong việc đối đáp như Văn Thiên Trường, Hà Gian Hiến Vương.