7. Đóng góp của khóa luận
3.1.1. thức " phận sự " của bản thân
Thế kỉ XVIII hội đủ các yếu tố văn hoá, xã hội, tư tưởng, văn học… khiến cho loại hình “tự thuật” ra đời. Đó là lúc người cầm bút ý thức về mình một cách tự giác. Phạm Đình Hổ cũng vậy, mở đầu Vũ trung tùy bút là thiên “Tự thuật” ngắn gọn qua các sự kiện không theo trình tự thời gian, tác giả đã viết về con người, cuộc đời cũng như cá tính của bản thân. Đằng sau đó là những dòng tâm trạng, những sắc thái xúc cảm của nhà văn:
“ Ta sinh năm Mậu Tý (1768) niên hiệu Cảnh Hưng. Lúc bấy giờ, đấng tiên đại phu ta làm Hiến sát tỉnh Nam mới về. Bà tiên cung nhân ta mới hoài thai ta mà vẫn ăn uống đi lại như thường, đến bảy tám tháng chưa biết là có thai. Năm ta lên sáu tuổi, đấng tiên đại phu ta mới thăng làm Tuần phủ Sơn Tây, bổng lộc đã dư dụ, song những cách chơi cây, đá, hoa, chim, ta không để bụng ham mê. Bà bảo mẫu họ Hoàng thường hỏi ta: “Về sau có chí muốn gì không?”. Ta nói: “Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự của mình rồi, không phải nói nữa. Sau này trưởng thành mà được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ, nhà kia, chí tôi chỉ muốn như thế
mà thôi”. Bà bảo mẫu nghe ta nói thế, lại mách cho đấng tiên đại phu và bà cung nhân ta biết, các vị đều ban khen cả. Thấm thoắt hơn hai mươi năm trời mà lời dạy bảo của cha mẹ vẫn văng vẳng bên tai. Nay đến bước đường cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai, chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu nữa?...”[12, tr 9-10]
Lời kể cho thấy gia cảnh của Phạm Đình Hổ từ nhỏ được sống sung túc, cha làm quan Tuần phủ, bổng lộc dư dả nhiều. Tuy nhiên, tính cách của ông có thể nói là tính trời: không ỷ thế thần, không ham mê “những cách chơi cây, đá, hoa, chim...”[12, tr 10] như những con nhà giàu khác mà đã ý thức được trách nhiệm,“phận sự” của bản thân “làm người con trai phải lập thân hành đạo” ấy là “lấy văn thơ nổi tiếng ở đời”. Chỉ chừng đó thôi đủ cho ta thấy được phẩm chất, khí tiết thanh cao của một kẻ sĩ đối với cuộc đời mình.
Nhắc tới Phạm Đình Hổ, người đời nhớ tới cốt cách kẻ sĩ Bắc Hà cuối thời Lê Trịnh và đầu thời nhà Nguyễn: tài hoa, phong thái thư nhàn cao nhã. Với ông, thích nhất là “cái mũ trại quan”; còn sách truyện nôm, trò thanh sắc, nghề cờ bạc “bịt tai lại không muốn nghe”. Phạm Đình Hổ còn thuật lại tật xấu của mình là “nghiện chè tàu”. Tuy tiền thiếu nhưng “các thứ chè tùng quế thơm tho, thứ nào cũng mua nếm qua cả”. Mới nghe tưởng như khiêm nhường nhưng thật ra, tác giả rất tâm đắc về đức hạnh của mình, “tự hào” về “phần mờ tối” của mình là chơi cờ, uống chè, uống rượu. Ba điều Chiêu Hổ “phạm” ấy thực chất lại là những thú vui tao nhã của bậc văn nhân xưa được coi là cao quý, đáng khen. Phê để khen, khen lại không khen trực tiếp, đấy chính là nét riêng trong bút pháp viết kí của Phạm Đình Hổ.
Cũng trong thiên này tác giả còn kể lại chuyện học hành của mình. Ngoài kinh và sử, thì các sách thơ cổ, sách cổ ham xem "không lúc nào rời tay”. Nơi học của Phạm qua lời tự thuật là nơi con người hoà với thiên nhiên: “Nhà trung đường có bảy gian,...nhà khách năm gian, trước mặt trông xuống cái ao vuông. Trong ao thả sen trắng, chung quanh bờ trồng thanh liễu và cam quýt...Phía đông ao giáp sân nhà khách, có trồng năm cây hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu,
hoa mẫu đơn...” [12, tr.11-12]. Quang cảnh khoáng đạt, yên tĩnh, đẹp đẽ, nên thơ, phù hợp với tâm hồn cao khiết của một nhà nho tách khỏi cuộc sống ồn ào, bụi bặm và mưu sinh.
Hình tượng Phạm Đình Hổ, một cậu bé con nhà có nền nếp và truyền thống giáo dục nổi bật lên trong thiên Tự thuật. Nhà sách “chồng chất mấy giá sách, tuỳ ý muốn đọc quyển nào thì đọc”. Cậu bé được đào tạo theo khuôn mẫu của các nho gia: học sử, học kinh, học thơ Đường…Vậy là, “đọc thiên mở đầu Vũ trung tùy bút ta hình dung được hình tượng tác giả trần thuật - viết sách: một người mà từ thủa ấu thơ đã lánh xa những thú vui tiêu khiển thông thường, ham học, hướng thượng, lấy việc “lập thân hành đạo” làm bổn phận, yêu mến cảnh sắc non sông yên bình, chân thành mơ ước được nổi tiếng văn chương với đời để làm rạng danh dòng dõi” [28]. Đúng là hình mẫu một nhà nho cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Như lời tác giả Lê Thời Tân “sự quán xuyến từ đầu đến cuối của hình tượng một cái tôi tác giả cầm bút thuật sự, cảm hoài chính là sợi dây vô hình kết nối tản mạn 89 thiên bút lục thành cuốn sách. Cái tôi đó đã hiện diện ngay từ thiên mở đầu – một sự hiện diện chứa đựng trong nó cái “quá khứ” chuyện ngày qua cũng như cả cái “hiện tại” giờ đây ngồi viết truyện...”[29]