5. Kết cấu của khóa luận tốt nghiệp
3.3.1 Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Kể từ khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, dịch vụ giao nhận vận tải và dịch vụ logistics đã cùng tồn tại và phát triển song song với nhau. Đi lên từ giao nhận vận tải, ngành logistics tại Việt Nam tuy ra đời khá muộn nhưng đã có bước phát triển đáng ghi nhận so với các nước trong khu vực. Cụ thể, theo báo cáo LPI của Ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam tăng từ vị trí 53/155 (năm 2012) lên 48/160 (năm 2014). Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam không chỉ được quyết định bởi sự quản lý, định hướng hoạt động của Nhà nước và các ban, ngành có liên quan, mà quan trọng hơn hết còn phụ thuộc vào Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Do đó, Hiệp hội VLA cần có một số hành động cụ thể để tạo được bước đột phá trong định hướng và quản lý hoạt động logistics.
Với tình trạng các doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động rời rạc và thiếu hợp tác như hiện nay, việc Hiệp hội VLA tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ấy là điều thực sự cần thiết. VLA có thể tạo sự liên kết giữa các
doanh nghiệp bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn giữa các tổ chức, các doanh nghiệp trong ngành nhằm tìm ra tiếng nói chung của các doanh nghiệp, đồng thời mở rộng kết nối, giao lưu và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau. Từ đó, các doanh nghiệp logistics sẽ học hỏi kinh nghiệm trong việc đầu tư công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ logistics chất lượng và hợp tác với nhau nhằm góp phần phát triển, đưa dịch vụ logistics Việt Nam lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, Hiệp hội cần phát triển nguồn nhân lực logistics từ góc độ đào tạo qua các chương trình, khóa học ngắn hạn. Hiệp hội có thể tập trung đào tạo về kiến thức tổng quát hoặc nghiệp vụ chuyên môn nhằm phục vụ cho một công việc cụ thể. Các khóa học ngắn hạn này sẽ giúp bổ sung nhanh nguồn nhân lực logistics cũng như giúp học viên vận dụng ngay kiến thức đã học vào công việc mà mình đang đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ hoặc cơ quan quản lý bằng việc đề xuất các chính sách phát triển thị trường logistics cho phù hợp với tình hình kinh tế quốc gia cũng như thế giới; đại diện cho doanh nghiệp logistics tìm đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được chuyên nghiệp hóa hoạt động logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như năng lực cạnh tranh của mình, qua đó cũng tạo nên uy tín cho Hiệp hội và là cơ sở cho lĩnh vực logistics Việt Nam được phát triển mạnh mẽ.