Những nội dung cơ bản về phát triển sản xuất và xuất khẩu vải thiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều lục ngạn, tỉnh bắc giang (Trang 25 - 31)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.2. Những nội dung cơ bản về phát triển sản xuất và xuất khẩu vải thiều

2.1.2.1. Đặc điểm của cây vải thiều

Cây vải thiều hay còn có tên Lệ Chi thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceac) với tên khoa học là Litchi chinnesis Sonn. Họ Bồ hòn là một họ lớn với 125 loài và hơn 1000 giống bao gồm vải, nhãn, chôm chôm, được trồng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vải thiều là một trong những loại quả đặc sản thơm, ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người ưa thích và có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên những vùng địa lý có khí hậu và đất đai phù hợp để trồng được cây vải không nhiều. Hiện nay, thế giới có trên 20 quốc gia trồng vải, tuy nhiên chỉ có

một số nước sản xuất vải có tính chất hàng hóa trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Mỹ, Nam Phi, Malaysia, Brazil... (Nguyễn Văn Xuất, 2008).

Ở Việt Nam, cây vải thiều đã được trồng từ hơn 200 năm tại vùng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Cho đến nay, cây vải thiều được trồng ở một số tỉnh phía Bắc, tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.

Vải thiều Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang có các đặc thù riêng về hình thái và chất lượng khác biệt so với các giống vải khác. Hầu hết các chỉ tiêu hình thái gồm: Trọng lượng quả, chiều cao quả, đường kính quả, độ dày cùi đều và tỷ lệ phần ăn được đều có giá trị dinh dưỡng hơn khi so sánh với vải Thanh Hà, vải Quảng Ninh, vải Phú Thọ và vải khác trong vùng.

- Về cảm quan: Quả to, tròn, vỏ đỏ tươi, gai nhẵn, cùi dày, vị ngọt “lịm” và có mùi thơm đặc trưng.

- Về hình thái: Cuống lá ngắn, mặt lá xanh đậm, phản quang, lưng lá màu tro, có gân mờ, mút lá nhọn, gốc lá hơi tù, cây có tán lá tròn, tán cây tạo hình bán cầu, khung cành dày, nhiều cành tăm, lá nhỏ, phiến lá dày, bóng. Quả chín từ đầu tháng Sáu đến trung tuần tháng Bảy. Khi chín vỏ quả có mầu đỏ hồng trên nền quả xanh, quả tròn hình cầu. Các chỉ tiêu hình thái bao gồm: Trọng lượng quả từ 20,05 đến 24,2 g/quả; đường kính quả từ 3,23 đến 3,58 cm; trọng lượng hạt từ 1,85 - 2,44 g; độ dày cùi từ 0,83 - 1,2 cm; tỷ lệ phần ăn được của quả từ 71 - 82%.

- Về thành phần, giá trị dinh dưỡng: Có hàm lượng nước lớn trong dịch quả, độ Brix khá cao và đồng đều, hàm lượng đường lớn, hàm lượng axit thấp: Hàm lượng nước trong quả từ 80,61 - 84,11 %; hàm lượng axit hữu cơ từ 0,12 - 0,2 %; hàm lượng vitamin C từ 14,21 - 20,27 mg/100g; hàm lượng đường từ 12,7 - 17,4 %; hàm lượng chất rắn hòa tan từ 15,2 - 21,5 độ Brix.

- Về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật: Vải thiều là cây trồng lâu năm, có chu kỳ kinh tế tương đối dài, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn đòi hỏi phải tổ chức có tính hệ thống khoa học từ khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Vải thiều cho năng suất thay đổi theo tuổi cây. Quá trình sinh trưởng và phát triển phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện sinh thái (nhiệt độ, đất, nước, ánh sáng)...

2.1.2.2. Vai trò, ý nghĩa của phát triển sản xuất và xuất khẩu vải thiều

Phát triển sản xuất vải thiều có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, xã hội, môi trường: - Cung cấp sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Như đã nêu ở trên, quả vải

chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài giá trị dinh dưỡng từ cùi vải, vỏ quả, thân cây và rễ cây vải có nhiều tanin dùng làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp. Hoa vải là nguồn mật nuôi ong có chất lượng cao. Hạt vải được dùng làm thuốc chữa các bệnh đường ruột và mụn nhọt ở trẻ em. Quả vải bổ não, khỏe người, khai vị, có thể chữa bệnh đường ruột, là một thực phẩm quý đối với phụ nữ và người già (Trần Thế Tục, 1995).

- Do sản xuất vải tiều là hình thức sản xuất cho thị trường, tức là đầu ra của sản phẩm đã được các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do vậy sản xuất vải thiều có vai trò quan trọng trong việc cung ứng trực tiếp sản phẩm làm nguyên liệu cho xuất khẩu, các hộ sản xuất không cần phải bảo quản, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bên cạnh đó, việc thu mua được tiến hành tại nơi sản xuất nên chi phí vận chuyển, lưu thông giảm đáng kể, người sản xuất chỉ quan tâm đến việc tạo ra những sản phẩm đủ quy cách, chất lượng. Thực tế sản xuất vải thiều hiệu quả cao hơn so với các cây trồng khác như lúa, ngô, lạc... góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang sản xuất cây hàng hóa và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, vải được chế biến xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, thu ngoại tệ. Mặt khác sản xuất vải thiều góp phần thực hiện tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp, từng bước thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu phát triển, tăng nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế quốc dân.

- Ngày nay do tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm, trong khi đó giá các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định... làm cho hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thấp nên ở rất nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng người lao động "ly nông, ly hương,” đổ xô ra các đô thị để tìm kiếm việc làm, gây ra nhiều vấn đề về xã hội đối với khu vực này. Chính vì vậy việc phát triển sản xuất vải thiều có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tận dụng lao động, khai thác lợi thế của đất đai và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình ở nông thôn, giúp người lao động gắn bó hơn với đồng ruộng. Sản xuất thâm canh vải thiều góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nông dân trồng vải và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.Hơn nữa trồng vải mang lại thu nhập khá cao so với cây ăn quả khác (cam, chuối, táo, hồng xiêm…), cùng một đơn vị diện tích nếu trồng vải thiều sẽ thu giá trị kinh tế lớn gấp 40 lần trồng lúa (Trần Thế Tục, 1995).

- Thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc vải sẽ làm cho môi trường đất màu mỡ. Vải vừa là cây kinh tế vừa là cây tạo môi trường cây xanh, có độ che phủ cao. Cây vải có khung tán lớn, tròn, lá xum xuê, xanh quanh năm có thể làm cây bóng mát, cây chắn gió, cây cảnh, cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế sự xói mòn,… tạo môi trường sinh thái tốt.

Ưu thế lớn của cây vải là dễ trồng, lại chịu được đất chua, đất dốc là những loại đất phổ biến ở vùng đồi núi phía Bắc nước ta. Cây vải khi đã lớn chống cỏ tốt vì lá dầy, bóng râm kín, lại không rụng lá mùa đông nên khi đã giao tán, lá khô rụng xuống, che kín mặt đất, không còn loại cỏ nào có thể mọc được (Nguyễn Văn Xuất, 2008).

Như vậy phát triển sản xuất vải thiều phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại khu vực nông thôn, giúp người lao động gắn bó hơn với đồng ruộng và giảm áp lực về các vấn đề xã hội cho khu vực thành thị.

2.1.2.3. Những yêu cầu đối với phát triển sản xuất và xuất khẩu vải thiều

- Quy định về an toàn thực phẩm:

Sản phẩm nhập khẩu sang các nước ngoài đặc biệt là thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Úc... cần đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của của nước nhập khẩu, (gọi là các Hạn mức dư lượng tối đa - MRL). Những lô sản phẩm bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc mức dư lượng trên ngưỡng MRL đều sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy ngay tại nước nhập khẩu.

- Quy định về kiểm dịch thực vật:

Mỗi một lô sản phẩm xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật được cấp bởi Tổ chức bảo vệ thực vật Quốc gia của Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật) nhằm chứng thực các điều kiện nhập khẩu đã được đáp ứng đầy đủ.

+ Quy định chung đối với vùng trồng trái cây xuất khẩu: Trái cây xuất khẩu phải được trồng trong vườn đã được đăng ký và dưới sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật. Cán bộ kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật cùng với chuyên gia của nước nhập khẩu sẽ tiến hành kiểm tra về điều kiện vùng trồng và dịch hại kiểm dịch thực vật. Những vườn trồng không đủ điều kiện sẽ bị loại khỏi danh sách vùng trồng xuất khẩu.

+ Quy định đóng gói sau khi thu hoạch: Trái cây xuất khẩu sau khi thu hoạch phải được xử lý và đóng gói tại các cơ sở đóng gói được các nước nhập khẩu công nhận.

+ Xử lý trước khi xuất khẩu: Trái cây trước khi xuất khẩu phải được tiến hành xử lý để loại bỏ những loài dịch hại kiểm dịch thực vật lây lan vào nước nhập khẩu. Việc xử lý đối với trái cây xuất khẩu yêu cầu phải thực hiện tại những cơ sở xử lý được các nước nhập khẩu công nhận.

Tùy theo yêu cầu xử lý của nước nhập khẩu đối với từng loại trái cây mà áp dụng biện pháp xử lý thích hợp. Ví dụ: Hoa Kỳ, Úc yêu cầu chiếu xạ với liều hấp phụ là 400 Gy đối với: nhãn, vải, chôm chôm, thanh long. Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu xử lý hơi nước nóng đối với: xoài, thanh long (Nguyễn Viết Hải, 2015).

* Một số tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu tiêu thụ chất lượng cao và xuất khẩu:

- Tiêu chuẩn GlobalGAP: Xuất phát từ EUREPGAP là sáng kiến của các nhà bán lẻ Châu Âu, được thành lập năm 1997 viết tắt là EUREP (Euro-Retail Produce) với mục tiêu thỏa thuận các tiêu chuẩn và thủ tục nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trong đó, “Thực hành nông nghiệp tốt” - GAP (Good Agriculture Practices) được định nghĩa là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrát), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng.

Thực hành nông nghiệp tốt GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, việc sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng và vận chuyển sản phẩm,... nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững với mục đích đảm bảo: An toàn cho thực phẩm - An toàn cho người sản xuất - Bảo vệ môi trường - Truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Đến tháng 9/2007 tại Thái Lan, thành viên của tổ chức EUREPGAP đã thống nhất chuyển từ EUREPGAP sang GlobalGAP.

Ngày nay, GlobalGAP đã trở thành một hệ thống đảm bảo chất lượng ngày càng quan trọng cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Trong những năm trước đây, GlobalGAP được thị trường tiêu thụ coi là một tiêu chuẩn tiên tiến, song ngày nay, GlobalGAP có thể được coi là một yêu cầu đương nhiên phải có khi hàng hóa được nhập vào thị các thị trường đòi hỏi chất lượng cao và cũng có giá tiêu thụ cao.

- Thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP): Được biên soạn dựa theo ASEANGAP, hệ thống phân tích nguy cơ và xác định điểm kiểm soát tới hạn, các hệ thống thực hành nông nghiệp tốt quốc tế và luật pháp Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm.

VietGAP là một quy trình áp dụng tự nguyện, có mục đích hướng dẫn các nhà sản xuất nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu đến mức tối đa những mối nguy tiềm ẩn về hoá học, sinh học và vật lý có thế xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến và vận chuyển. Những mối nguy này tác động xấu đến chất lượng, vệ sinh an toàn, môi trường và sức khoẻ của con người. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh muốn cung cấp nông sản sạch, vệ sinh an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế cần áp dụng VietGAP và được chứng nhận.

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho vải thiều quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) được thực hiện theo Quyết định số 379/QĐ-BNN- KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

2.1.2.4. Phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều

Dựa trên cơ sở lý luận về phát triển kinh tế, chúng ta có thể quan niệm phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều là sự tăng tiến về quy mô, sản lượng và sự tiến bộ về cơ cấu cây trồng, cơ cấu chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội. Như vậy, phát triển sản xuất vải thiều bao hàm cả sự biến đổi về số lượng và chất lượng (Trần Thế Tục, 1995).

- Phát triển về lượng: Sự thay đổi về lượng đó là sự tăng lên về quy mô diện tích, năng suất, khối lượng sản phẩm và tổng giá trị sản xuất vải thiều.

- Phát triển về chất: Sự thay đổi về chất bao gồm sự chuyển dịch cơ cấu diện tích vải thiều theo hướng tăng tỷ trọng diện tích những cây vải có hiệu quả kinh tế cao, sự tăng lên về năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập/đơn vị diện tích canh tác.

Ngoài ra, trong sản xuất vải thiều, những thay đổi tích cực về mặt xã hội như tạo việc làm cho lao động nông thôn, làm tăng lợi ích của cộng đồng, hay những lợi ích về môi trường như không làm suy thoái, ô nhiễm các nguồn tài nguyên đất, nước, không khí… cũng là những biểu hiện của sự phát triển.

- Phát triển bền vững: Phát triển vải thiều phải đảm bảo cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.

- Phát triển vải thiều phải theo hướng sản xuất hàng hoá: Sản xuất hàng hoá đối với vải thiều không có nghĩa là tạo ra với khối lượng lớn mà cần căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng để ra các quyết định sản xuất: mở rộng diện tích, thay đổi cơ cấu cây trồng…(Trần Thế Tục, 1995).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều lục ngạn, tỉnh bắc giang (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)