Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều lục ngạn, tỉnh bắc giang (Trang 46 - 48)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn về phát triển sản xuất và xuất khẩu vải thiều

2.2.3. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

- Tác giả Nguyễn Thị Vang (1996), đề tài “Phân tích ngành hàng vải ở Lục Ngạn tỉnh Hà Bắc” đã đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý và mạng lưới tiêu thụ quả vải ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc. Tuy nhiên, các giải pháp mà tác giả đưa ra mới chỉ dừng lại ở khía cạnh giải quyết thị trường, chưa quan tâm đến các giải pháp liên quan tới phát triển sản xuất và các khía cạnh xã hội.

- Tác giả Nguyễn Thị Tân Lộc (1999), đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế sản xuất vải tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương”, đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất vải thiều tại Thanh Hà - tỉnh Hải Dương như mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, chính sách đầu tư tín dụng, đẩy mạnh công tác khuyến nông và quy hoạch vùng trồng vải. Tuy nhiên, những giải pháp về đẩy mạnh việc liên kết giữa sản xuất và thị trường, sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất vải đặc sản, các biện pháp kỹ thuật, cơ cấu giống... chưa được đi sâu nghiên cứu.

- Tác giả Phan Thị Thu Hà (2004), đề tài “Phân tích những yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vải quả hàng hóa ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang” đã đưa ra các giải pháp liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải quả hàng hóa ở địa phương. Tuy nhiên, việc làm rõ vai trò, vị trí cũng như thu nhập của từng tác nhân khi tham gia sản xuất kinh doanh vải quả hàng hóa chưa được làm rõ.

- Tác giả Nguyễn Văn Xuất (2008), dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn”, là công trình nghiên cứu bài bản, toàn diện về nghề trồng vải thiều của nhân dân huyện Lục Ngạn nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Dự án đã nghiên cứu, tổng kết và đã hoàn thiện được Quy trình kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nhân dân địa phương huyện Lục Ngạn. Dự án đã lựa chọn được vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 17.039,55 ha/tổng số 19.212 ha (năm 2007), khắc phục được tình trạng trồng vải tự phát, kém hiệu quả, chứng minh được sự khác biệt giữa vải thiều Lục Ngạn với vải thiều được trồng ở các khu vực khác (các huyện khác trong tỉnh và tỉnh khác). Kết quả của dự án đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm tra, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và cấp Văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 25/6/2008 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Lục Ngạn” số 00015 cho sản phẩm vải thiều của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là sản phẩm thứ 12 của Việt Nam được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý.

- Tác giả Phạm Thị Thu Hà (2016), đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)”. Kết quả đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết trong bảo quản vải. Đã xây dựng được quy trình công nghệ

ứng dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) để bảo quản vải thiều Lục Ngạn. Với chế độ bảo quản bằng màng MAP, tỷ lệ hư hỏng ở vải dạng rời (cắt cuống) thấp hơn và tốc độ nâu hóa vỏ quả chậm hơn so với vải dạng chùm. Thời gian bảo quản vải kéo dài đến 04 tuần, tạo điều kiện để xuất khẩu tới các thị trường xa hơn, mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho người dân sản xuất vải thiều.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của các tác giả đã làm sáng tỏ mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức, phương thức quản lý hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của sản xuất hàng hóa vải quả. Tuy nhiên, các giải pháp mà các tác giả đưa ra mới chỉ dừng lại ở từng khía cạnh kinh tế hoặc kỹ thuật mà chưa có giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất đến đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều lục ngạn, tỉnh bắc giang (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)