Đặc điểm và vai trò của phát triển sản xuất chè hữu cơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 25 - 28)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản xuất chè hữu cơ

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.2. Đặc điểm và vai trò của phát triển sản xuất chè hữu cơ

2.1.2.1. Đăc điểm của phát triển sản xuất chè hữu cơ

a. Đặc điểm phát triển sản xuất chè

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng sớm nhất ở Trung Quốc, cách đây khoảng 5000 năm. Cho đến năm 2000, đã có hơn 100 nước thuộc 5 Châu trồng và xuất khẩu chè. Sản lượng chè thế giới năm 2000 đạt hơn 2,8 triệu tấn.

Đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có 2 vùng sản xuất tập trung: vùng chè tươi và vùng chè rừng cho tiêu dùng nội địa chủ yếu. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Đông Dương, đã có thêm vùng chè công nghiệp tập trung hiện đại xuất khẩu (1923-1925). Đến năm 2000, đã có 3 loại vườn chè gồm chè tươi hộ gia đình, chè rừng dân tộc và chè công nghiệp hàng rào có đốn, tương ứng với 3 thời kỳ lịch sử (phong kiến, thuộc địa và độc lập), tại 3 vùng địa lý (đồng bằng, trung du và miền núi) (Phùng Văn Chấn, 1999).

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài (từ phong kiến, Pháp thuộc đến sau khi độc lập) thì các cơ sở nghiên cứu khoa học về chè ở hai Miền Nam và Bắc đều bị phá hoại nặng nề. Phú Hộ ở Miền Bắc đã ba lần bị quân viễn chinh Pháp chiếm đóng và ném bom, đốt sạch, phá sạch, nhưng vẫn duy trì được đồi chè và vườn giống. Bảo Lộc ở miền Nam trong vùng chiến tranh du kích bị phá huỷ nặng nề cũng không hoạt động được (Phùng Văn Chấn, 1999).

Chè là cây trồng mà sản phẩm của nó có giá trị hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao, thị trường tiêu dùng ổn định, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng cao.

Giá trị chè trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây khá ổn định, bình quân từ 1200 – 1900 USD/ tấn chè đen và từ 200 – 300 USD/ tấn chè xanh, chè vàng. Chè của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, Thị trường Châu Á: bao gồm các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Iran, Irắc, Cooet, Ả Rập Thống Nhất… các nước này chủ yếu nhập chè xanh và chè đen. Thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ có nhu cầu nhập khẩu chè đen với khối lượng lớn (Phùng Văn Chấn, 1999).

Chè là cây trồng không tranh chấp về đất đai với cây lương thực, trồng chè có tác dụng phủ đất trống, đồi trọc, chống xói mòn.

Phát triển mạnh cây chè ở vùng trung du miền núi có tác dụng thu hút và điều hòa lao động trong phạm vi cả nước.

Cây chè góp phần công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp ở vùng cao, giúp cho trung du miền núi tiến kịp miền xuôi về kinh tế – xã hội.

b. Đặc điểm phát triển sản xuất chè hữu cơ ở Vị Xuyên

Chè Vị Xuyên được chia làm 2 vùng rõ rệt:

- Chè vùng núi cao: Với diện tích trên 2500 ha phân bổ nhiều tại các xã Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng

Ngần. Chè được trồng ở những vùng có độ cao trung bình > 800m so với mực nước biển, được trồng ở các đồi, nương với địa hình phức tạp, độ dốc lớn, không có đường vận xuất, mật độ trung bình từ 2500-3000 cây/ha (thiết kế kỹ thuật 20- 25 nghìn cây/ha), vì thế, bón phân, phun thuốc trừ sâu là không khả thi thực hiện. Kết hợp giống chè shan tuyết bản địa nên đã hình thành nên vùng chè hữu cơ.

Năm 2003, Công ty TNHH & TM Hùng Cường (Công ty chè Hùng Cường) với sự tư vấn của Công ty Ecolink Việt Nam đã tổ chức, hình thành nên vùng sản xuất chè hữu cơ được liên đoàn hữu cơ thế giới IFOAM chứng nhận. Hiện nay, vùng chè hữu cơ của Công ty TNHH & TM Hùng Cường cơ bản là các xã trồng chè vùng núi cao của huyện Vị Xuyên.

- Chè vùng núi thấp và địa hình xen kẽ: Tập trung tại TT Việt Lâm, xã Việt Lâm, Trung Thành, Ngọc Linh, Thượng Sơn với diện tích gần 1000ha. Chè bắt đầu được trồng từ năm 1958, là sản phẩm của nông trường chè Việt Lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đến 2004, do hoạt động không hiệu quả, Nông trường chè Việt Lâm giải thể, giao lại diện tích chè cho các hộ là công nhân của nhà máy tiếp tục canh tác.

Do được hình thành và phát triển từ nông trường chè quốc doanh, chính vì vậy, Chè vùng núi thấp được áp dụng tương đối đầy đủ các quy trình kỹ thuật thâm canh cho cây chè. Mật độ trung bình từ 13-15 nghìn cây/ha, việc chăm sóc, phòng bệnh, bón phân, đốn tỉa đúng lứa, đúng kỹ thuật, sử dụng máy móc trong các công đoạn chăm sóc và thu hái đã cho năng suất tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học khá bừa bãi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và chất lượng chè của vùng.

2.1.2.2. Vai trò của phát triển sản xuất chè hữu cơ

Việt Nam là nước có tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây chè. Chè hữu cơ là mặt hàng có thị trường và giá cả ổn định, với ưu thế không kén đất như các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu…, mà năng suất đem lại tương đối ổn định, môi trường, sức khỏe của người trồng chè được đảm bảo. Trong những năm qua, phát triển sản xuất chè hữu cơ đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai của toàn huyện, tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của vùng, chuyển nền kinh tế tự cấp tự túc của đồng bào dân tộc nơi đây sang một nền kinh tế sản xuất hàng hóa, góp phần phân công lao động giữa miền ngược và miền xuôi. Đồng thời, chè hữu cơ cũng

đem lại nguồn lợi tương đối lớn cho ngân sách của địa phương (Trần Thị Thu Hằng, 2010).

Theo Tạp Chí Thế Giới Chè và nhiều báo khác đã đăng kết quả nghiên cứu, các viện hàm lâm khoa học, các trường đại học, các nhà khoa học trên thế giới đưa ra lời khuyên về việc nên uống Chè thường xuyên, bởi nó mang lại lợi ích cho sức khoẻ của con người, những tác dụng mà chè mang lại như:

- Tăng khả năng thần kinh trung ương, chống lão hoá. - Bổ gan, thận, chống béo phì.

- Phòng chống nội chướng, phòng chống bệnh nhồi máu cơ tim - Phòng chống viêm khẩu xoang, viêm yết hầu, viêm ruột. - Ngăn ngừa bức xạ.

- Có khả năng hạn chế phát triển và có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. - Tăng khả năng tuổi thọ v.v..

Tuy nhiên đối với người dân vùng dân tộc thiểu số thì trồng rừng chưa cho ngay cái ăn cái mặc, trong khi thực hiện trồng rừng theo các chương trình, dự án của Nhà nước thì vẫn phải vất vả với nỗi lo cơm áo hằng ngày. Nhưng với chè hữu cơ thì khác, cây nhanh cho thu hoạch (đến năm 3 đã cho sản phẩm) mà vòng đời lại dài nó bảo đảm cho người trồng rừng cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài, chè shan có tuổi càng lớn thì giá trị lại càng cao. Vì vậy mà không cần tuyên truyền, vận động, việc trồng rừng này rất nhanh chóng đi vào cuộc sống với tính tự giác cao của người dân (Trần Thị Thu Hằng, 2010).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 25 - 28)