Phát triển làng nghề ở một số nước trên thế giới và Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển làng nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 28 - 31)

2.2.1.1. Phát triển làng nghề ở một số nước trên thế giới

* Trung Quốc: Nghề thủ công của Trung Quốc có từ lâu đời và nổi tiếng như gốm, dệt vải, dệt tơ lụa, luyện kim và nghề làm giấy,... Sang đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã có khoảng 10 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và không chuyên làm việc trong các hộ gia đình, trong các phường nghề và các làng nghề. Đến năm 1954, các ngành nghề TTCN được tổ chức vào các HTX, sau này trở thành các xí nghiệp Hương Trấn và cho đến nay vẫn tồn tại một số làng nghề.

Xí nghiệp Hương Trấn là tên gọi chung các xí nghiệp công thương nghiệp, xây dựng và hoạt động ở khu vực nông thôn. Nó bắt đầu xuất hiện vào năm 1978 khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách mở cửa. Xí nghiệp Hương Trấn phát triển mạnh mẽ đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn. Vào những năm 1980 các xí nghiệp cá thể và làng nghề đã phát triển nhanh, góp phần tích cực trong việc tạo ra 68% giá trị sản lượng công nghiệp nông thôn.

* Nhật Bản: Ngành nghề TTCN của Nhật Bản bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như chế biến lương thực, thực phẩm, nghề đan lát, nghề dệt chiếu, nghề thủ công mỹ nghệ,... Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, tuy tốc độ công nghiệp hóa phát triển nhanh, song một số làng nghề vẫn tồn tại và các nghề thủ công vẫn được mở mang. Họ rất quan tâm chú trọng đến việc hình thành các xí nghiệp vừa và nhỏ ở thị trấn, thị tứ ở nông thôn để làm vệ tinh cho các xí nghiệp lớn ở đô thị.

Đi đôi với việc thúc đẩy các ngành nghề thủ công cổ truyền phát triển, Nhật Bản còn chủ trương nghiên cứu các chính sách, ban hành các luật lệ, thành lập các viện nghiên cứu, viện mỹ thuật và thành lập nhiều văn phòng cố vấn khác. Nhờ đó các hoạt động phi nông nghiệp hoạt động một cách tích cực, thu nhập từ các ngành phi nông nghiệp chiếm tới 85% tổng thu nhập của các hộ. Năm 1993 các nghề thủ công và các làng nghề đạt giá trị sản lượng tới 8,1 tỷ đô la (Trần Minh Huân và Phạm Thanh Tùng, 2007).

* Hàn Quốc: Sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ Hàn Quốc đã chú trọng đến CNH nông thôn, trong đó có ngành nghề thủ công và làng nghề truyền thống. Đây là một chiến lược quan trọng để phát triển nông thôn. Các mặt hàng được tập trung chủ yếu là: Hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu, ngành nghề TCN và sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm theo công nghệ cổ truyền.

Chương trình phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp ở nông thôn tạo thêm việc làm cho nông dân bắt đầu từ năm 1997. Chương trình này tập trung vào các nghề sử dụng lao động thủ công, công nghệ đơn giản và sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, sản xuất quy mô nhỏ khoảng 10 hộ gia đình liên kết với nhau thành tổ hợp, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng với lãi suất thấp để mua nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển ngành nghề thủ công truyền thống được triển khai từ những năm 1970-1980 đã có 908 xưởng thủ công dân tộc, chiếm 2,9% các xí nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 23 nghìn lao động theo hình thức sản xuất tại gia đình là chính với 79,4% là dựa vào các hộ gia đình riêng biệt và sử dụng nguyên liệu địa phương và bí quyết truyền thống.

* Đài Loan: Trong quá trình CNH Đài Loan đã xây dựng các cơ sở công nghiệp nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm trong nông thôn. Ngoài ra các làng xã vẫn phát triển các nghề cổ truyền, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Do CNH nông thôn và ngành nghề truyền thống phát triển mà số hộ nông dân chuyên làm ruộng đến nay chỉ còn trên dưới 9%, trong đó cơ cấu thu nhập của các hộ nông dân thu nhập từ hoạt động ngoài nông nghiệp chiếm 60 - 62%.

* Thái Lan: Đây là nước có nhiều ngành nghề TTCN và làng nghề truyền thống. Các nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ như chế tác vàng, bạc, đá quý và đồ trang sức được duy trì và phát triển tạo ra nhiều hàng hoá xuất khẩu, đứng vào hàng thứ hai trên thế giới. Do kết hợp được tay nghề của các nghệ nhân tài hoa với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc đá quý năm 1990 đạt gần 2 tỷ đô la. Nghề gốm sứ cổ truyền của Thái Lan trước đây chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng gần đây ngành này đã phát triển theo hướng CNH, HĐH và trở thành mặt hàng xuất khẩu thu ngoại tệ lớn thứ 2 sau gạo. Vùng gốm truyền thống ở Chiềng Mai đang được xây dựng thành trung tâm gốm quốc gia với 3 mặt hàng: Gốm truyền thống, gốm công nghiệp và gốm mới, được sản xuất trong 21 xí nghiệp chính và 72 xí nghiệp lân cận. Cho đến nay 95% hàng hoá xuất khẩu của Thái Lan là đồ dùng trang trí nội thất và quà lưu niệm. Bên cạnh đó, nghề kim hoàn, chế tác ngọc, chế tác gỗ vẫn tiếp tục phát triển đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn(Mai Thế Hởn, 1999).

2.2.1.2. Bài học kinh nghiệm

Thông qua sự phát triển làng nghề, ngành nghề TCN của một số nước được trình bày ở trên, thì muốn phát triển TCN trước hết phải chú ý phát triển làng nghề và ngành nghề truyền thống. Từ đó tạo thị trường nông thôn rộng lớn cho các sản phẩm phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển theo hướng CNH.

Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ở nông thôn có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của làng nghề TTCN. Các nước đều chú ý đầu tư cho giáo dục và đào tạo tay nghề cho người lao động để họ tiếp thu được kỹ thuật tiên tiến. Các nước đều sử dụng triệt để các phương pháp huấn luyện tay nghề cho người lao động như: Bồi dưỡng tại chỗ, bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng ngắn hạn, theo phương châm thiếu gì huấn luyện đấy.

Vai trò của Nhà nước trong việc giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chính, vốn cho các làng nghề truyền thống phát triển sản xuất kinh doanh. Sự hỗ trợ về vốn, tài chính của Nhà nước thông qua các dự án cấp vốn, bù lãi suất cho ngân hàng, bù giá đầu ra cho người sản xuất. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ này mà các làng nghề truyền thống lựa chọn kỹ thuật gắn với lựa chọn hướng sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện cho các ngành, nghề thủ công truyền thống đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhà nước có chính sách thuế và thị trường phù hợp để thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển. Đi đôi với việc hỗ trợ về tài chính, tín dụng là chính sách thuế và thị trường của nhà nước để khuyến khích làng nghề truyền thống phát triển.

Khuyến khích sự kết hợp giữa đại công nghiệp với TTCN, giữa trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Sự kết hợp giữa đại công nghiệp với TTCN và trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống là thể hiện sự phân công lao động, thông qua hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong vấn đề lựa chọn kỹ thuật và lựa chọn hướng sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển làng nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)