Yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính dịch vụ môi trường rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tài chính cho dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh nghệ an (Trang 33 - 37)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý tài chính dịch vụ môi trường rừng

2.1. Cơ sở lý luận về quản lý tài chính dịch vụ môi trường rừng

2.1.4. Yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính dịch vụ môi trường rừng

2.1.4.1. Chính sách nhà nước

Môi trường luật pháp và cơ chế chính sách là căn cứ pháp lý để thực hiện quản lý chi trả DVMTR. Việt Nam là nước tiên phong trong việc xây dựng chính sách và áp dụng thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để quản lý chi trả DVMTR, Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật bao gồm các luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan để chi trả DVMTR. Các văn bản trên đã tạo cơ sở pháp lý về nguyên tắc, điều kiện, thời gian chi trả DVMTR. Có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tuân theo các nguyên tắc:i)Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng; ii) Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp; iii) Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho Quỹ để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; iv) Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng dịch vụ môi trường rừng và không thay thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của Pháp luật; v) Đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với hệ thống luật pháp của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập (Chính phủ, 2010).

Thứ hai, điều kiện thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là: i) Các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho

các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo hợp đồng thoả thuận tự nguyện đối với trường hợp chi trả trực tiếp hoặc hợp đồng ủy thác trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp chi trả gián tiếp; ii) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo cam kết bảo vệ rừng và cung ứng dịch vụ môi trường rừng với Uỷ ban nhân dân cấp xã; iii) Chủ rừng là tổ chức được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường theo Cam kết quản lý bảo vệ rừng và cung ứng dịch vụ môi trường rừng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các doanh nghiệp có dự án quản lý, kinh doanh rừng và đất rừng phải thực hiện quy định về thuê đất, thuê rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước; iv) Các tổ chức không phải là chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo phương án quản lý bảo vệ rừng được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; v) Hộ nhận khoán bảo vệ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định, lâu dài với chủ rừng là tổ chức Nhà nước (BNNPTNT-BTC, 2012).

Thứ ba, i)Thời hạn bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng bắt đầu thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng từ ngày 01/01/2011; trường hợp bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng bắt đầu hoạt động sau ngày 01/01/2011 thì thời điểm bắt đầu thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là ngày bắt đầu có hoạt động sử dụng dịch vụ môi trường rừng; trong trường hợp chi trả trực tiếp, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng theo hợp đồng thoả thuận; trong trường hợp chi trả gián tiếp, hàng quý, chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu của quý kế tiếp, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng lập và gửi cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng bản kê khai nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chuyển tiền trả từng quý theo hợp đồng ủy thác, nếu chậm, phải trả thêm tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán. ii). Chủ rừng nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng: trường hợp chi trả trực tiếp, chủ rừng nhận tiền chi trả theo hợp đồng thoả thuận; trường hợp chi trả gián tiếp, chủ rừng nhận tiền chi trả theo kế hoạch hàng năm của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. iii). Hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận tiền chi trả căn cứ theo hợp đồng khoán bảo vệ rừng với chủ rừng (BNNPTNT-BTC, 2012).

2.1.4.2. Năng lực quản lý của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ rừng

Thứ nhất, giám sát dịch vụ môi trường. Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ yêu cầu hay các quy định nào cho việc giám sát môi trường về chất lượng rừng, xói mòn đất hoặc điều tiết nguồn nước, mặc dù cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng hướng tới tất cả các loại dịch vụ môi trường này.

Hệ thống giám sát và đánh giá quy định trong Thông tư 20/2012/TT- BNNPTNT ngày 7/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ yếu chỉ đề cấp tới việc giám sát diện tích rừng hiện có như là yếu tố đại diện cho các dịch vụ môi trường và kết quả đầu ra cuối cùng.

Mặc dù một số báo cáo đã chỉ ra sự tăng trưởng chất lượng rừng từ cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (Ví dụ: MARD2010; Quỹ BVPTR Lâm Đồng 2012; Quỹ BVPTR Sơn La 2012, Quỹ BVPTR Việt Nam 2012), tuy nhiên những đánh giá này chủ yếu dựa trên nhận định chủ quan và quan điểm của các hộ gia đình, cộng đồng và cán bộ cấp tỉnh, thay vì đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về sự tăng trưởng hoặc dấu hiệu cho thấy mối liên kết giữa cải thiện chất lượng rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thứ hai, giám sát hợp đồng. Tại Việt Nam, nhà nước quy định bên sử dụng

dịch vụ môi trường rừng chuyển tiền chi trả theo từng quý và theo hợp đồng ủy thác, nếu chậm, phải trả thêm tiền lãi đối với số tiền chi trả chậm theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán. Tuy nhiên, quy định này thực sự không giải quyết được vấn đề khi mà mức lãi suất là tương đối thấp (khoảng 0,65%/năm). Các công ty có thể tái đầu tư tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho công việc kinh doanh của họ thay vì chi trả cho người cung cấp và cho dù Chính phủ có yêu cầu họ phải trả thêm tiền lãi do nộp muộn, họ vẫn có được lợi nhuận từ việc trì hoãn chi trả (BNNPTNT-BTC, 2012).

2.1.4.3. Phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị có liên quan trong chi trả DVMTR có ý nghĩa quan trọng trong quản lý chi trả DVMTR. Bởi lẽ sự phối hợp này đảm bảo cho việc chi trả theo đúng nguyên tắc chi trả mà nhà nước quy định, đảm bảo thực thi kịp thời minh bạc và công khai trong quản lý.

Để thực hiện phối hợp giữa các cơ quan đơn vị có liên quan trong chi trả DVMTR, trước hết phải phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của

các cơ quan trong hệ thống. Các Bộ ban ngành phải thực hiện những nhiệm vụ gì, địa phương đảm nhận nhiệm vụ gì, các tổ chức quản lý chi trả có trách nhiệm như thế nào trong chi trả DVMTR

Trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan đơn vị có liên quan các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn

Ngoài ra, vai trò hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức quốc tế cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam. Động viên sự hỗ trợ tài chính, về kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức của các tổ chức quốc tế: Winrock, GTZ… và cân đối nguồn vốn trong nước bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các nội dung công việc xây dựng và triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tổ chức Winrock International đã tham gia triển khai ngay từ đầu, giúp đỡ Việt Nam xây dựng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng rất kịp thời và toàn diện, cả về kinh nghiệm tổ chức, về nội dung chuyên môn và về tài chính nên đạt được hiệu quả rất thiết thực.

2.1.4.4 Ý thức chấp hành của đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng

Thực tế cho thấy, người dân các địa phương có rừng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, người được khoán rừng của các tổ chức cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Thu nhập từ rừng của người dân vùng có rừng cũng từng bước được cải thiện. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giảm đáng kể. Việc thu tiền từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đang có tác động tốt đến các chủ rừng. Tuy nhiên, một trong những việc cần phải làm hiện nay là phải chi trả đến đúng người cung ứng dịch vụ. Do đó, để các địa phương không bị lúng túng trong việc triển khai thực hiện, cần có hướng dẫn cụ thể, sự chỉ đạo thường xuyên trực tiếp từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như ra các văn bản hướng dẫn về công tác giải ngân, thanh quyết toán nội dung kinh phí quản lý của các chủ rừng là tổ chức, cơ chế về thanh tra, kiểm soát, thủ tục hồ sơ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có như vậy, việc triển khai thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng mới đạt hiệu quả, khuyến khích người dân

tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Và, hơn thế nữa để chính họ có được cuộc sống ổn định từ nghề rừng.

2.1.4.5. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của bên phải chi trả

Trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay cũng như những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp. Nên kết quả sản xuất của các nhà máy thủy điện, sản xuất nước sạch và các Công ty kinh doanh du lịch... là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến cơ chế tài chính dịch vụ môi trường rừng.

2.1.4.6. Thiên tai, hạn hán

Thiên tai, hạn hán luôn là mối hiểm họa do thiên nhiên gây ra, mà con người khó có thể lường trước được hậu quả nó mang lại. Đặc biệt nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái. Hạn hán sẽ dễ dẫn đến cháy rừng, môi trường bị tàn phá, hệ thống sông suối sẽ bị giảm và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà máy điện, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tài chính cho dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh nghệ an (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)