Phần 1 Mở đầu
2.2. Cơ sở thực tiễn phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn vietgap
2.2.2. Kinh nghiệm phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn gap ở việt nam
2.2.2.1. Mô hình sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Hải Dương trong 2 năm 2014-2015
Xây dựng mô hình sản xuất cà chua và bí xanh tại xã Thượng Đạt và xã An Châu (Thành phố Hải Dương) với quy mô 23 ha, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn (gọi tắt là VietGAP). Mô hình sản xuất cà chua an toàn sử dụng giống cây cà chua Savior ghép trên gốc cà tím, là giống cà chua đã được đánh giá phù hợp trong những năm gần đây. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quy trình thực hành sản xuất an toàn. Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất được các hộ nông dân ghi chép tạ nhật ký sản xuất theo đúng quy định của Ban quản lý VietGAP tại địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy cà chua trồng 02 vụ/năm đều cho thời gian ra hoa sau trồng 30 ngày; tỷ lệ đậu quả đạt trên 50%;
số quả trung bình đạt 2,6 – 3,5 quả/chùm; số chùm trên cây đạt 9,5 – 10 chùm/cây; trọng lượng quả đạt 50-80 gram/quả. Năng suất cà chua đạt 50 tấn/ha ở vụ hè thu và 40 tấn/ha ở vụ mùa. Để kiểm nghiệm độ an toàn của cà chua sản xuất theo quy trình VietGAP, đề tài đã tổ chức lấy 6 mẫu kiểm nghiệm. Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm cà chua VietGAP đều đảm bảo an toàn các chỉ tiêu, không phát hiện mối nguy mất an toàn vi sinh vật và thuốc bảo vệ thực vật. Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất cà chua VietGAP đạt năng suất 7,7 tấn/ha (tương đương với năng suất của mô hình sản xuất đại trà); giá bán cà chua đạt 7,7 triệu đồng/tấn (cao hơn so với giá bán cà chua ở mô hình sản xuất đại trà), hiệu quả kinh tế tăng 12% so với sản xuất đại trà.
Mô hình sản xuất bí xanh VietGAP được triển khai tại xã An Châu, áp dụng giống Bí xanh số 2 trong vụ đông năm 2014 và vụ đông năm 2015. Việc áp dụng quy trình VietGAP được người sản xuất và doanh nghiệp tiếp nhận đúng quy trình, song do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến sản xuất bí xanh vụ đông 2015 gặp nhiều khó khăn. Năng suất bí xanh số 2 đạt 56 tấn/ha (năm 2014) và 10 tấn/ha (năm 2015). Năm 2014, sản xuất bí xanh VietGAP cho thu lãi 210 triệu đồng/ha, tăng 9% so với sản xuất bí xanh đại trà.
Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp cùng một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kênh tiêu thụ nông sản cho các hộ sản xuất. Sản phẩm cà chua VietGAP đã được đưa vào hệ thống siêu thị BigC từ ngày 20/10/2014, sản phẩm bí xanh từ ngày 27/12/2014. Tổng sản phẩm cà chua VietGAP đã đưa vào siêu thị bigC là 75 tấn (chiếm 30% tổng sản phẩm), sản phẩm bí xanh là 84 tấn (chiếm 30% tổng sản lượng sản xuất). Sang năm 2015, do sản xuất bị ảnh hưởng của thiên tai khiến sản lượng thu hoạch thấp, mẫu mã quả nhỏ không đáp ứng đủ yêu cầu nên sản lượng đưa vào siêu thị chỉ khoảng 20%, ước đạt 6 tấn cà chua. Ngoài ra, sản lượng nông sản của mô hình sản xuất được đưa đi tiêu thụ tại các cửa hàng rau an toàn và thị trường tiêu thụ tự do (Hải Ninh, 2015).
2.2.2.2. Các mô hình sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Thanh Hóa
Các mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap gồm: Mô hình trồng rau an toàn tại HTX nông nghiệp Quảng Thắng (xã Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. và mô hình trồng rau an toàn tại HTX dịch vụ nông nghiệp và
điện năng xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa. đã được hình thành. Hơn 2 năm đi vào sản xuất, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định, là tín hiệu vui giúp bà con nông dân có thêm động lực yên tâm sản xuất.
Xã Quảng Thắng, TP Thanh Hóa hiện có 13 ha rau, trong đó có 2,5 ha rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP - với 35 hộ tham gia. Qua trao đổi với các hộ dân có diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chúng tôi được biết: Do sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, người dân lại chưa quen, nên ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng. Tuy nhiên, sau vài vụ, người dân đã dần quen được với cách làm và các thao tác kỹ thuật mới, vì vậy việc sản xuất rau theo tiểu chuẩn VietGAP dần đi vào ổn định. Theo tính toán của các hộ trồng rau, nếu trồng lúa, mỗi năm người nông dân chỉ thu về khoảng 40 đến 50 triệu đồng/ha, trong khi đó, nếu trồng các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân có thể đạt năng suất 25-35 tấn/ha mỗi đợt, mỗi năm thu hoạch khoảng 5-8 đợt, với giá bán trung bình từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg như hiện nay thì trừ vốn, công lao động, nông dân có thể thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với 4,5 ha gồm các loại rau cải xanh, rau muống, mồng tơi, xà lách, bắp cải, cà chua, đậu ăn quả, dưa chuột, su su cũng cho hiệu quả kinh tế không kém. Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Phú Qúy, xã Hoằng Hợp, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 sào rau sản suất theo tiêu chuẩn VietGap. Theo tính toán của chúng tôi, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tuy năng suất có giảm hơn khoảng 15%-20% do ít phun thuốc trừ sâu, nhưng bù lại, giá bán tăng gần gấp đôi so với các loại rau sản xuất tự do, nên hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiệu quả về kinh tế chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đem lại, cái quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Không những thế, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh (Trần Hằng, 2016).