Nội dung quản lý sử dụng Quỹ quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý sử dụng quỹ quốc gia trong giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn huyện kinh môn, tỉnh hải dương (Trang 31 - 34)

a, Xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án

Xây dựng dự án: Các đối tượng vay vốn, khi có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương.

Thẩm định dự án: Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương theo sự phân cấp của cấp trên, chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương) tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thủ trưởng cơ quan thực hiện Chương trình các cấp ra quyết định phê duyệt các dự án vay vốn từ Quỹ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan trung ương thực hiện Chương trình, thực hiện phân cấp cho cơ quan cấp dưới ra quyết định phê duyệt các dự án, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là liên Bộ) chịu trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng dự án, phân cấp thẩm định và phê duyệt dự án; quy định rõ thời hạn các cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án phải hoàn thành công việc và trả lời đối tượng vay vốn (Bộ Tài chính, 1992).

b, Phân bổ và Tổ chức chuyển vốn và giải ngân

Hàng quý, căn cứ dự toán nguồn vốn mới được bổ sung cho Quỹ và đề nghị chuyển vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để tổ chức giải ngân kịp thời theo dự án đã được duyệt (Bộ Tài chính, 1992).

c, Thu hồi và sử dụng vốn thu hồi

Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương xây dựng kế hoạch thu nợ và tiến hành thu hồi nợ đến hạn; người vay có thể trả vốn trước hạn. Trong quá trình cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương kiểm tra nếu phát hiện người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì báo cáo với cơ quan phê duyệt dự án ra quyết định thu hồi nợ trước thời hạn.

Đối với các dự án đến hạn trả nợ, nhưng do nguyên nhân khách quan gặp khó khăn về tài chính dẫn đến người vay chưa có khả năng trả nợ, người vay có nhu cầu gia hạn, phải làm đơn giải trình rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục gửi đến Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi cho vay để xem xét, giải quyết. Căn cứ đơn xin gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương tiến hành kiểm tra và giải quyết gia hạn nợ theo quy định.

Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng vốn thu hồi để cho vay các dự án đã được phê duyệt, không được để vốn tồn đọng ở Ngân hàng.

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn cho vay giữa các địa phương, các cơ quan trung ương thực hiện Chương trình hoặc thu hồi về Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có quyết định xử lý. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm chuyển vốn theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ Tài chính, 1992).

d, Xử lý nợ bị rủi ro

Nguồn vốn để xử lý nợ cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nguồn vốn để xử lý nợ cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (Bộ Tài chính, 1992).

e, Tạo động lực thúc đẩy

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực góp phần thúc đẩy việc dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên.

Tại hội thảo đánh giá hiệu quả triển khai các nhóm chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm do Đoàn Khối các cơ quan T.Ư, Ban Kiểm tra T.Ư Đoàn và Đoàn Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, thu thập thông tin, nhu cầu về dạy nghề còn nhiều bất cập. Chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên được triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa có ưu đãi tốt cho đối tượng thanh niên nông thôn, vùng sâu. Việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học là thách thức lớn; các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, các dự án cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối tượng cho vay là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chiếm dưới 10%. Mức cho vay thấp, lãi suất chưa linh hoạt, nhu cầu vay lớn, nhưng nguồn vốn chỉ đáp ứng từ 30 đến 35%.

Thực tế, phát triển nguồn nhân lực trẻ, cùng với đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là yêu cầu bức thiết hiện nay. Để xây dựng nguồn lực thanh niên có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ thanh niên tham gia thực hiện các chương trình. Trong đó có các chương trình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng công trình trọng điểm quốc gia hoặc các dự án lớn của Nhà nước, chương trình thanh niên lập thân, lập nghiệp, chương trình thanh niên tham gia xuất khẩu lao động...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục, đào tạo cho thanh niên, giúp thanh niên có điều kiện được học tập nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích việc tổ chức đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ cho thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, nhất là với học sinh nông thôn. Có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên vùng ven đô thị, nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho công nghiệp và đô thị hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thất nghiệp, mất việc làm tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo để tự tạo việc làm. Tích cực huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên (Chính Phủ, 2015)…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý sử dụng quỹ quốc gia trong giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn huyện kinh môn, tỉnh hải dương (Trang 31 - 34)