Thực trạng công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện lạng giang, tỉnh bắc giang (Trang 69 - 70)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Tổng quan về hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt toàn huyện

4.1.3. Thực trạng công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

- Về Thu gom: Năm 2016 khối lượng RTSH phát sinh khoảng 119,9 tấn/ngày, thu gom 95,1 tấn/ngày, đạt 79,3%; đây là tỷ lệ tăng khá cao so với những năm trước do kinh tế ngày càng phát triển.

Các tổ đội thu gom của các thôn hoặc xã thu gom ở hộ dân, tại điểm quy định và trên các tuyến đường, trung tâm thương mại, chợ rồi trở về bãi tạm hoặc ra thẳng bãi tập trung để xử lý.

Đối với rác thải được hộ dân tự thu gom, xử lý tại gia đình trong khu nông thôn khá nhiều: thu gom để tái sử dụng cho chăn nuôi, trồng trọt, làm củi, thu gom tại nhà vệ sinh, hầm Bioga của hộ gia đình. Đây là hoạt động đương nhiên mà chưa có cơ quan chức năng nào tập huấn, hướng dẫn.

Những hộ dân không tham gia đóng phí thì hộ vứt rác thải không đúng nơi qui định như: hành lang đê, ven trục đường giao thông, mương máng, vứt sang các xã lân cận, thậm chí ngay cả trên mặt đường liên thôn, liên xã … ngoài ra còn có hiện tượng đốt trộm rác thải.

Ngoài các hoạt động thu gom của tổ đội còn có các hội: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên và tổng huy động các cơ quan, tổ chức, người dân trong các đượt phát động hàng năm. Mỗi năm có bình quân 02 đợt phát động với 204.591 lượt người tham gia, thu gom 10.303 m3 rác thải

- Việc thực hiện phân loại tại nguồn thực hiện theo đề án của UBND huyện Lạng Giang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai năm 2011 tại xã Mỹ Hà trong đó có việc phân loại RTSH đầu nguồn. Trong thời gian đầu triển khai Đề án người dân thực hiện đều đặn. Song đến nay việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn về cả phương tiện, phương pháp và công nghệ cũng như ý thức tùy tiện của người dân nên việc phân loại và thu gom gặp nhiều khó khăn. Ngay cả tại thị trấn Vôi (trung tâm văn hóa của huyện) trong thời gian đầu triển khai đề án đưa lò đốt RTSH vào hoạt động và thành lập HTX vệ sinh môi trường thì việc phân loại RTSH triển khai và đôn đốc thực hiện được gần một năm sau đó người dân lại quen với việc thu gom chung vào một thùng.

- Xử lý RTSH: Rác thải trong các thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện được các tổ thu gom (gồm 150 tổ/284 thôn, chiếm 53% tổng số thôn: 39 tổ tự quản,

111 tổ, đội thu gom và xử lý RTSH và 02 Hợp tác xã vệ sinh môi trường tại: Thị trấn Vôi, xã Mỹ Hà với 05 lò đốt RTSH:TT Vôi, xã Mỹ Hà, Tân Hưng, Quang Thịnh, Thái Đào) đưa về các bãi rác tập trung của xã quy định đổ thành đống, sau một thời gian nhiều thì đốt, đến một thời điểm bãi rác không còn khả năng trứa thì chôn lấp và quy hoạch bãi mới. Đối với HTX vệ sinh môi trường thị trấn Vôi và Mỹ Hà rác được tập kết về bãi xử lý, tại đây công nhân phân loại rác hữu cơ dễ phân hủy đưa vào bãi ủ để ủ làm phân vi sinh, hữu cơ; rác vô cơ tái chế được phân loại đem đi bán cho các cửa hàng thu mua phế liệu, còn lại rác hữu cơ khó phân hủy thì cho vào lò đốt; một số rác vô cơ không tái chế, nguy hại như gạch, sành sứ, pin….đem chôn theo quy định.

Để khử mùi hôi, thối và phân hủy nhanh của RTSH hữu cơ, một số xã đã dùng chế phẩm sinh học để phun hạn chế gây ô nhiễm cho môi trường như: Xã Tân Hưng, HTX vệ sinh môi trường thị trấn Vôi, xã Mỹ Hà, xã An Hà….

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện lạng giang, tỉnh bắc giang (Trang 69 - 70)